Theo dòng thể thao: Vết xe đổ vẫn còn mới

Bình Giang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mấy ngày qua và cả thời gian tới đây, chắc chắn cái tên Park Hang-seo sẽ được nhắc đến nhiều nhất trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như mạng xã hội. Người thì ấn tượng với bản lý lịch có thể nói là hoành tráng nhất từ trước đến nay mà VFF có được.

Ý kiến khác lại tìm đủ mọi cách để chê và hoài nghi về khả năng thành công của tân HLV trưởng đội tuyển Việt Nam.

Khi VFF công bố danh tính HLV trưởng mới của đội tuyển quốc gia, nhiều người đã sốc. Bởi lẽ, Park Hang-seo vốn rất nổi tiếng ở Hàn Quốc, được biết đến với tư cách là trợ lý của HLV lừng danh người Hà Lan Guus Hiddink. Cùng với Hiddink, Park Hang-seo đã góp công đưa đội tuyển Hàn Quốc đến bán kết World Cup 2002. Chưa hết, tại ASIAD Busan, với tư cách là HLV trưởng, nhà cầm quân này đã cùng với Olympic Hàn Quốc giành HCĐ. Kết thúc mối lương duyên với đội tuyển, ông Park Hang-seo dẫn dắt nhiều đội bóng chuyên nghiệp nhưng vẫn luôn bày tỏ khát vọng được trở lại dẫn dắt đội tuyển Hàn Quốc với tư cách HLV trưởng.
Việc có được chữ ký của một nhà cầm quân từng dẫn dắt đội tuyển hàng đầu châu lục như Hàn Quốc là thành công của VFF. Tất nhiên, để có được điều này, VFF phải trả mức lương cao nhất từ trước đến nay cho một HLV trưởng đội tuyển quốc gia. Bên cạnh đó, VFF cũng nhận được sự ủng hộ toàn diện và hết lòng từ đối tác chiến lược là Liên đoàn Bóng đá Hàn Quốc.

VFF ghi điểm với dư luận bằng một nhà cầm quân có tiếng. Thế nhưng, tuần trăng mật ấy dường như nhanh chóng kết thúc khi người ta tìm đủ mọi cách để chê nhà cầm quân này cũng như hoài nghi về khả năng thành công của ông. Đầu tiên là chê… ngoại hình của nhà cầm quân này không được bắt mắt (!?). Ông hói đầu, khuôn mặt khó gần và có phần cứng nhắc. Tiếp đó, người ta nghi ngại về sự phù hợp trong triết lý bóng đá của một nhà cầm quân người Hàn Quốc với các cầu thủ Việt Nam. Thậm chí, có ý kiến còn hoài nghi về năng lực của nhà cầm quân này khi cho rằng, ông không phải là trợ lý số 1 của HLV Guus Hiddink. Có thể nói, dù chưa ngồi vào ghế nóng nhưng nếu hiểu được những gì đang diễn ra ở Việt Nam thì có lẽ ông Park Hang-seo cũng cảm thấy nghẹt thở.

Một ngày sau khi thông tin về ông Park Hang-seo được loan tải, một số tờ báo đã đưa ra chi tiết nhà cầm quân này được lựa chọn bởi con đường tắt chứ không theo quy trình mà VFF đã lựa chọn. Thậm chí, có tờ báo còn trích lời Phó Chủ tịch VFF Nguyễn Xuân Gụ cho biết, ông Park Hang-seo không có tên trong bản danh sách xin việc gửi tới VFF. Người ta đã đặt ra giả thuyết này được lựa chọn theo con đường phi chính thống của cá nhân nào đó trong VFF. Tất nhiên, sau khi thông tin rất nhạy cảm này được tung lên báo, chính ông Gụ đã lên tiếng bác bỏ và khẳng định HLV Park Hang-seo có tên trong danh sách đề cử ban đầu; lựa chọn ông Park Hang-seo đúng theo quy trình; những người tham gia đàm phán đã nhận được sự ủy quyền của Thường trực VFF. Chỉ có điều, sau lời cải chính thông tin ấy, các tờ báo đưa tin khác với VFF nhất định không chịu cải chính, hay nói lại cho dư luận hiểu bản chất vấn đề.

Từ những thông tin khá bất thường xung quanh lựa chọn ông Park Hang-seo, người ta hình dung đến những áp lực mà ông Miura từng phải đối diện. Nhà cầm quân này có lúc tâm sự rằng, ông không thể hiểu vì sao mình luôn bị chỉ trích dù hoàn thành nhiệm vụ mà VFF đưa ra. Thậm chí, có vị lãnh đạo VFF còn chê nhà cầm quân này chuyên môn kém, không phù hợp với bóng đá Việt Nam. Vì thế, để tránh vết xe đổ trong quá khứ, đòi hỏi những người làm bóng đá phải thật sự công tâm trong nhìn nhận, đánh giá sự việc. Và đặc biệt, họ không được phép coi chiếc ghế HLV trưởng đội tuyển quốc gia là mặt trận nhằm tấn công đối thủ. Có như vậy, những bài học cay đắng mà Miura, Hữu Thắng mới không tiếp tục tái diễn với ông Park Hang-seo.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần