Nhưng giá sắt thép xây dựng khu vực phía Bắc hiện đã giảm từ 500 - 700 đồng/kg; phía Nam giảm từ 400 - 600 đồng/kg. Thực tế tại các cửa hàng kinh doanh sắt thép xây dựng, sắt phi 6 - 8 tùy theo DN sản xuất như Việt Nhật, Hòa Phát, Pomina..., giá dao động từ 12,60 - 13,57 triệu đồng/tấn; sắt phi 10, 12, 14 giá từ 12,23 - 13,05 triệu đồng/tấn... Mặc dù giá bán đã giảm khá mạnh, nhưng sức tiêu thụ các sản phẩm sắt thép vẫn giảm khá mạnh. Cụ thể, sức tiêu thụ thép xây dựng trong tháng 10 đạt 559.847 tấn, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2016 và giảm 24% so với tháng 9/2017. Lượng thép tồn kho lên đến 783.000 tấn, tăng 35% so với thời điểm cuối tháng 9/2017.
Theo ông Nguyễn Văn Sưa - Phó Chủ tịch VSA, nguyên nhân khiến giá sắt thép xây dựng giảm mạnh là do giá phôi thép trên thị trường thế giới giảm mạnh. Cụ thể từ cuối tháng 9/2017, giá thép phế liệu trên thị trường thế giới giảm 5 USD/tấn từ 320 - 330 USD/tấn xuống còn 320 - 325 USD/tấn; giá phôi thép giảm 27 USD/tấn từ mức 529 - 530 USD/tấn xuống còn 500 - 505 USD/tấn; giá phôi nội địa giảm từ 11.800 - 12.000 đồng/kg xuống còn 10.800 - 11.200 đồng/kg... Giá phôi giảm mạnh khiến giá sản phẩm thép xây dựng giảm tương ứng. Bên cạnh đó, việc bão liên tục đổ bộ khu vực miền Trung gây mưa lớn là một trong những lý do khiến thị trường xây dựng trầm lắng. Để đẩy mạnh tiêu thụ, các DN sản xuất thép đã phải đồng loạt giảm giá bán.
Thực tế cho thấy, giá thép giảm còn do cung đã vượt cầu, hiện tổng năng lực sản xuất của ngành thép trong nước vào khoảng 30 triệu tấn/năm. Cụ thể, ở mặt hàng phôi thép là 12 triệu tấn/năm, thép cán 12 triệu tấn/năm, tôn mạ phủ màu 5 triệu tấn/năm. Với quy mô này, ngành thép Việt Nam được đánh giá đang đứng đầu các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế của thị trường trong nước, nguồn cung đang vượt xa cầu, cụ thể trong 10 tháng qua, DN thép đã sản xuất 17.046.955 tấn, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2016.