Theo dòng thể thao: Mỏi mắt tìm ngoại binh

Bình Giang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ còn vài ngày nữa, thị trường chuyển nhượng ngoại binh sẽ khép lại. Vậy nhưng, đến lúc này, còn nhiều đội bóng vẫn chưa chốt được danh sách ngoại binh cho giai đoạn 2 V.League.

 Có những đội bóng đã đi đến quyết định ký hợp đồng với cầu thủ ngoại nhưng phương án đó chỉ mang tính tình thế.
 Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Chưa bao giờ các đội bóng có nhiều thời gian thử ngoại binh đến vậy. Ở những mùa giải trước, các đội bóng chỉ có 2 - 3 tuần thử và chọn ngoại binh cho giai đoạn 2. Đó là thời điểm hầu như không có giai đoạn nghỉ giữa mùa. Và để các đội bóng không thiệt thòi, Ban tổ chức giải thậm chí còn cho phép các đội bóng được đăng ký thử và thay thế người sau 1, 2 vòng đấu.

Mùa giải này thì khác, chưa bao giờ V.League có thời gian nghỉ giữa giai đoạn dài đến vậy. Để dành điều kiện tốt nhất cho đội tuyển U20, đội tuyển quốc gia chuẩn bị cho các sự kiện lớn, VFF quyết định hoãn các giải đấu quốc nội tổng cộng 3 tháng. Đây cũng là giai đoạn các đội bóng tiến hành thử cầu thủ ngoại. Hầu hết các đội bóng đều đi đến quyết định thay thế ngoại binh nhằm tìm kiếm trợ lực cho giai đoạn nước rút. Từ nhóm đầu bảng như Hà Nội FC, FLC Thanh Hóa, Than Quảng Ninh, cho đến các đội bóng ở nhóm phải cạnh tranh suất xuống hạng gồm: TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ và đặc biệt là Long An.

Thời gian dư dả, các đội bóng quyết định gọi rất nhiều cầu thủ sang thử việc. Họ nuôi tham vọng phải kiếm được những cầu thủ thật sự chất lượng. Bởi, với nhiều nhà quản lý, cầu thủ ngoại chất lượng không chỉ giúp về mặt chuyên môn mà còn đem đến hình ảnh tươi mới cho đội bóng, qua đó kéo khán giả đến sân. Vậy nhưng, khi quãng thời gian 3 tháng tưởng rất dài khép lại, rất nhiều đội bóng đã than trời khi chưa tìm được phương án tối ưu. Một số đội bóng thử việc đến hàng chục ngoại binh như FLC Thanh Hóa, Than Quảng Ninh, nhưng rút cuộc đành phải chấp nhận những phương án tạm thời.

Tham vọng lôi kéo những cầu thủ trăm ngàn đến triệu đô của nhiều đội bóng đã không thành hiện thực. Những cầu thủ chất lượng hoặc không chấp nhận đến chơi ở V.League, hoặc các đội bóng không thể đáp ứng những đòi hỏi mà họ đưa ra. Nhưng trớ trêu là có những cầu thủ được định giá hơn 500.000 USD đã đến thử việc nhưng cuối cùng chỉ mang đến nỗi thất vọng lớn về chuyên môn. Không hiểu họ chưa thích ứng được với môi trường tại Việt Nam hay những thông số có trên bảng lý lịch trích ngang là giả tạo mà trình diễn trên sân chỉ giống như những cầu thủ nghiệp dư.

Đến hạn phải đăng ký với Ban tổ chức giải, nhiều đội bóng phải đi đến quyết định gọi trở lại những cầu thủ đã thi đấu ở V.League như một giải pháp “chống cháy”. Than Quảng Ninh ký hợp đồng với Diachenko, cầu thủ bị TP Hồ Chí Minh sa thải khi giai đoạn 1 khép lại. Long An trong cơn bí bách đã ký hợp đồng với cầu thủ cũ của mình là Sim Woon Sub. FLC Thanh Hóa thất vọng với các cầu thủ trăm ngàn đến triệu đô đã mời cầu thủ vừa bình phục chấn thương là Abass đến thử việc. Nhưng rút cuộc, họ đành phải quyết định giữ lại Uche, chân sút vốn đã được xác định sẽ thanh lý hợp đồng do chấn thương và bất hòa với HLV trưởng.

Rất nhiều đội bóng đã phải chấp nhận những phương án tạm thời sau khi thất bại trong việc tìm kiếm ngoại binh. Lý do của sự thất bại là các đội bóng không có nguồn cung cầu thủ ngoại chất lượng. Thường thì một số nhà môi giới quen thuộc đã tạo ra dòng chảy cầu thủ thử việc từ đội bóng này qua đội bóng khác, chứ không chịu tìm những món hàng chất lượng. Bên cạnh đó, việc không có nguồn tài chính hùng mạnh khiến các đội bóng phải đưa ra những lời đề nghị phải chăng với các nhà môi giới khiến chất lượng đầu vào không được cao.