Theo dòng thể thao: Hồi chuông cảnh tỉnh

Bình Giang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi VFF ban hành án phạt đối với các sự cố của vòng 14 V.League, đã có những cuộc tranh luận xung quanh việc án nặng hay nhẹ, dù dư luận thể hiện sự hưởng ứng với động thái cương quyết từ cơ quan quản lý bóng đá.

Án phạt đối với hậu vệ Sầm Ngọc Đức sau cú ra chân ác ý với cầu thủ Nguyễn Anh Hùng là treo giò 8 trận, phạt 30 triệu đồng. Án phạt này được dư luận đánh giá là rất nghiêm khắc, thể hiện tinh thần tuyên chiến với vấn nạn bạo lực sân cỏ. Thế nhưng, ngay lập tức, một số ý kiến đã so sánh giữa án phạt của Ngọc Đức với các đồng nghiệp trong quá khứ. Án phạt này cũng tương đương những gì Quế Ngọc Hải và Trần Đình Đồng đã phải nhận trong quá khứ vì đá gãy chân Trần Anh Khoa, Nguyễn Anh Hùng.
Từ lăng kính kể trên, một số ý kiến cho rằng, án phạt của Ngọc Đức là quá nặng, mang tính chất triệt hạ và không căn cứ vào hậu quả mà chịu áp lực quá lớn vì dư luận. Thậm chí, có ý kiến phê phán VFF xử án để làm đẹp lòng dư luận. Rằng, Anh Hùng không gãy chân thì án phạt phải nhẹ hơn đối với Ngọc Đức.
Mọi sự so sánh đều khập khiễng. Thế nên, không thể so sánh hành vi, hậu quả của Ngọc Đức với Ngọc Hải, Đình Đồng. Hay nói cách khác, các nhà quản lý không căn cứ vào hậu quả mà nhìn hành vi để xử lý. Việc Ngọc Đức có hành vi thô bạo diễn ra trong bối cảnh VFF đã có sự răn đe với bạo lực sân cỏ từ rất lâu và liên tục nên có yếu tố tăng nặng. Đó là chưa kể đến việc, hành vi của Ngọc Đức với Ngọc Hải là nguy hiểm như nhau. Cái khác duy nhất là Anh Hùng đã may mắn tránh né kịp thời nên hậu quả đáng tiếc không xảy ra.
Việc xử án không cần thiết phải căn cứ vào việc nạn nhân bị gãy chân hay không. Thậm chí, có những hành vi phân biệt đối xử dù không mang đến hậu quả nghiêm trọng là sức khỏe, sự nghiệp cho cầu thủ, nhưng án phạt cũng rất nặng. Vấn đề ở đây là chúng ta ý thức thế nào về cái xấu và thông qua án phạt của mình gửi một thông điệp rõ ràng, kiên quyết đến các cầu thủ là phải hành xử một cách chuyên nghiệp.
Bên cạnh việc luận bàn về án phạt đối với Ngọc Đức, nhiều người còn phản ứng về chế tài đối với cổ động viên (CĐV) Hải Phòng. Các CĐV đất Cảng đã nhận án phạt cấm đến sân khách cổ vũ. Có ý kiến cho rằng, án phạt đó mơ hồ, thể hiện việc không nắm luật của VFF. Bởi lẽ, không có gì phân biệt giữa CĐV Hải Phòng và những khán giả thông thường, nên việc thực thi án phạt là vô cùng khó khăn.
Vậy nhưng, nếu nhìn một cách toàn diện thì án phạt này đã cho thấy dụng ý rõ ràng. Nếu CĐV làm xấu hình ảnh bóng đá, làm phương hại đến hình ảnh CLB của chính mình thì không được thỏa mãn với niềm đam mê và nhận lấy sự tôn trọng của giải đấu. Không được đến sân đồng nghĩa với việc CĐV Hải Phòng không được mặc áo truyền thống, không được ngồi khu vực riêng và cũng không được cổ vũ bằng những thiết bị chuyên dụng. Hội CĐV cũng không được nhận mua vé tập thể cùng nhiều sự hỗ trợ và ghi nhận khác. Có nghĩa là đến lúc này, những người đến sân không được coi là CĐV Hải Phòng. Họ cũng không thể “chiến đấu” vì niềm tự hào quê hương và trở thành chỗ dựa cho đội bóng.
Vẫn biết là xử lý một đám đông không có tổ chức là vô cùng khó. Nhưng, trong một nền bóng đá chuyên nghiệp thì hình ảnh, thương hiệu là vô cùng quan trọng. Cấm CĐV Hải Phòng đến sân vì đốt pháo sáng và xúc phạm khán giả Hà Nội là cần thiết. Nó là hồi chuông cảnh tỉnh là dư luận không chấp nhận sự vượt giới hạn và cách thể hiện tình yêu một cách thái quá.