Thời gian qua, việc triển khai thực hiện phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (CBCCVC, NLĐ) thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng” được các cấp ủy Đảng, chính quyền từ TP đến cơ sở quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện hiệu quả, có phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành. Những điều đó đã tạo chuyển biến tích cực trong ứng xử của CBCCVC với Nhân dân; tinh thần trách nhiệm với công việc và hiệu quả làm việc của đội ngũ được nâng lên, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị, xã hội trên địa bàn TP Hà Nội.
Chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các nội dung phong trào
Hưởng ứng Phong trào “CBCCVC thi đua thực hiện văn hoá công sở” giai đoạn 2019-2025 theo Quyết định 733/QĐ-TTg ngày 14/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ, TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 04/KH-HĐTĐKT ngày 19/6/2019 về tổ chức thực hiện Phong trào “CBCCVC, NLĐ thi đua thực hiện văn hoá công sở và nơi công cộng”. Ngay sau đó, TP tổ chức quán triệt kỷ cương hành chính và phát động phong trào này tới 100% cán bộ chủ chốt từ cấp xã, phường, thị trấn trở lên và các tổ chức cơ sở Đảng trên địa bàn. Trên cơ sở Hội nghị quán triệt của TP, các cấp, các ngành đã nghiêm túc quán triệt triển khai phong trào đến 100% cơ sở, bằng nhiều hình thức phù hợp.
Nổi bật là Hà Nội tổ chức triển khai thực hiện phong trào này gắn với thực hiện Quy tắc ứng xử của CBCCVC, NLĐ trong các cơ quan thuộc TP và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP; chỉ đạo lồng ghép thực hiện phong trào gắn với triển khai Chỉ thị số 05-CT/TW (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cũng như kế hoạch triển khai thực hiện chủ đề công tác hằng năm và Chỉ thị về tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các cơ quan, đơn vị thuộc TP. Có thể thấy, TP đã quan tâm chỉ đạo quyết liệt, điều hành toàn diện, đồng bộ các nội dung phong trào.
Qua 3 năm (2019-2022), UBND TP đã biểu dương, tặng Bằng khen cho 42 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện phong trào thi đua “CBCCVC, NLĐ trong các cơ quan thuộc TP thực hiện tốt Quy tắc ứng xử”; hơn 2.000 cá nhân được tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” cấp TP. Sơ kết phong trào thi đua, các đơn vị đã xét chọn và đề xuất UBND TP khen thưởng hơn 120 tập thể, cá nhân. Đồng thời, các sở ngành, địa phương kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện văn hóa công sở, văn hóa ứng xử tại nơi công cộng gắn với thực hiện 2 quy tắc ứng xử và các phong trào văn hóa khác trên địa bàn TP.
Cũng trong 3 năm, toàn TP thực hiện 2.420 cuộc kiểm tra công vụ; đoàn kiểm tra CCHC thực hiện 595 cuộc; đoàn kiểm tra, giám sát về các quy tắc ứng xử của TP thực hiện 50 cuộc. Qua kiểm tra và tự kiểm tra, công tác tuyên truyền được thực hiện đồng bộ, cán bộ đảng viên và Nhân dân có ý thức hơn trong chấp hành các quy định; những hiện tượng, hình ảnh phản cảm gây bức xúc trong dư luận giảm dần… Các đoàn kiểm tra đã có văn bản đề nghị các cơ quan, đơn vị đề ra biện pháp khắc phục ngay những thiếu sót và xác định trách nhiệm, xử lý các cá nhân liên quan.
Nhờ những nỗ lực cải cách hành chính (CCHC), bộ máy chính quyền TP đã có những bước tiến bộ đáng ghi nhận về năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, phù hợp hơn với đặc điểm, tính chất của quản lý đô thị; từng bước hoàn thiện phương thức hoạt động theo hướng đảm bảo thống nhất, nhanh nhạy, đã huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị từ TP đến cơ sở và đồng thuận của toàn xã hội, Nhân dân. Với kết quả đó, các chỉ số về đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền TP, đo lường sự hài lòng của người dân về sự phục vụ của các cơ quan hành chính (SIPAS), hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) có chuyển biến rõ rệt qua các năm. Đặc biệt Chỉ số CCHC của Hà Nội nằm luôn trong top 10 địa phương dẫn đầu cả nước, đến năm 2022 đã có bứt phá ngoạn mục, xếp thứ 3/63 tỉnh, TP.
Đáng chú ý, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông luôn được TP tập trung rà soát, công bố số lượng lớn TTHC cần thay thế, bãi bỏ. TP đã hoàn thành ban hành danh mục, quy trình giải quyết TTHC; công khai quy trình và kết quả giải quyết TTHC. Nhiều một số quy trình liên thông giải quyết TTHC đã được nghiên cứu xây dựng. Cùng đó, hạ tầng CNTT, hệ thống cơ sở dữ liệu cốt lõi, chuyên ngành và các ứng dụng trong hoạt động quản lý Nhà nước tiếp tục được TP quan tâm, tạo tiền đề quan trọng nhằm xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số. Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên cả nước ban hành quy định về thực hiện loại hình bồi dưỡng trực tuyến đối với các lớp đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC Nhà nước, CBCC cấp xã và đối tượng khác TP Hà Nội năm 2021.
Xây dựng môi trường văn hoá công sở văn minh, thân thiện
Đặc biệt có thể thấy, phong trào thi đua đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm các cấp uỷ, địa phương, cơ quan, đơn vị về xây dựng và thực hiện văn hoá công sở; góp phần xây dựng đội ngũ CBCCVC, NLĐ có trách nhiệm, năng động, sáng tạo trong thực thi nhiệm vụ, tạo chuyển biến mạnh mẽ về tinh thần, thái độ làm việc, chuẩn mực giao tiếp, ứng xử, đạo đức, lối sống, góp phần xây dựng môi trường văn hoá công sở văn minh, thân thiện, phục vụ người dân và DN. Công tác truyên truyền, vận động được tổ chức với nhiều nội dung, hình thức phong phú, phù hợp từng đối tượng và thời điểm, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của CBCCVC, NLĐ, luôn tự giác chấp hành Hiến pháp, pháp luật, nội quy, quy chế của cơ quan trong thực thi công vụ, gương mẫu về đạo đức và lối sống.
Phong trào còn góp phần quan trọng trong công khai, minh bạch công tác quản lý, điều hành công việc ở các cơ quan, đơn vị; đề cao trách nhiệm người đứng đầu, trong quan hệ với cơ quan cấp trên, trong công tác đối ngoại, đối nội cũng như trong quyết định các vấn đề quan trọng. Những nội dung của phong trào và 2 quy tắc ứng xử của TP ban hành được cụ thể hóa trong tiêu chí đánh giá CBCCVC, NLĐ hằng tháng, năm. Nhất là 2 quy tắc ứng xử đã được các tập thể, cá nhân nghiêm túc thực hiện, góp phần từng bước hình thành chuẩn mực văn hoá, lời nói, thái độ, hành vi của tổ chức, cá nhân tại công sở và nơi công cộng, ý thức giữ gìn và phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của đất nước, Thủ đô.
Đáng chú ý trong năm 2022, TP Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh triển khai phong trào “CBCCVC thi đua thực hiện văn hóa công sở”, trở thành phong trào thi đua nổi bật của TP để thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”. Phong trào được các cấp, các ngành và Nhân dân hưởng ứng, đặc biệt đội ngũ CBCCVC Thủ đô thể hiện tinh thần phục vụ, có thái độ ứng xử đúng chuẩn mực hơn trong thực thi công vụ, tiếp xúc với người dân; giải quyết TTHC thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ giao, am hiểu pháp luật, quy trình thủ tục. Nếp sống văn minh tại các địa bàn dân cư trên địa bàn TP cũng có nhiều chuyển biến tích cực, văn minh. Từ đó, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo động lực trong cán bộ, Nhân dân và cộng đồng DN, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH của Thủ đô.
Qua kiểm tra của Đoàn kiểm tra liên ngành TP (Sở VH&TT Hà Nội là cơ quan thường trực) về thực hiện Quy tắc ứng xử của CBCCVC, NLĐ trong cơ quan thuộc TP và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP cho thấy, việc thực hiện quy tắc ứng xử của CBCCVC, NLĐ và việc chấp hành thời gian làm việc, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị cũng như tổ chức thực hiện phong trào thi đua này được thực hiện tốt. Đặc biệt, công tác giải quyết TTHC tại bộ phận “một cửa” ngày càng bài bản, chuyên nghiệp, mang lại sự hài lòng cho người dân, DN khi đến liên hệ làm việc. Các cấp, ngành trên địa bàn đã kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong thực hiện văn hóa công sở, đạo đức công vụ, tinh thần, thái độ, ý thức, văn hóa ứng xử tại công sở, nơi cư trú và nơi công cộng, qua đó lan tỏa, nhân rộng.
Lan tỏa nhiều cách làm hay, sáng tạo
Trong quá trình triển khai thực hiện, để nâng cao hiệu quả phong trào thi đua “CBCCVC thi đua thực hiện văn hóa công sở”, TP đã hướng dẫn đồng bộ các địa phương, cơ quan, đơn vị xây dựng những mô hình điểm và nghiên cứu triển khai những cách làm hay, sáng tạo.
Tiêu biểu như, từ việc triển khai mô hình điểm của TP (quận Long Biên với mô hình bộ phận “một cửa” giải quyết TTHC văn minh, thân thiện, chuyên nghiệp), việc triển khai các mô hình tuyên truyền quy tắc ứng xử đã nhận được hưởng ứng nhiệt tình của các quận, huyện, thị xã. Các địa phương xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai thực hiện, trong đó giao nhiệm vụ cho các đơn vị liên quan chủ trì, thực hiện đảm bảo yêu cầu, điển hình là các quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Đống Đa, thị xã Sơn Tây…
Đáng chú ý, nhiều cơ quan, đơn vị chú trọng kiện toàn, nâng cao chất lượng giải quyết TTHC, như các sở GD&ĐT, Du lịch, TT&TT, huyện Phúc Thọ… Huyện Quốc Oai còn thành lập riêng trung tâm tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC huyện. Huyện Thanh Oai hỗ trợ giải quyết TTHC tại nơi ở đối với các trường hợp người dân trên địa bàn có hoàn cảnh khó khăn. Sở TN&MT quan tâm rà soát, cắt giảm hồ sơ TTHC thuộc lĩnh vực tài nguyên nước. Sở GTVT giảm thời gian giải quyết đối với 2 TTHC lĩnh vực đường bộ thuộc thẩm quyền giải quyết, đó là giảm 2 ngày đối với thủ tục cấp GCN thẩm định thiết kế xe cơ giới cải tạo, giảm 1 ngày với thủ tục cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô…
Nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị cũng có những cách làm sáng tạo để tiếp tục nâng cao chất lượng đời sống văn hóa ở cơ sở. Trong khối quận huyện có Quận Đoàn Ba Đình tổ chức hội thi “Nét đẹp công sở”; huyện Đông Anh tổ chức Hội thi “CBCC văn minh thanh lịch”; quận Hoàn Kiếm tổ chức hội thi “Tuyên truyền Quy tắc ứng xử của CBCCVC, NLĐ trong các cơ quan thuộc TP gắn với 5 tiêu chí văn hóa ứng xử của người dân khu phố cổ trong cơ quan đơn vị thuộc quận”. Hay trong khối cơ quan đơn vị, Đảng ủy Khối các cơ quan TP tổ chức hội thi “Bí thư chi bộ giỏi”, LĐLĐ TP tổ chức hội thi “Nét đẹp văn hóa công sở”, Hội LHPN TP triển khai thực hiện tốt cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp”, Sở VH&TT tổ chức thi trực tuyến “Tìm hiểu về quy tắc ứng xử của CBCCVC, NLĐ trong các cơ quan thuộc TP và Quy tắc ứng xử nơi công cộng”…
Để nâng cao chất lượng phong trào thi đua “CBCCVC, NLĐ thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng”, UBND TP xác định toàn TP sẽ tập trung chỉ đạo, thực hiện toàn diện các nội dung của phong trào thi đua gắn với đẩy mạnh CCHC theo Chương trình tổng thể CCHC của Chính phủ giai đoạn 2021-2030 và Chương trình số 01-CTr/TU, Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII nhiệm kỳ 2020-2025. Trong đó tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp đã được TP ban hành về cải thiện, nâng cao các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền; phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025. Đặc biệt, phát huy hiệu quả hoạt động Tổ Công tác của TP về đôn đốc, rà soát các nhiệm vụ và đề xuất các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao các chỉ số đánh giá về hiệu quả hoạt động của TP (CCHC, SIPAS, PAPI); xác định rõ trách nhiệm cá nhân thủ trưởng cơ quan, đơn vị đối với kết quả và nhiệm vụ CCHC của TP.
Trong thời gian diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thực hiện chỉ đạo về tăng cường thực hiện các biện pháp chống dịch, TP đã giao cơ quan chuyên môn triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, nhất là tuyên truyền phòng chống Covid-19 gắn với thực hiện 2 quy tắc ứng xử của TP. Đối với khu vực hành chính, tuyên truyền mô hình “Bộ phận “một cửa”, “một cửa liên thông” giải quyết TTHC văn minh, thân thiện, chuyên nghiệp” và mô hình “Cơ quan xanh, nơi làm việc ngăn nắp, gọn gàng”. Đồng thời, tuyên truyền phổ biến các biện pháp chống dịch đến mọi CBCCVC, thực hiện các biện pháp đảm bảo VSMT, phun thuốc khử trùng tại các cơ quan, đơn vị; yêu cầu CBCC đi làm đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc chỗ đông người, từng CBCC chủ động giữ gìn vệ sinh nơi làm việc...
Đáng chú ý, phong trào thi đua được các cấp ủy, chính quyền triển khai đồng bộ với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã góp phần hiệu quả đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị, tạo chuyển biến về ý thức tu dưỡng, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, chấp hành kỷ cương hành chính, văn hóa công vụ của đội ngũ. Đặc biệt, việc triển khai phong trào thi đua này trên địa bàn TP gắn với “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã tạo ra lớp cán bộ kế cận có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất, đạo đức, lối sống đáp ứng được yêu cầu của Thủ đô, đất nước trong tình hình mới.
Thực tế qua mấy năm triển khai có thể thấy, phong trào thi đua đã được các cấp, ngành, tầng lớp Nhân dân hướng ứng, đặc biệt đội ngũ CBCC Thủ đô thể hiện tinh thần phục vụ, có thái độ ứng xử đúng chuẩn mực hơn trong thực thi công vụ, tiếp xúc với người dân; giải quyết TTHC đúng chức trách, nhiệm vụ giao, am hiểu pháp luật, quy trình thủ tục. Nếp sống văn minh tại các địa bàn dân cư cũng chuyển biến tích cực, văn minh. Từ đó, đã phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo khí thế và động lực trong cán bộ, Nhân dân và cộng đồng DN, góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH của Thủ đô, xây dựng và quảng bá hình ảnh Hà Nội thân thiện, an toàn, mến khách tới mọi du khách trên thế giới.