“Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn”...

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đối với nông dân Việt Nam từ xưa tới nay, con trâu là đầu cơ nghiệp.

“Trên đồng cạn, dưới đồng sâu/Chồng cày, vợ cấy con trâu đi bừa”, câu ca dao cho thấy tự nghìn xưa, trâu đã đồng cam cộng khổ, gắn bó với người. Hình ảnh trên gợi cho ta bức tranh làng quê yên bình, trung tâm của “bức tranh” đó là hình ảnh người nông dân nghèo côi cút làm ăn, toan lo nghèo khó… Và trâu luôn là người bạn chia ngọt sẻ bùi.

Ngày xưa, ngoài trâu, bò cũng là động vật được dùng làm sức kéo, tuy nhiên vai trò của “anh bò” không được coi trọng đâu nhé. Điều này không phải đùa, vì các cụ chẳng đã có câu “Ốm trâu còn hơn khỏe bò”. Và ngay cả khi mổ thịt, người ta vẫn ưu tiên trâu, “xử anh bò” trước; bởi dân gian vẫn có câu “Cãi nhau như mổ bò”. Tịnh thấy ai nói… cãi nhau như mổ trâu đâu!

Dôn dài một chút cho vui, xin quay về chủ đề chính, chỉ cách nay độ mươi năm, trên những cánh đồng mạn Thanh Trì, Hoài Đức, hình ảnh “con trâu đi trước - cái cày theo sau” vẫn hiện hữu. Rồi thời thế thay đổi, xã hội ngày một phát triển, tốc độ đô thị hóa diễn ra chóng mặt, đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp. Nông thôn ngoại thành dẫu có sản xuất nông nghiệp thì cũng đã có “máy làm trâu”, vậy nên hình ảnh “chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa” dần biến mất.

Nhưng không vì thế mà người nông dân quên “ân nhân ngàn xưa” đâu nhé. Có dịp ra những dự án bỏ hoang vùng Yên Nghĩa, Thanh Hà, hàng ngày người ta vẫn thấy những đàn trâu ung dung gặm cỏ. Nuôi trâu đã và đang đem lại thu nhập cao cho những người nông dân mất đất. Lúc này trâu dù không còn là bạn cày, nhưng vẫn là đầu cơ nghiệp của không ít người!

Tuy nhiên, không mấy ai được “sướng” như những hộ nuôi trâu gần các khu vực đô thị bỏ hoang; vào những ngày giá rét như hiện nay - chăn nuôi trâu, bò đang là gánh nặng của người nông dân. Dẫu có rơm, rạ, thức ăn ủ chua… làm lương khô, nhưng vật nuôi cũng như người - đều cần đồ tươi! Mà vào Đông, các loài cỏ cây đều úa tàn theo giá rét… Vào những ngày giá buốt, xem trên truyền hình, nhiều địa phương miền núi phía Bắc, trâu bò chết đói, chết rét nhiều như ngả rạ mà xót lòng. Bởi như đã nói, giờ đây trâu, bò dẫu không mấy nơi dùng làm sức kéo nhưng nó vẫn là cơ nghiệp của đa số đồng bào.

Con trâu không những là cơ nghiệp của nhà nông mà còn gắn với ký ức tuổi thơ của bao thế hệ người Việt.

“Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường/ Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ/ Ai bảo chăn trâu là khổ/Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao”. Một khi đã đọc lên, mấy câu thơ của Giang Nam chắc chắn sẽ làm rung động đến thế hệ 7X, 8X, bởi nếu sinh trưởng ở nông thôn - hỏi mấy ai không từng chăn trâu cắt cỏ? Những chiều triền đê, những trưa hè bến nước, với dòng sông tuổi thơ cùng đàn trâu ngụp lặn, đã làm “phiền lòng” không ít tao nhân mặc khách, văn nghệ sĩ… Xin kết bài viết nhỏ này bằng một câu ca dao xưa “Bao giờ cây lúa còn bông/Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn”. Thơ ca xưa là vậy, nhưng giờ đây, tấc đất tấc vàng, bờ bãi thì bị thu hẹp, sông ngòi thì ô nhiễm, cây lúa vẫn còn bông nhưng ngọn cỏ ngoài đồng ngày một hiếm. Con trâu tuy không còn phải nai lưng kéo cày, nhưng cũng chẳng còn “sướng” như xưa… Thú thật so với đời sống hiện tại, những lời răn của cổ nhân đôi khi… không còn đúng!