Theo đánh giá của các thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, trong nhiệm kỳ qua, Chính phủ đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đổi mới phương thức làm việc của các cơ quan hành chính Nhà nước gắn với xây dựng Chính phủ điện tử với phương châm “lấy người dân, DN là trung tâm phục vụ”; tăng cường đối thoại, lắng nghe ý kiến người dân, DN.
Theo đại biểu Bùi Văn Xuyền (Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội), thời gian qua, Chính phủ đã chủ động rà soát, tháo gỡ các “điểm nghẽn” thể chế, chủ động kiến thiết các cơ chế, chính sách, pháp luật, khơi thông, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, bảo đảm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Điển hình như Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt cắt giảm mạnh chi phí tuân thủ thủ tục hành chính để giảm gánh nặng cho người dân, DN; hình thành các cơ chế, chính sách ưu đãi và các thủ tục hành chính thuận lợi theo quy định của pháp luật. Công tác cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được đẩy mạnh thông qua việc kiểm soát, ban hành mới, rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính; mở rộng hình thức, phạm vi công khai, minh bạch hóa thủ tục hành chính và các thông tin quản lý Nhà nước, tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh…
Song vẫn còn tình trạng chậm hướng dẫn thi hành luậtCùng với kết quả đã đạt được, điều khiến các đại biểu băn khoăn là tình trạng xin điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vẫn chưa được khắc phục triệt để, nhất là việc xin bổ sung dự án luật, nghị quyết còn nhiều. Trong khi đó, nhiều dự án có trong chương trình nhưng chưa được chuẩn bị kịp, phải xin lùi thời gian trình hoặc rút dự án. Việc tổ chức thi hành pháp luật còn chậm; chưa được khắc phục triệt để việc chậm ban hành, nợ đọng văn bản quy định chi tiết. Đây là những vấn đề đã được đề cập nhiều lần, vì thế, nếu không thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, nghiêm túc rút kinh nghiệm thì khó khắc phục được tình trạng này trong hoạch định chính sách và xây dựng pháp luật. Theo đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kom Tum), trong chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh Chính phủ cần khắc phục tình trạng xin rút, xin bổ sung các dự án Luật, đồng thời rút kinh nghiệm sâu hơn, khắc phục trong nhiệm kỳ tới.
Cùng với việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn, còn có tình trạng nhận thức chưa thống nhất, chưa đúng tinh thần của Luật nên việc thi hành pháp luật vẫn “tắc” ở cơ sở. Các ý kiến cho rằng, cần chỉ rõ nguyên nhân, giải pháp nhất là các giải pháp nâng cao nhận thức triển khai thi hành pháp luật của các cấp chính quyền và người dân; chú trọng công tác tuyên truyền, tổ chức thi hành pháp luật ở cơ sở.
Các thành viên Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án luật mới sớm xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể, trong đó xác định nội dung, lộ trình thực hiện từng công việc, yêu cầu về kết quả cần hoàn thành. Việc thẩm tra, tiếp thu chỉnh lý chủ động thẩm tra, phối hợp với cơ quan soạn thảo, thẳng thắn trao đổi về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Chính phủ cần bố trí thời gian thỏa đáng để xem xét các dự án trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước 2 tháng, nhằm bảo đảm thời gian để các cơ quan soạn thảo hoàn thiện, cơ quan thẩm tra nghiên cứu, đánh giá bảo đảm chất lượng các dự án trình Quốc hội.