Thị trường bán lẻ cuối năm khởi sắc

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau một thời gian giảm sút, từ cuối quý II đến nay sức mua đã tăng trở lại đem lại kỳ vọng thời điểm cuối năm và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sức tiêu thụ hàng hóa sẽ tiếp tục khởi sắc.

Các DN đã lên kế hoạch chuẩn bị hàng hóa để không xảy ra khan hiếm, mất cân đối cung - cầu.

Tổng mức bán lẻ duy trì tăng trưởng

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 11/2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 552,7 nghìn tỷ đồng, tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân giúp tổng mức bán lẻ duy trì đà tăng là do nhu cầu tiêu dùng các vật phẩm văn hóa, giáo dục, đồ dùng gia đình tăng khá cao và dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành tiếp tục duy trì xu hướng tích cực

. Tính chung 11 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 5.667 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga, qua theo dõi, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng lũy kế hằng tháng luôn duy trì ở mức cao thời gian vừa qua. Trong đó có những tháng duy trì tăng ở mức 2 con số.

Người tiêu dùng chọn mua hàng tại siêu thị trên địa bàn quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Người tiêu dùng chọn mua hàng tại siêu thị trên địa bàn quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

“Giá cả hàng hóa tương đối ổn định; sức mua trên thị trường đã có sự phục hồi tốt so với cùng kỳ năm 2022. Riêng mặt hàng thóc gạo giá tăng do ảnh hưởng của thị trường xuất khẩu. Giá xăng, dầu, khí hóa lỏng có diễn biến tăng, giảm đan xen do tác động của giá thế giới” - bà Nga nhấn mạnh.

Chia sẻ về diễn biến thị trường bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong thời gian qua, Trưởng phòng Quản lý Khoa học và đào tạo (Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công Thương) Lê Huy Khôi cho biết, từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, lạm phát trong nước vẫn được kiểm soát, mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm, tỷ giá cơ bản ổn định, giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh… đã tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, giúp tạo niềm tin cho người dân, DN.

“Dự kiến từ nay đến cuối năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa sẽ tăng trở lại khi kinh tế trong nước đang dần hồi phục, giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh. Đồng thời nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng như: chương trình khuyến mại tập trung quốc gia, tháng khuyến mại tại nhiều địa phương, hội chợ hàng hóa Tết… sẽ thu hút người tiêu dùng mua sắm”-ông Khôi dự báo.

Phân tích nguyên nhân khiến thị trường bán lẻ đang có chiều hướng hồi phục, dưới góc độ DN bán lẻ, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Nguyễn Anh Đức nêu rõ, quá trình phục hồi này là kết quả của các chính sách kích cầu như giảm 2% thuế VAT, giãn thời gian nộp thuế, giảm thuế phí sử dụng đất, giảm lãi suất cho vay và chính sách “mở cửa” visa du lịch... Các chính sách này đã tác động tích cực đến lĩnh vực bán lẻ, giúp doanh thu chung của toàn thị trường nói chung, DN bán lẻ nói riêng tăng trưởng dương.

Tăng cường dự trữ hàng hóa

Các chuyên gia kinh tế dự báo thời điểm cuối năm và Tết Nguyên đán sức mua sẽ tăng trưởng mạnh mẽ, vì vậy các DN bán lẻ đã chủ động dự trữ hàng hóa, qua đó ngăn chặn hiện tượng tăng giá đột biến.

Giám đốc vận hành hoạt động Saigon Co.op Nguyễn Ngọc Thắng cho biết, năm nay, lượng hàng Tết tại hệ thống siêu thị do Saigon Co.op quản lý (Co.opmart, Co.op Food, Co.op Extra…) tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước và tăng 50% so với ngày bình thường.

Bên cạnh việc dự trữ hàng hóa, Saigon Co.op cũng tính toán lại giá cả, cân đối thu chi để bảo đảm giá hàng hóa ổn định và thực hiện nhiều ưu đãi cho khách hàng. Hiện hệ thống siêu thị của Saigon Co.op đang thiết kế các phần quà Tết giá bình dân, từ 149.000 - 199.000 đồng/phần.

Tương tự, Giám đốc vùng miền Bắc chuỗi siêu thị GO!, Big C (Central Retail) Lê Mạnh Phong cho biết, đến nay đơn vị đã gần như hoàn tất công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ cho dịp trước và sau Tết Nguyên đán 2024. Các kế hoạch về lượng hàng thống nhất với các nhà cung cấp lớn; việc mở rộng lượng hàng dự trữ cũng như hậu cần cũng đã được tính toán; các chương trình khuyến mãi, giảm giá cho dịp Tết cũng đã được thống nhất triển khai.

Theo đó, chương trình khuyến mãi sẽ được thực hiện liên tục và chia thành 3 giai đoạn trọng điểm, bắt đầu từ cuối tháng 12/2023 gồm toàn bộ các mặt hàng từ thực phẩm khô, thực phẩm tươi sống cho đến hàng gia dụng, thời trang... Ðặc biệt, GO!, Big C sẽ chú trọng nhiều vào các mặt hàng thiết yếu và hàng phục vụ cho ngày Tết, giỏ quà Tết với các mức giảm giá phù hợp với từng nhu cầu của người tiêu dùng; đồng thời thực hiện chiết khấu sâu và nhiều hình thức khuyến mãi đa dạng.

Thông tin từ hệ thống siêu thị Mega Market (MM) cho biết, MM tăng 20-30% tổng lượng dự trữ hàng hóa cho Tết, đồng thời liên tục làm việc với các nhà cung cấp để cân đối nguồn hàng, mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm chất lượng với giá cả bình ổn nhất. Bên cạnh đó, MM còn triển khai hàng loạt chương trình khuyến mãi, áp dụng mức giảm giá từ 10 - 30%, kéo dài xuyên suốt cuối năm đến lễ, Tết nhằm kích cầu mua sắm, góp phần phục hồi thị trường sau những biến động kinh tế năm 2023.

Theo các chuyên gia kinh tế, thị trường nội địa với quy mô 100 triệu dân là 1 trong 3 trụ cột tăng trưởng kinh tế, vẫn còn nhiều tiềm năng để khai thác. Dù vậy, yêu cầu của người tiêu dùng nội địa ngày càng khắt khe, đòi hỏi hàng Việt phải có chất lượng tương đương, giá cả cạnh tranh với hàng ngoại nhập.

"Để giúp DN khai thác thị trường này Nhà nước cần có thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ về vốn, kết nối đơn vị sản xuất với đơn vụ kinh doanh, phân phối… đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, qua đó góp phần củng cố thị trường, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra Bộ Công Thương cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, giúp DN quảng bá sản phẩm, hỗ trợ thủ tục thuê mặt bằng…" - TS Nguyễn Minh Phong nêu giải pháp.

Đồng tình với giải pháp này, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - PGS.TS Trần Đình Thiên đánh giá, để thúc đẩy thị trường thời gian qua Chính phủ đã giảm thuế VAT từ 10% xuống 8%. Tuy nhiên, mức giảm 2% thuế VAT là chưa đủ trong bối cảnh khó khăn, sức mua thị trường suy yếu như hiện nay.

 

 

Phải kích thích tiêu dùng để hỗ trợ nền kinh tế. Ở đây, hỗ trợ người tiêu dùng không có nghĩa là giúp người tiêu dùng mua hàng với giá rẻ hơn mà là giúp thị trường sống động trở lại, từ đó DN có thể phục hồi. Vì vậy, rất cần các giải pháp mới mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn.
PGS.TS Trần Đình Thiên

 

Như vậy, muốn kích cầu hiệu quả thì về lâu dài phải giữ cho giá cả ổn định để người tiêu dùng yên tâm mua sắm. Bên cạnh nỗ lực của DN, rất cần sự vào cuộc của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương nhằm triển khai bình ổn thị trường từ khâu nguyên liệu đến sản xuất, kinh doanh, phân phối. Đồng thời, DN bán lẻ cơ cấu nguồn hàng để phù hợp với nhu cầu, thói quen mới của người tiêu dùng theo hướng thông minh, tiết kiệm hơn.