Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thí sinh có nên chạy theo các kỳ thi thử?

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Kiểm tra kiến thức, rèn luyện tâm lý thi cử để tăng khả năng đỗ vào ngôi trường mong muốn… là những lý do thí sinh và phụ huynh tìm đến các kỳ thi thử. Tuy vậy, có nên tham gia thi thử không là câu hỏi vẫn được đặt ra trước mỗi mùa tuyển sinh.

Hoa mắt vì các kỳ thi thử

Thi thử là tên thường gọi của các đợt rà soát, kiểm tra kiến thức có cấu trúc đề, coi thi, chấm thi… mô phỏng giống phần nào thi thật. Các kỳ thi thử đã xuất hiện từ nhiều năm nên không còn xa lạ với thí sinh và phụ huynh; tuy nhiên, quy mô và số lượng các kỳ thi thử ngày càng mở rộng hơn. Hiện các kỳ thi thử phổ biến hướng đến đối tượng là học sinh cuối cấp (lớp 5, lớp 9, lớp 12) để tập dượt cho các kỳ thi vào lớp 6, lớp 10, tốt nghiệp THPT chính thức.

Thí sinh tham gia chương trình rà soát kiến thức trước mùa tuyển sinh
Thí sinh tham gia chương trình rà soát kiến thức trước mùa tuyển sinh

Với điều kiện dịch bệnh phức tạp như hiện nay, các kỳ thi thử được tổ chức online hoặc offline tùy tình hình thực tế tại thời điểm tổ chức và có thu phí theo môn (số ít miễn phí). Thi thử về cơ bản là cơ hội để học sinh chuẩn bị kiến thức, tâm thế sẵn sàng khi bước vào kỳ thi thật với các mục tiêu: Giúp học sinh sửa lỗi sai, hoàn thiện kiến thức, rèn luyện kỹ năng, có kinh nghiệm phân chia thời gian làm bài hợp lý, khẳng định năng lực và đạt kết quả tốt trong các kỳ thi phía trước.

Nhiều năm trở lại đây, các kỳ thi thử vào lớp 10 được hệ thống trường THPT chuyên tại Hà Nội như THPT chuyên Ngoại ngữ, THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, THPT chuyên Khoa học xã hội & Nhân văn, THPT chuyên Sư phạm… tổ chức 1 hoặc 2 đợt vào trước kỳ thi chính thức vào lớp 10 công lập và kỳ thi chuyên của từng trường. Mỗi kỳ thi thử đều thu hút lượng đăng ký của đông đảo thí sinh trong và ngoài Hà Nội. Đề thi được đánh giá là chất lượng, công tác tổ chức thi nghiêm túc, mang lại nhiều giá trị cho thí sinh.

Một số trường THCS, THPT, trường liên cấp ngoài công lập cũng tổ chức các kỳ thi dưới tên gọi khác nhau như thi thử, tổng rà soát kiến thức hoặc đánh giá năng lực nhằm mục đích tuyển sinh và tạo cơ hội cho học sinh có nhu cầu kiểm tra xem kiến thức của mình đang ở đâu. Trường THCS, THPT Archimedes có chương trình tổng rà soát kiến thức dành cho lớp 5, lớp 9. Các trường khác như THCS- THPT Newton cũng tổ chức nhiều đợt thi đánh giá năng lực dành cho học sinh đang học lớp 5, lớp 9; trường phổ thông liên cấp Phenikaa tổ chức kỳ thi thử vào 10 (miễn phí)… Các kỳ thi này được thông tin rộng rãi để phụ huynh, học sinh nắm thông tin và đăng ký trên tinh thần tự nguyện.

Ngoài các trường tổ chức thi thử, nhiều trung tâm luyện thi cũng tổ chức thi thử trước mỗi đợt thi. Với lớp 5 là thi thử vào lớp 6 trường THCS chất lượng cao; với lớp 9 là thi thử kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập và lớp 10 chuyên; lớp 12 là thi thử tốt nghiệp THPT. Với mức phí khoảng 100.000- 150.000 đồng/môn, mỗi học sinh có thể tham gia thi thử 3 môn, 2 môn hoặc 1 môn là tùy nguyện vọng. Hầu hết các kỳ thi đều diễn ra nhiều đợt, thí sinh có số báo danh, trung tâm sẽ chấm thi độc lập, thí sinh biết điểm, nhận bài thi nếu có nhu cầu; khi đó xem được mình sai chỗ nào, cần rút kinh nghiệm gì để hoàn thiện kiến thức, kỹ năng.

Tránh thi thử tràn lan

Việc đăng ký và tham gia thi thử có mục tiêu là sự trải nghiệm mang ý nghĩa tích cực để thí sinh cọ sát, hệ thống lại kiến thức; từ đó xác định mục tiêu chuẩn xác hơn. Nguyễn Hải Vinh, học sinh lớp 9 tại quận Cầu Giấy chia sẻ: “Em mới tham gia kỳ thi thử của trường THPT chuyên Ngoại ngữ. Trước đó, em cũng ôn luyện ở trung tâm 2 năm và em biết, đề thi vào chuyên Ngoại ngữ sẽ rất khó nhưng quả thật, khi làm đề thi thử, em thấy khả năng của mình chưa đạt. Em sẽ chuyển hướng, chuyển mục tiêu, thi vào trường phù hợp với mình hơn”.

Thí sinh tại kỳ thi vào lớp 10 THPT năm 2021
Thí sinh tại kỳ thi vào lớp 10 THPT năm 2021

Là người có kinh nghiệm cho con tham gia nhiều kỳ thi thử dành cho học sinh lớp 6 của năm học trước, chị Hồ Thị Thu Hà (quận Hai Bà Trưng) nêu ý kiến: Trước khi đăng ký cho con tham gia kỳ thi thử, cha mẹ cần biết kiến thức của con nằm ở đâu. Có trường tổ chức thi thử rất sớm- khi kiến thức của con chưa đầy đủ; nếu thi sẽ tạo phản ứng ngược; con không làm được hết bài, điểm thấp dễ dẫn đến tâm lý hoang mang, thiếu tự tin. Vậy nên, thay vì thi thử, hãy dành thời gian để con ôn luyện, củng cố chắc chắn kiến thức trước rồi hãy đăng ký thi thử nếu muốn.

Bên cạnh đó, còn có một hiện tượng thường gặp là cha mẹ và học sinh đăng ký tràn lan, sa đà vào các kỳ thi thử; hễ biết thông tin trường nào, trung tâm nào có tổ chức thi thử là đăng ký vì cho rằng, mỗi lần thi thử là một lần rèn luyện. Thực tế cho thấy, việc tham gia quá nhiều kỳ thi chỉ khiến thí sinh và phụ huynh mệt mỏi, căng thẳng, mất thời gian, tốn chi phí còn lợi ích mang lại rất khó xác định.

Ngay với kỳ thi thật là kỳ Đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2022, mặc dù thí sinh có thể đăng ký thi nhiều đợt nhưng GS.TS Nguyễn Tiến Thảo- Phó trưởng Ban đào tạo, Giám đốc Trung tâm khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội cũng khuyên các em chỉ nên thi một lần bởi vì nếu đăng ký dự thi nhiều lần thì về cơ bản nội dung không thay đổi nhiều về mặt khoa học đo lường khảo thí. Có những thí sinh thi nhiều lần nhưng điểm số không thay đổi mà chỉ gây lãng phí xã hội.

Nhiều thí sinh đã rút ra kinh nghiệm thấm thía về thi thử. Theo đó, với bất cứ kỳ thi gì, điều quan trọng nhất vẫn là kiến thức. Khi kiến thức đã được ôn luyện và củng cố vững vàng thì tâm lý vào phòng thi cũng sẽ nhẹ nhàng, thoải mái. Chỉ khi có kiến thức mới có tự tin và mới có khả năng đỗ cao. Thi thử không mang đến vận may hay cung cấp trước dạng đề. Thí sinh nên tập trung vào ôn thi hơn là sa đà vào các kỳ thi thử.