Thí điểm chế định thừa phát lại thành công bước đầu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 9/11, Quốc hội đã nghe báo cáo Tổng kết việc triển khai tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại (TPL) theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội và Tờ trình dự thảo Nghị quyết về thực hiện chế định TPL, đồng thời thảo luận tại tổ về vấn đề này.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cho biết, qua thẩm tra, Ủy ban cơ bản tán thành đánh giá của Chính phủ; theo đó, hoạt động TPL đã xác định được vị trí của mình trong đời sống xã hội, tạo lập một loại hình dịch vụ pháp lý mới để người dân lựa chọn. Sự phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng hoạt động của các văn phòng TPL khẳng định chủ trương và nội dung thí điểm đã thành công bước đầu, nhất là trong điều kiện các loại hình dịch vụ này cung cấp có tính chất khá mới so với hệ thống pháp luật hiện hành. Cơ quan thẩm tra tán thành đề nghị của Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về chế định TPL theo hướng: Chấm dứt thí điểm và cho phép chính thức hoạt động TPL trong phạm vi cả nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày Báo cáo tại phiên họp.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày Báo cáo tại phiên họp.
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, đến nay, tại 13 địa phương thực hiện thí điểm đã có 53 văn phòng TPL được thành lập với tổng số nhân lực đang làm việc tại 53 văn phòng là 643 người, trong đó có 134 TPL; 295 thư ký nghiệp vụ. Tính đến hết ngày 30/9/2015, các văn phòng TPL đã tống đạt 939.544 văn bản, thu được gần 70 tỷ đồng. Các văn phòng này đã lập và đăng ký được 42.911 vi bằng, thu gần 59 tỷ đồng; xác minh điều kiện thi hành án 885 vụ việc, thu được hơn 3,234 tỷ đồng; trực tiếp tổ chức thi hành án 378 vụ việc, thu được hơn 4,554 tỷ đồng…

Trong phiên thảo luận tổ, nhiều ý kiến cũng đồng tình với đề xuất này. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, giá dịch vụ tống đạt của TPL khá cao so với mặt bằng chung, gây tốn kém cho Nhà nước, ảnh hưởng tới việc thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan trên. Điều này sẽ gây khó khăn cho chính các văn phòng TPL khi các ưu đãi trong thời kỳ thí điểm chấm dứt và việc tống đạt thực hiện theo nguyên tắc tự thỏa thuận.

Theo ĐB Nguyễn Sơn (đoàn Hà Nội), thời gian tới, Quốc hội nên cân nhắc xây dựng Luật TPL nhằm góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác xét xử, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên khi tham gia tố tụng. ĐB Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình) cũng đồng tình với Dự thảo Nghị quyết về thực hiện chế định TPL, trong đó đề nghị cần hoàn thiện các khâu pháp lý như nội dung, phạm vi, trình tự, thủ tục... để hoạt động TPL xác định được địa vị pháp lý, góp phần xã hội hóa hoạt động thi hành án dân sự...

Chiều cùng ngày, các ĐB Quốc hội cũng thảo luận tại tổ về Dự án Luật Đấu giá tài sản. Các ý kiến đề nghị Dự Luật cần khắc phục những kẽ hở trong hoạt động đấu giá hiện nay để không còn hiện tượng thông đồng, móc nối khi đấu giá.
Đảm bảo tốt hơn quyền của người bị tạm giữ, tạm giam
Ngày 9/11, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Tạm giữ, tạm giam. Trong đó, đa số ĐB Quốc hội đề nghị phải quy định chặt chẽ, có sự tách biệt giữa từng nhóm đối tượng để đảm bảo quyền của mỗi người bị tạm giữ, tạm giam được thực hiện thuận lợi nhất, công bằng nhất.
Nhiều ý kiến cho rằng, quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam hiện nay được quy định ở nhiều văn bản luật khác nhau và cũng đang có sự sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013. Do vậy, việc liệt kê tất cả các quyền của người bị tạm giữ, tạm giam được hưởng hoặc bị hạn chế vào Dự thảo Luật này là không khả thi, chồng chéo. ĐB Phạm Đức Châu (đoàn Quảng Trị) cho rằng, hiện có cả đối tượng đã bị kết án tử hình bị tạm giữ, tạm giam, nếu quy định tất cả người bị tạm giữ, tạm giam đều có quyền bầu cử như Dự Luật thì đối tượng này cũng sẽ được bầu cử, như vậy rõ ràng không phù hợp.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần