Trong giai đoạn 2021 - 2025, bên cạnh việc tổ chức kỳ thi THPT trên giấy như hiện nay, Bộ GD&ĐT sẽ triển khai thí điểm thi trên máy tính tại những nơi có điều kiện.
Tránh tình trạng “nước đến chân mới nhảy”
Thi THPT quốc gia trên máy tính thể hiện sự tiến bộ của ngành giáo dục khi đưa công nghệ vào học tập. Đây là một hình thức thi hoàn toàn mới, vì vậy để làm được bài thi trên máy tính, HS không chỉ có kỹ năng, kiến thức các môn học, mà còn phải có điều kiện học tập và sử dụng máy tính thành thạo.
Nhận thức được điều này nên ngay từ đầu năm học, trường THPT Đống Đa (quận Đống Đa, Hà Nội) đã chú trọng cho HS tiếp xúc nhiều với máy tính. Phó Hiệu trưởng nhà trường Hà Thanh Thủy ủng hộ phương án thi vì có nhiều thuận lợi như HS biết ngay kết quả, nghiêm túc, đỡ tốn kém và đặc biệt hạn chế gian lận. Bà Thủy cho biết: Năm học 2019-2020, trường có 101 cán bộ, giáo viên (GV), nhân viên và 1912 HS (khối 12: 606 HS, khối 1: 659 HS, khối 10: 647 HS). Trong đó, trường có 48 máy tính (24 máy/phòng) và có 10 máy tính tại các phòng như thư viện, kỹ thuật giúp HS tra cứu tài liệu khi cần. Để không học chồng chéo, trường đã lên thời khóa biểu rõ ràng của từng lớp, từng khối. Hơn nữa, để HS làm quen với phương thức thi THPT sau 2021 và không còn tình trạng “nước đến chân mới nhảy”, bà Thủy mong muốn trường THPT Đống Đa sẽ nhận được sự đầu tư về cơ sở vật chất của UBND quận, Sở GD&ĐT và TP Hà Nội. Sắp tới, trường sẽ tuyển thêm GV dạy Tin học (hiện có 4 GV) để đáp ứng nhu cầu dạy và học.Tương tự, 1 GV THPT tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho rằng, thi THPT Quốc gia trên máy tính chứng tỏ sự hội nhập quốc tế và ứng dụng công nghệ thông tin trong thời đại 4.0. Trong thời gian qua, nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động để HS thành thạo máy tính hơn như làm bài kiểm tra trắc nghiệm trên máy tính, hướng nghiệp online…Theo khảo sát của phóng viên Kinh tế & Đô thị, đến thời điểm hiện tại, nhiều trường THPT tại các quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội đang chờ công văn chỉ đạo về kỳ thi THPT Quốc gia từ Sở GD&ĐT mới đưa ra những phương án, kế hoạch triển khai.Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Lê Ngọc Quang khẳng định, thi THPT Quốc gia trên máy tính từ năm 2021 chỉ mới là phương án Bộ GD&ĐT đưa ra và đang lấy ý kiến. Khi nào Bộ có chủ trương, văn bản, thì Sở mới triển khai thực hiện.
Nhiều GV nhận định, hình thức thi này có nhiều thuận lợi, tuy nhiên, kỳ thi sẽ ảnh hưởng đến những vùng khó khăn vì điều kiện tiếp xúc máy tính của HS còn hạn chế. Vấn đề đặt ra là ngành giáo dục phải đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường THPT, đặc biệt là các trường ở vùng sâu vùng xa để tạo sự công bằng, HS tiếp cận sớm với công nghệ.Chuẩn bị tâm thế
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, phương án thi THPT quốc gia từ năm 2021 – 2025 là kết hợp thi trên giấy và máy tính, nhưng sẽ thi trên máy tính nhiều hơn. Thi là nhiệm vụ liên quan tới mọi người, mọi nhà, vì vậy, Bộ sẽ từng bước chuẩn bị và tiếp tục xin ý kiến để hoàn thiện phương án thi tốt nhất.
"Thi trên giấy hay trên máy tính cũng chỉ là hình thức thi, không máy móc nào thay thế được con người. Nếu đội ngũ khảo thí không được chuẩn bị tâm thế, công nghệ hay quản lý tốt thì cũng khó thành công. Tới đây, Bộ sẽ rà soát, tăng cường chất lượng đội ngũ khảo thí trên cả nước", ông Nhạ nói.
Thi trên giấy như hiện nay khó đánh giá được hết các năng lực của HS, do đó đề xuất thi trên máy tính sẽ là phương án thích hợp. Áp dụng công nghệ vào thi cử là mong muốn của nhiều chuyên gia từ những năm qua vì sẽ hạn chế được sự can thiệp theo chiều hướng tiêu cực (sửa bài, nâng điểm) của kỳ thi."Đưa công nghệ vào kỳ thi cần sớm được thực hiện, hệ thống ngân hàng câu hỏi, phần mềm quản lý thi có tính bảo mật cao sẽ hạn chế được tiêu cực trong thi cử" - nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD&ĐT Quách Tuấn Ngọc nói.
Với nhiều thí sinh ở TP, thi trên máy tính không còn xa lạ vì đã được nhiều quốc gia trên thế giới triển khai hàng chục năm qua. Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội TS Nguyễn Tùng Lâm cho biết, tại Việt Nam đã có kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội được tổ chức từ năm 2015 đến nay. Kỳ thi này được tổ chức 2 lần/năm, có sự tham gia của nhiều trường đại học trong tổ chức, sử dụng kết quả kỳ thi làm căn cứ xét tuyển đầu vào.Để triển khai thi trên máy tính một cách hiệu quả thì cần có hệ thống ngân hàng câu hỏi toàn diện, không chỉ kiểm tra kiến thức của HS mà còn giúp quá trình dạy và học được triển khai đúng tiến độ. Làm sao để HS thấy được nếu không học, không nắm chắc kiến thức sẽ không làm được bài.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GD&ĐT sẽ chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thi trên máy tính theo lộ trình đảm bảo tính khả thi.Ngoài ra, Bộ sẽ thí điểm tổ chức thi trên máy tính để từng bước áp dụng phương thức thi này phù hợp với thực tiễn kinh tế - xã hội của đất nước, điều kiện thụ hưởng giáo dục và cách tiếp cận công nghệ thông tin của HS.