Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Theo dòng thể thao: Thành bại không chỉ là tiền!

Ban Mai
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau ASIAD, rất nhiều nhà chuyên môn đã đặt ra câu hỏi về chiến lược đầu tư tài năng của ngành thể thao.

Bởi dù hoàn thành chỉ tiêu vàng, nhưng nhìn tổng thể, giới chuyên gia không thấy sự phát triển bền vững dù chiến lược tạo nguồn nhân lực đã có từ nhiều năm nay.

Thể thao Việt Nam có nhiều thiệt thòi so với các nước phát triển. So với Thái Lan, Singapore, hay Malaysia thì suất đầu tư của Việt Nam thấp hơn rất nhiều. Đây là điều khó tránh khỏi khi ngân sách dành cho thể thao không nhiều trong bối cảnh Nhà nước có quá nhiều lĩnh vực cần phải chi. Thế nhưng, so với trước đây, ngành thể thao đã nhận được những biệt đãi về đầu tư. Đặc biệt là kể từ khi chính sách đầu tư cho những vận động viên trọng điểm của ASIAD và SEA Games được thông qua thì mức độ đầu tư đã có sự đột phá. Từ chỗ các vận động viên thường xuyên phải tập trung, huấn luyện trong nước thì ngay nườm nượp những vận động viên trọng điểm được ra nước ngoài đào tạo dài hạn. Tiền ăn, tiền công tập luyện đã có những đột phá so với thời kỳ trước. Cá biệt như trường hợp của Ánh Viên được ăn theo nhu cầu chứ không phải là định mức có trong quy định về tài chính được ngành thể thao ban hành.

Thể thao Việt Nam đã xác định được những môn thể thao trọng điểm cùng những vận động viên có khả năng giành huy chương SEA Games và ASIAD để đầu tư dài hạn. Một bản danh sách đỏ đã được lên và cùng với đó, những kế hoạch đầu tư tiền bạc đã được thực hiện từ nhiều năm qua. Thế nhưng, ngay ở ASIAD lần này, dù có đến hơn 20 nội dung có thể giành huy chương nhưng các nhà chuyên môn vẫn nhận thấy sự mong manh về khả năng tranh chấp của thể thao Việt Nam. Thậm chí, so với những nền thể thao trong khu vực thì chúng ta vẫn tỏ ra thua kém, đặc biệt ở các môn thuộc hệ thống thi đấu Olympic.

Đúng là thể thao là cuộc chơi dài hơi và tốn kém. Muốn có thành tích thì phải có tiền, thậm chí rất nhiều tiền trong nhiều năm. Tuy nhiên, tiền không phải là yếu tố quyết định bởi nếu nhìn sang Philippines, CHDCND Triều Tiên, Cuba, thậm chí là Indonesia thì người ta vẫn thấy những khác biệt về chiến lược đầu tư đã mang lại. Ở đó, những môn thể thao được lựa chọn đầu tư đều có sự tính toán kỹ lưỡng về tố chất con người, so đọ với các đối thủ và một chiến lược đào tạo dài hơi. Còn với thể thao Việt Nam, có những vận động viên, những môn thể thao được đầu tư nhiều tiền nhưng hiệu quả không cao do thiếu sự sát sao của các nhà quản lý.

Thất bại cay đắng của Ánh Viên đã cho thấy rất nhiều điều. Từ chuyện nữ kình ngư này không được dạy bởi một HLV giỏi dù được đầu tư không giới hạn trong nhiều năm ở nước ngoài đến việc những khủng hoảng tâm lý không được lãnh đạo ngành thể thao nắm bắt. Thậm chí, khi biểu đồ thành tích của Ánh Viên đi xuống do nhiều yếu tố nhưng giới chuyên môn không nắm được và tất nhiên là chẳng có giải pháp nào được đưa ra ngoài việc phó thác cho những chuyến tập huấn nước ngoài. Tiếp đó, người ta cũng không khỏi sốc với chuyện, đội tuyển điền kinh không thể tiêu hết khoản tiền đầu tư cho ASIAD vì thiếu kế hoạch tập huấn ở nước ngoài. Sự bị động của các nhà quản lý khiến các vận động viên không được tập huấn trong điều kiện tốt nhất. Đây cũng không phải là chuyện hiếm gặp ở các môn thể thao khác, thậm chí, có trường hợp ra nước ngoài rồi nhưng phải sớm quay trở về vì điều kiện tập luyện, thi đấu ở nơi không phù hợp với quy trình huấn luyện.

Vậy mới nói, để có một nền thể thao thành công thì việc đầu tư thôi là chưa đủ. Đã đến lúc các nhà chiến lược của ngành thể thao phải đưa ra được một chiến lược tổng thể cũng những kế hoạch phát triển, tuyển chọn và tập huấn thực sự khoa học và đúng chuyên môn thì mới mong có được cái kết trọn vẹn.