Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thi THPT quốc gia 2018: Thí sinh thấp thỏm chờ đề tham khảo

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự kiến cuối tháng 1/2018, Bộ GD&ĐT sẽ công bố đề thi tham khảo kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 nhằm tạo điều kiện để giáo viên, học sinh (HS) làm quen với định dạng đề thi.

 Vậy nên thời điểm này, cả giáo viên, HS và phụ huynh đều mong ngóng đề thi tham khảo để có kế hoạch ôn tập hợp lý.
Nội dung tập trung ở lớp 12

Tại văn bản gửi các Sở GD&ĐT về tổ chức dạy học lớp 12 năm học 2017 - 2018 và ôn thi THPT quốc gia năm 2018, Bộ GD&ĐT lưu ý, nội dung ôn tập cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 bao gồm chương trình giáo dục lớp 11 và lớp 12 THPT, trong đó tập trung chủ yếu ở chương trình lớp 12; chú ý tới các nội dung dạy học đã được điều chỉnh theo hướng dẫn của Bộ. Bộ cũng yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch dạy học, ôn tập cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 phù hợp với từng trường, từng nhóm đối tượng, không gây quá tải và bảo đảm sức khỏe cho HS.

Cô và trò học sinh lớp 12 trường THPT Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng.  Ảnh: Thanh Hải

Ở kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, Bộ GD&ĐT cho phép thí sinh được chọn dự thi cả 2 bài thi Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Điểm bài thi nào cao hơn sẽ được sử dụng để xét tốt nghiệp THPT. Trong tất cả các môn thi bắt buộc và tự chọn, chỉ có bài thi Ngữ văn được tổ chức theo hình thức thi tự luận, các bài thi còn lại đều được tổ chức theo hình thức thi trắc nghiệm.

Tuy nhiên, với giới hạn chương trình bao gồm cả lớp 11 và 12, nếu HS dự định thi cả 2 bài thi tổ hợp thì khối lượng kiến thức phải ôn luyện tổng cộng 9 môn thi (3 môn thi bắt buộc độc lập và 6 môn thuộc tổ hợp môn thi) là rất nhiều. Trong khi đó, thời điểm này Bộ GD&ĐT chưa công bố đề thi minh họa khiến nhiều HS lớp 12 lo lắng, thấp thỏm cho kỳ thi sắp tới. “Em thấy hoang mang giữa biển kiến thức lớp 11 và lớp 12, không biết sẽ ôn từ đâu. Hy vọng Bộ GD&ĐT sớm công bố đề minh họa để HS chúng em định hướng ôn tập” - em Mai Quỳnh Phương, HS lớp 12 trường THPT Quang Trung (quận Đống Đa) chia sẻ. Tương tự, một nhóm HS lớp 12 trường THPT Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng) cho biết, rất sốt ruột và mong sớm có định dạng đề thi để ôn tập.

Ít thời gian hệ thống kiến thức

Nhiều ý kiến cho rằng, cuối tháng 1 mới công bố đề thi là muộn, gây tâm lý bất an không chỉ HS, mà giáo viên cũng ít thời gian để hệ thống kiến thức ôn tập cho HS.

Cô giáo Nguyễn Thúy Nga, dạy tại một trường trên địa bàn quận Hoàn Kiếm cho rằng, thời điểm này Bộ chưa công bố đề thi minh họa, khiến HS có cảm giác lo sợ trước kỳ thi vì không biết phải ôn tập thế nào. “Ngay cả với các giáo viên, với lượng kiến thức lớn nhưng chưa có được những hình dung về phân bố câu hỏi giữa các lớp 11 và lớp 12, thầy cô và HS sẽ “ngợp” bởi lượng kiến thức rất nhiều” - cô Nga chia sẻ. Tương tự, thầy Nguyễn Ngọc Hải - giáo viên luyện thi THPT quốc gia môn Vật lý tại Hệ thống Giáo dục Học mãi cũng cho rằng, Bộ công bố đề minh họa muộn như năm nay sẽ khiến kế hoạch ôn tập của HS cũng như kế hoạch dạy của giáo viên bị ảnh hưởng. Cũng theo thầy Hải, đối với giáo viên, để xây dựng một chương trình học tốt thì cần khoảng thời gian khá dài (tối thiểu là 2 tháng) để hệ thống kiến thức, bài tập, biên soạn tài liệu. Đến cuối tháng 1/2018 giáo viên mới biết kiến thức lớp 11 trong đề thi như thế nào, từ đó mới biên soạn là muộn, gây vất vả cho giáo viên.

Có thể thấy, niềm mong mỏi Bộ GD&ĐT sớm công bố đề minh họa kỳ thi THPT quốc gia 2018 là tâm trạng chung của hầu hết giáo viên, HS khối 12 năm nay. Có đề minh họa, giáo viên, HS sẽ có phương pháp dạy học và ôn tập hiệu quả hơn, đồng thời sẽ tạo tâm lý thoải mái, không áp lực cho cả giáo viên, HS.