Thị trường bán lẻ: Kỳ vọng khởi sắc trở lại

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau giai đoạn trầm lắng do dịch Covid-19, ngành bán lẻ đã có dấu hiệu phục hồi trở lại. Các chuyên gia dự báo, năm 2023, bán lẻ hàng hóa sẽ tăng trưởng 8-9%, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ hàng Việt.

Bán lẻ hàng hóa tăng trưởng ấn tượng

Số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước tháng 1/2023 đạt 544.800 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ. Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan thông tin,  tháng 1/2023 là tháng bán lẻ với mức tăng trưởng cao nhất trong vòng vài năm trở lại đây của Thủ đô. Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 ước đạt 68,5 nghìn tỷ đồng, tăng 8,3% so với tháng trước và tăng 18% so với cùng kỳ năm trước.

“Đây là con số khả quan trong bối cảnh thị trường vẫn phải đối mặt với nhiều sức ép lạm phát, chi tiêu của người dân sụt giảm”- bà Trần Thị Phương Lan khẳng định.

Người tiêu dùng mua hàng tại siêu thị VinMart. Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng mua hàng tại siêu thị VinMart. Ảnh: Hoài Nam

Là một trong những doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu của Việt Nam, Tổng giám đốc Saigon Co.op Nguyễn Anh Đức cho biết, năm 2022, đơn vị đạt doanh số 30.888 tỷ đồng, vượt 216 tỷ đồng so với cùng kỳ. Riêng trong thời gian phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão vừa qua, hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op đạt doanh thu 7.589 tỷ đồng, tăng 9% so với Tết Nguyên đán 2022. “Kết quả này cho thấy tín hiệu tăng trưởng tích cực của thị trường bán lẻ”- ông Nguyễn Anh Đức nêu rõ.

Sự phục hồi chung của nền kinh tế đã thúc đẩy ngành bán lẻ tăng trưởng trở lại. Kết quả khảo sát 15.000 nhà bán hàng của Nền tảng quản lý và bán hàng Sapo cho thấy, tình hình chung năm 2022 là sự phục hồi về doanh thu. Tỷ lệ nhà bán hàng có sự tăng trưởng doanh thu chiếm 37,72%, cao hơn năm 2021 (23,88%) và năm 2020 (30,7%), số lượng nhà bán hàng có sự tăng trưởng trên 30% doanh thu chiếm 6,36%.

Người tiêu dùng mua hàng tại siêu thị Big C. Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng mua hàng tại siêu thị Big C. Ảnh: Hoài Nam

Mặc dù ngành bán lẻ đã dần khởi sắc trở lại, tuy nhiên quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 mới đạt khoảng 82% quy mô trước khi xảy ra dịch Covid-19.

Phân tích nguyên nhân của tình trạng này, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu cho biết, hiện hệ thống chợ đầu mối, trung tâm logistics, kho chứa hàng hóa chưa theo kịp nhu cầu phát triển, làm gia tăng chi phí thương mại, hạn chế cạnh tranh. Bên cạnh đó, hạ tầng thương mại nông thôn chậm phát triển, mối liên kết trong chuỗi cung ứng hàng hóa chưa chặt chẽ nên thị trường dễ bị biến động.

Nhiều tín hiệu tích cực

Bộ Công Thương nhận định, năm 2023 kinh tế Việt Nam còn đối mặt với nhiều khó khăn, song ngành bán lẻ sẽ tiếp tục phục hồi mạnh mẽ bởi quy mô thị trường đến năm 2025 sẽ cán mốc 350 tỷ USD, đóng góp 59% tổng ngân sách quốc nội.

Người tiêu dùng mua hàng tại siêu thị Big C. Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng mua hàng tại siêu thị Big C. Ảnh: Hoài Nam

Nhận định về thị trường bán lẻ trong năm 2023, chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú dự báo, sau thời gian chững lại do dịch Covid-19, hiện thị trường bán lẻ Việt Nam đang trên đà hồi phục tốt với mức tăng trưởng bằng thời điểm trước dịch. “Cơ sở để ngành bán lẻ phục hồi, được hỗ trợ bởi các yếu tố như tăng trưởng thu nhập, ngành du lịch phục hồi mạnh mẽ, các ngành nghề liên quan du lịch gồm vận tải, lưu trú và nỗ lực kiềm chế lạm phát đang phát huy tác dụng” - ông Vũ Vinh Phú phân tích.

Thực tế cho thấy, ngay trong những ngày đầu năm 2023, doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài đang có kế hoạch mở cửa hoạt động và rót vốn đầu tư trở lại sau dịch Covid-19. Mới đây, Central Retail (Thái Lan) đã công bố sẽ đầu tư thêm 20.000 tỷ đồng vào thị trường bán lẻ Việt Nam trong 5 năm tới. Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam Nguyễn Thị Bích Vân cho hay, với việc rót thêm vốn đầu tư lớn vào Việt Nam, Central Retail sẽ nhân rộng điểm bán từ 40 tỉnh, thành phố hiện nay lên 55 tỉnh, thành phố cả nước. Qua đó thúc đẩy doanh số tại thị trường Việt Nam trong giai đoạn 2022 - 2026 lên 65.000 tỷ đồng.

Người tiêu dùng mua hàng tại siêu thị Co.op Mart. Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng mua hàng tại siêu thị Co.op Mart. Ảnh: Hoài Nam

Tương tự, Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) cũng đang lên kế hoạch từ nay đến năm 2025 triển khai thêm 16 dự án tại Việt Nam, trong đó có 3 - 4 dự án tại Hà Nội. Đồng thời sẽ ra mắt các mô hình bán lẻ mới để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, tạo đà phát triển trong tương lai.

Đánh giá về thị trường bán lẻ năm 2023, Phó Tổng Giám đốc Thường trực WinCommerce Nguyễn Thị Phương  chia sẻ, mặc dù kinh tế năm 2023 vẫn còn nhiều khó khăn nhưng thị trường bán lẻ đang trên đà hồi phục. Vì vậy WinCommerce bên cạnh việc duy trì 3.400 siêu thị và cửa hàng tiện ích tại 62 tỉnh thành sẽ tiếp tục phát triển hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi.

Thông tin của Công ty Dịch vụ bất động sản thương mại toàn cầu Cushman & Wakefield (Hoa Kỳ), dự kiến trong năm 2023 sẽ có 4 dự án trung tâm thương mại chào sân là Central Premium plaza, Vincom Megamall Grand Park, Sunrise City Central và Emart 2, đóng góp hơn 116.000 m2 diện tích bán lẻ mới. 

Để đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông cho hay, từ nay đến năm 2030 ngành công thương đặt ra mục tiêu tái cơ cấu thị trường trong nước theo hướng phát triển nhanh, bền vững. Theo đó, các mô hình kinh tế chia sẻ, kinh tế đêm, du lịch,  kinh tế tuần hoàn, thương mại điện tử... sẽ được khuyến khích, ưu tiên phát triển. Bên cạnh đó, hệ thống phân phối chuyển dịch sang các loại hình phân phối hiện đại, ưu tiên vùng nông thôn, miền núi.

Cùng với đó, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ NN&PTNT kết nối giữa sản xuất với thị trường theo chuỗi cung ứng nhằm bảo đảm ổn định cung cầu, giá cả hàng hóa và nguồn gốc sản phẩm. Đồng thời quản lý chất lượng hàng hóa lưu thông trong nước bằng các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với thông lệ quốc tế.