Không như kỳ vọng
Phần mềm mô phỏng do Cục Đường bộ Việt Nam đưa ra có 120 tình huống giao thông, dự kiến sẽ được áp dụng vào chương trình dạy và học lái ô tô các hạng B1, B2, C, D, E, F... từ ngày 15/6.
Theo Bộ GTVT, quá trình xây dựng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông, Bộ này đã phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam, các cơ quan, doanh nghiệp công nghệ thông tin nghiên cứu kinh nghiệm áp dụng của DVSA (Anh), VicRoad (Australia), Nhật Bản, Singapore… để xây dựng 120 kịch bản tình huống gây mất an toàn giao thông xảy ra trong thực tế (các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng) để người đọc nghiên cứu, nhận biết, phán đoán và đưa ra phương án xử lý bảo đảm lái xe an toàn.
Mục đích của phần mềm mô phỏng là để người học nhận biết các tình huống tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông thường gặp và những nguy cơ tiềm ẩn tai nạn đang phát triển khi tham gia giao thông ở các điều kiện, môi trường giao thông trên đường bộ khác nhau. Từ đó người học nhận biết, phân tích và xác định từng giai đoạn xảy ra trong một tình huống giao thông, cụ thể như: Giai đoạn bắt đầu tình huống, các dấu hiệu chuẩn bị xuất hiện tình huống, diễn biến của tình huống, kết thúc tình huống.
Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng tại một số cơ sở sát hạch lái xe trong thời gian qua, phần mềm mô phỏng nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều về những bất cập, hạn chế. Đầu tiên là sự thiếu thực tế.
Không ít kiến cho rằng, với phần mềm mô phỏng, nhiều tình huống đưa ra trong phần mềm có điểm chuẩn vô lý, thậm chí không đúng với phản xạ thực tế của người lái xe trên đường. Điều này dẫn tới tình trạng người học ghi nhớ như học thuộc bài chứ chưa thể xử lý theo đúng phản xạ thực tế.
Dù quan sát tốt tới đâu, phản xạ nhanh thế nào vẫn không thể có điểm cao, thậm chí bị 0 điểm. Như vậy, mục đích "đo" phản xạ của người học khó đạt được trong chương trình học và thi mô phỏng.
Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng, khi thực hiện phần thi trên phần mềm mô phỏng cho cảm giác giống một game thử thách hơn là những tình huống thực tế được trải nghiệm trên đường. Lí do vẫn là do các tình huống thi đều khác quá xa thực tế trên đường.
Cần rà soát, đánh giá lại
Trước những phản ánh về bất cập trong thi mô phỏng lái xe, đại diện Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, trước khi áp dụng từ ngày 15/6 tới đây, phần mềm thi mô phỏng lái xe đã được Cục Đường bộ Việt Nam cùng các đơn vị, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, chuyên gia giao thông... nghiên cứu khá kỹ lưỡng.
“Việc thi mô phỏng lái xe nhằm giúp người lái nhận biết được tình huống nguy hiểm khi lái xe trên đường. Ở các nước trên thế giới, họ áp dụng phần thi này từ rất lâu đem lại những hiệu quả nhất định giúp người lái tăng khả năng nhận diện nguy hiểm, nâng cao kỹ năng người lái” – đại diện Cục Đường bộ Việt Nam cho hay,
Về những tình huống giao thông áp dụng vào chương trình dạy và học lái ô tô, đại diện Cục Đường bộ Việt Nam khẳng định, hầu hết tình huống được mô phỏng lại từ những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đã xảy ra trên cả nước. Đồng thời, trong suốt thời gian qua, Cục Đường bộ Việt Nam vẫn luôn theo dõi, đánh giá kết quả đạt được để kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện.
“Đối với phản ánh tình huống chưa thực tế, điều chỉnh khung điểm... Cục Đường bộ Việt Nam sẽ có rà soát, đánh giá lại tình huống. Căn cứ vào đó, đơn vị có những điều chỉnh, nâng cấp để phần mềm hoàn thiện hơn phục vụ cho quá trình dạy và học lái xe đạt chất lượng cao nhất” – địa diện Cục Đường bộ Việt Nam nói.
Đánh giá về phần mềm mô phỏng lái xe, các chuyên gia cho rằng, điểm tích cực của môn thi mô phỏng này là sẽ giúp nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt đưa nhiều tình huống dạy lái trên cao tốc vào cho người dân trải nghiệm. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, việc cố định môn thi vào 120 tình huống cụ thể rồi áp dụng cho tất cả các học viên sẽ tạo ra cảm giác khô cứng, rập khuôn, máy móc và đặc biệt là khiến học viên cảm thấy các tình huống thiếu thực tế.
“Trong quá trình lái xe trên đường sẽ có khả năng xảy ra rất nhiều tình huống khác nhau. Và mỗi tình huống cũng sẽ có rất nhiều người có nhận định và phản ứng khác nhau” – chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên chia sẻ.
Bên cạnh đó, cơ chế chấm điểm cho học viên trong phần thi này cũng có nhiều bất cập. Đơn cử như học viên bấm chọn sớm một giây bị chấm 0 điểm. Nhiều chuyên gia cho rằng cách chấm như thế này là vô lý, bởi trong nhiều tình huống có nhiều người nhận diện từ sớm trước một hoặc hai giây và người ta xử lý sớm sẽ hạn chế va chạm cao hơn. Nhận diện càng trễ thì va chạm càng lớn. Vậy tại sao người nhận diện sớm, bấm chọn sớm lại bị chấm điểm 0?
Theo quy định tại Thông tư 04/2022 (sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 12/2017 quy định về đào tạo, sát hạch cấp GPLX cơ giới đường bộ), các trung tâm sát hạch lái xe phải sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để sát hạch lái xe. Theo đó, các học viên thi tốt nghiệp tại các cơ sở đào tạo từ sau ngày 15/6/2023 sẽ áp dụng hình thức sát hạch mới này.