Thí sinh ngụp lặn giữa nhiều đợt thi thử vào lớp 10 chuyên

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Khoảng 3 tháng nữa, các kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT chuyên và không chuyên sẽ bắt đầu. Hiện tại, tuy chương trình mới học qua nửa học kỳ 2 năm học 2021- 2022 nhưng nhiều trường đã tổ chức các đợt thi thử với mức phí khá cao.

Trường chuyên mở nhiều đợt thi thử

Thời gian dài học online cộng việc xáo trộn giữa học trực tiếp và trực tuyến ở giai đoạn hiện tại đã ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý cũng như khả năng tiếp thu kiến thức của học sinh. Tuy nhiên, đến hẹn lại lên, càng gần kỳ thi thì các đợt thi thử lại rầm rộ mở ra. Thông tin về các kỳ thi thử luôn thu hút sự quan tâm của đông đảo phụ huynh, thí sinh, nhất là kỳ thi thử do các trường THPT chuyên tổ chức.

Theo thông báo của trường THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội, năm 2022, nhà trường sẽ tổ chức 3 đợt thi thử cho học sinh lớp 9 các trường THPT trên toàn quốc. Trong đó đợt 1 thi ngày 20/3; đợt 2 thi ngày 17/4 (2 đợt này thi trực tuyến qua zoom) và đợt 3 thi ngày 15/5 (dự kiến thi trực tiếp); kết quả thi thử được thông báo khoảng 5- 10 ngày sau mỗi đợt thi. Giống như kì thi thật, thí sinh thi 3 môn: môn 1 (Văn), môn 2 (Toán), môn 3 (môn chuyên).

Thí sinh tham dự kỳ thi chính thức vào THPT chuyên ĐH Sư phạm năm 2021
Thí sinh tham dự kỳ thi chính thức vào THPT chuyên ĐH Sư phạm năm 2021

Trước đó, trường THPT chuyên Ngoại ngữ (ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng thông báo việc tổ chức 3 đợt thi thử vào lớp 10 THPT chuyên Ngoại ngữ; trong đó đợt 1 vào ngày 27/2; đợt 2 vào ngày 3/4 và đợt 3 vào 8/5 (đợt 1 thi trực tuyến; đợt 2, 3 dự kiến thi trực tiếp). Khác với các trường THPT chuyên khác, cấu trúc môn thi của THPT chuyên Ngoại ngữ mang tính tổng hợp hơn, đó là Đánh giá năng lực Toán- Khoa học Tự nhiên; Đánh giá năng lực Văn- Khoa học xã hội và Đánh giá năng lực Ngoại ngữ.

Năm trước, trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên và THPT chuyên Khoa học xã hội & nhân văn có tổ chức các đợt thi thử cho học sinh vào lớp 10 nhưng hiện, 2 trường này chưa ra thông báo về việc có tổ chức thi thử hay không. Năm học 2019-2020, trường THPT Khoa học Tự nhiên tổ chức thi thử đợt 1 cho học sinh từ tháng 1 còn thông thường, kỳ thi thử của 2 trường này tổ chức vào khoảng đầu và cuối tháng 4. Hiện trường THPT chuyên Khoa học xã hội & nhân văn đã công bố cấu trúc đế thi lớp 10 để học sinh có nguyện vọng thi vào trường chủ động ôn tập.

Các trường THPT chuyên/trường có lớp chuyên trực thuộc Sở GD&ĐT là: THPT chuyên Hà Nội- Amsterdam; THPT chuyên Nguyễn Huệ, THPT Sơn Tây và THPT Chu Văn An không tổ chức thi thử.

Với khối trường ngoài công lập, hệ thống Archimedes được nhiều học sinh, phụ huynh biết đến với Chương trình tổng rà soát kiến thức THCS. Chương trình này dành cho học sinh trên địa bàn toàn TP; học sinh tham gia sẽ làm bài đánh giá năng lực 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ. Kỳ rà soát tổ chức ngày 3/4 dưới hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp và được thiết kế theo yêu cầu về kiến thức của Sở GD&ĐT Hà Nội. Nhà trường lưu ý, học sinh có thể sử dụng kết quả rà soát để tham gia xét tuyển vào lớp 10 tại trường THPT Archimedes Đông Anh.

Cơ hội để thu phí?

Chi phí của mỗi đợt thi thử của các trường chuyên khá cao; trung bình 450.000 đồng/đợt thi (gồm 3 môn). Với Chương trình tổng rà soát kiến thức THCS của hệ thống Archimedes, mức phí theo các phụ huynh là “rất chát” khi thu 1.500.000 đồng/đợt (500.000 đồng/môn). Mỗi đợt thi trên đều thu hút lượng thí sinh rất đông đảo, do đó bên cạnh mục đích để thí sinh làm quen, tiếp cận, thử sức với các dạng đề; rèn luyện kỹ năng, tăng sự chủ động... thì không thể phủ nhận, việc thi thử là cơ hội để các trường thu phí. Với các trường tổ chức nhiều đợt thi, tâm lý phụ huynh sẽ đăng ký cho con thi nhiều đợt, những mong con chăm chỉ ôn luyện, hoàn thiện kiến thức và đạt kết quả cao trong kỳ thi chính thức.

Thí sinh làm hồ sơ vào lớp 10 THPT chuyên Khoa học xã hội & nhân văn
Thí sinh làm hồ sơ vào lớp 10 THPT chuyên Khoa học xã hội & nhân văn

Có con gái năm nay thi vào lớp 10, chị Nguyễn Thu Hương, quận Cầu Giấy cho hay, khả năng sẽ mất vài triệu đồng cho con thi thử. “Mục tiêu chính của tôi là cho con thi và học THPT chuyên Ngoại ngữ nhưng dự phòng trường THPT Archimedes. Tôi đã đăng ký thi thử, đóng phí đợt 1 của trường chuyên Ngoại ngữ và chương trình rà soát kiến thức của trường Archimedes hết tổng 1.950.000 đồng. Trường THPT chuyên Ngoại ngữ còn 2 đợt thi thử nữa, tôi cũng sẽ cho con thi đủ, không thể tiếc phí thi trong lúc này vì đó là cơ hội thử sức của con”- chị Hương nói.

Có nguyện vọng lớp 10 thi vào trường THPT chuyên ĐH Sư phạm, Nguyễn Ngọc Anh, trú tại quận Hoàng Mai rất mong chờ thông tin về kỳ thi thử do trường THPT chuyên ĐH Sư phạm tổ chức. Ngày nào cũng vào website của trường nên khi có thông tin kỳ thi thử đầu tiên được tổ chức vào 20/3, Ngọc Anh lập tức đăng ký. “Em cũng hơi lo vì chưa học xong chương trình lơp 9 mà khi thi thường đề sẽ bao phủ trọn chương trình. Tuy vậy, em vẫn đăng ký thi, coi là một lần thử sức để biết kiến thức của mình đến đâu; từ đó lấy đà ôn tập ở thời gian nước rút sau này”- Ngọc Anh chia sẻ.

Tình trạng thi thử khi chưa học hết chương trình như Ngọc Anh khá phổ biến; nhất là trong tình cảnh việc học bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch bệnh như năm nay. Đợt 1 các kỳ thi thử được tổ chức khá sớm, khi đa phần học sinh mới học hết kiến thức nửa học kỳ 2; chưa có thời gian ôn tập do vậy phần nhiều chưa đáp ứng yêu cầu của đề thi. Có thí sinh cho hay: "Không làm được bài do đề khó nên sau khi thi thử về, bao quyết tâm học như biến mất”.

Ngoài tâm lý thi thử để tập dượt cho kỳ thi chính thức, không ít học sinh còn thi thử để cho biết. Số liệu thống kê lần thi thử đợt 1 của trường THPT chuyên Ngoại ngữ cho thấy, có hơn 1.500 thí sinh đăng ký thi đủ 3 môn, trong đó có thí sinh tổng 3 môn đạt 7,5 điểm và có thí sinh chưa đạt 1 điểm/môn. Với những thí sinh này, việc đăng ký và tham dự thi thử thực sự gây lãng phí thời gian cũng như tiền bạc.

Thi thử mang lại nhiều ý nghĩa tích cực, công tác tổ chức thi thử tại các trường ngày càng bài bản với công tác coi thi nghiêm túc, đề thi chất lượng, chấm thi, báo điểm nhanh và chính xác. Tuy nhiên, việc một số trường tổ chức nhiều đợt thi thử vẫn gây không ít hoài nghi, băn khoăn cho phụ huynh. “Việc mở các đợt thi thử rõ ràng mang tính chất thương mại nhiều hơn bởi họ đánh vào tâm lý lo lắng của phụ huynh để tổ chức và thu lợi nhuận. Nếu thí sinh xác định rõ mục tiêu, có chiến lược ôn tập và kiến thức vững vàng; đồng thời biết chọn thời điểm thi thử- khi kiến thức đã hoàn thiện, đầy đủ thì nhiều nhất chỉ nên tham dự 1 đợt thi thử. Như vậy, số đợt thi thử sẽ giảm xuống; áp lực, mệt mỏi của phụ huynh, thí sinh cũng bớt đi và việc ôn thi sẽ tập trung, chất lượng hơn”- phụ huynh Lê Thị Như Mai, quận Thanh Xuân bày tỏ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần