Không có nhà tài trợ, vé không được bán hết, nhà tổ chức đương nhiên sẽ không vui vì họ sẽ chẳng được hái quả ngọt về tài chính, thậm chí sẽ phải bù lỗ.
Đã có những ý kiến chỉ trích VFF vì sao lại mời một đội bóng quá mạnh so với U20 và U22 Việt Nam . Không biết trong những trận thua tan nát như vậy, các đội bóng trẻ Việt Nam có học được điều gì, trong khi VFF phải chi phí quá lớn về tiền bạc. Rồi có ý kiến khác còn đi xa hơn: Tại sao không dành cả chục tỷ đồng bỏ ra để tổ chức 2 trận đấu giao hữu vốn biết chắc sẽ thua để đầu tư cho bóng đá trẻ?
Trước hết, phải nhấn mạnh, trong mọi thương vụ, điều đầu tiên các nhà tổ chức phải tính đến việc cân đối được thu - chi, thậm chí phải hướng đến lợi nhuận. Thua lỗ trong một thương vụ, đương nhiên nhà tổ chức sẽ không vui, nhưng với bóng đá có những chuyện không thể đong đếm chuyện lỗ - lãi. Thứ hai, với quá trình chuẩn bị về chuyên môn cho VCK U20 thế giới, U20 Việt Nam đòi hỏi phải có những cuộc thử lửa với những đội bóng hàng đầu thế giới nhằm nâng cao bản lĩnh trận mạc. Các cầu thủ trẻ sẽ chẳng thể trưởng thành nếu thi đấu với những đội bóng ngang tầm, hoặc không thể gây sức ép cực lớn lên họ.
Bên cạnh đó, có những điều mà hôm nay chúng ta không thể hạch toán vào báo cáo tài chính cho một trận đấu, nhưng nó lại mang đến động lực cho cả nền bóng đá phát triển. Thương hiệu của bóng đá Việt Nam được nâng lên khi các ngôi sao trẻ hàng đầu thế giới đến TP Hồ Chí Minh và Hà Nội thi đấu. Và việc hợp tác với những đội bóng lớn chính là sự đảm bảo để VFF thực hiện các thương vụ lớn hơn trong tương lai. Xét về những góc độ này, cái lợi về thương hiệu sẽ mang đến cái lợi về tài chính.
Bóng đá cũng như kinh doanh, cần phải có những chi phí cơ hội. Không thể thành công nếu không có những đầu tư xứng tầm. Hơn thế nữa, nếu quá chú ý đến sự thiệt hơn thì cánh cửa đến với những nền bóng đá phát triển của bóng đá Việt Nam sẽ chẳng thể mở rộng như mong muốn của hàng triệu người hâm mộ.