Thị trường bánh Trung thu đến hẹn lại... lo

Hoài Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Trung thu. Năm nay do dịch Covid-19 nên nhiều tỉnh thành giãn cách xã hội nên thị trường bánh Trung thu trầm lắng. Để tiêu thụ sản phẩm các DN, cơ sở sản xuất đẩy mạnh bán hàng online. Lợi dụng phương thức kinh doanh này, nhiều đối tượng đã quảng bá, tiêu thụ bánh Trung thu không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), không rõ nguồn gốc.

Quản lý thị trường Hà Nội thu giữ bánh Trung thu nhập lậu. Ảnh: Hoài Nam
Sôi động thị trường mua bánh Trung thu online
Giữa những ngày giãn cách xã hội, để mua được bánh Trung thu đa phần người dân chọn mua hàng online, chỉ cần một click chuột, bánh Trung thu sẽ được chuyển đến tận nhà. Nắm bắt xu hướng tiêu dùng đó, các DN sản xuất bánh kẹo truyền thống như Hải Hà, Hữu Nghị, Thu Hương, Kinh Đô… đang đẩy mạnh kênh bán hàng online thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) như Tiki, Shopee, Lazada, Sendo… và những ứng dụng giao hàng Grab, Gojek, Baemin. Với các tiểu thương sản xuất bánh thủ công (handmade) cũng tận dụng mạng xã hội Zalo, Facebook, các nhóm mua bán online, cộng đồng khu dân cư để tiêu thụ sản phẩm. Đại diện Công ty CP Đầu tư Sản xuất Bảo Ngọc Nguyễn Trung Hiếu cho biết, phương thức kinh doanh online đang là giải pháp chính để đưa sản phẩm bánh của DN đến với người tiêu dùng. Trong khi đó, một số chuỗi kinh doanh F&B như Highlands Coffee, Starbucks cũng tham gia bán bánh Trung thu với các set 3-4 bánh/hộp trên sàn TMĐT Lazada.

Thực tế, dù giá nguồn nguyên liệu đầu vào tăng đáng kể nhưng hầu hết DN sản xuất bánh Trung thu đều duy trì giá bán tương đương năm trước. Cụ thể, mức giá bánh Trung thu loại “bình dân” giao động từ 50.000 - 70.000 đồng/chiếc, các dòng bánh cao cấp dao động từ 300.000 - 750.000 đồng/chiếc. Đặc biệt khi mua sản phẩm trên các sàn TMĐT người mua sẽ được hưởng ưu đãi chiết khấu từ 5 - 10%.

Hàng VIP nhưng chỉ đắt hơn cốc trà đá

Thời điểm này trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo... liên tục xuất hiện những lời quảng cáo, rao bán “Bánh Trung thu siêu ngon, siêu rẻ” là hàng “xách tay” từ Trung Quốc, Đài Loan, Hongkong hoặc sản phẩm handmade nhà làm với giá bán khá rẻ chỉ bằng cốc cà phê, trà đá.

Khảo sát của phóng viên Kinh tế & Đô thị trên các sàn TMĐT như Shopee, Sendo... cho thấy, hiện đang nhan nhản lời rao bán sản phẩm bánh Trung thu ngoại nhập. Cụ thể, trên sàn TMĐT Shopee, nhiều gian hàng đang quảng cáo, rao bán combo bánh nướng Trung thu mini do Đài Loan sản xuất chỉ 39.000 đồng/10 chiếc, nếu khách hàng mua theo ki lô gam giá chỉ còn 68.000 - 71.000 đồng/kg (20 chiếc). Tại một fanpage chuyên bán buôn đồ ăn vặt trên Facebook, chủ hàng Liên Hòa rao bán bánh Trung thu do Hongkong sản xuất với giá chỉ 90.000 đồng/kg (18 chiếc), tính ra giá chỉ 5.000 đồng/bánh. Thậm chí có gian hàng còn rao bán chỉ 3.200 đồng/chiếc mua lẻ, nếu mua số lượng lớn sẽ giảm giá xuống còn 3.000 đồng/chiếc, chỉ đắt bằng... một cốc trà đá.

Trong khi đó trên các mạng xã hội Zalo, Facebook nhiều cửa hàng, đại lý bánh kẹo tư nhân cũng nhập và rao bán bánh Trung thu nhập khẩu từ Đài Loan trọng lượng 40g/chiếc nhân bánh vị hoa quả, đậu đỏ… hạn sử dụng lên tới 4 tháng. Bánh được bán theo set 20 cái với giá khoảng 100.000 đồng (tính ra chỉ khoảng 5.000 đồng/cái), nếu mua 1 set bánh 55 - 60 cái, giá 199.000 đồng (trung bình mỗi chiếc bánh chỉ khoảng 3.300 - 3.600 đồng), nếu mua theo ki lô gam giá bán sẽ là khoảng 40.000 đồng/kg, mua số lượng lớn được giảm 10 - 20%. Không chỉ rao bán bánh Trung thu do nước ngoài sản xuất giá rẻ, nhiều cơ sở sản xuất cũng “quảng cáo” bánh handmade nhân thập cẩm, đậu xanh trứng muối với giá từ 8.000 - 10.000 đồng/chiếc.

Thận trọng nguồn gốc

Cuối tháng 8 vừa qua tại chốt kiểm soát dịch bệnh trên tuyến cao tốc Hà Nội – Lào Cao, thuộc địa bàn xã Tân Dân (Sóc Sơn), đội Quản lý thị trường (QLTT) số 9 - Cục QLTT Hà Nội kiểm tra xe ô tô tải “luồng xanh” đã phát hiện chở 200.000 chiếc bánh Trung thu nhập lậu có trọng lượng gần 10 tấn. Theo Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Chu Xuân Kiên: Thủ đoạn chung mà các đối tượng thường sử dụng để tiêu thụ bánh Trung thu nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ là bán online. Khi khách đặt hàng mới gửi ship. Để tránh sự chú ý của lực lượng chức năng, thay vì buôn bán rầm rộ, chủ hàng chỉ tập kết với số lượng không quá lớn nhưng nhập hàng khá thường xuyên. Những loại bánh này thường là những chiếc bánh “3 không” (không rõ thành phần nguyên liệu, không ghi ngày sản xuất và không hạn sử dụng).

Nhằm ngăn chặn tình trạng buôn lậu bánh Trung thu, Tổng cục QLTT đã có công văn yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, TP tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường trước, trong và sau Tết Trung thu 2021. Theo đó, QLTT các địa phương kiểm tra việc vận chuyển, sản xuất, kinh doanh bánh và nguyên liệu làm bánh Trung thu qua đó ngăn chặn các hành vi nhập lậu, sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng ATTP. Ngày 8/9, Cục QLTT TP Hà Nội đã có Công văn số 741/QLTTHN-NVTH yêu cầu các đội QLTT tăng cường quản lý địa bàn, rà soát các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu. Trong đó chú trọng rà soát những cá nhân, cơ sở kinh doanh, bán online bánh Trung thu trên sàn TMĐT, mạng xã hội Facebook, Zalo.... nhưng chưa thông báo với cơ quan chức năng. Đặc biệt chú trọng phát hiện các trường hợp lợi dụng mạng xã hội, sàn TMĐT để buôn bán kinh doanh bánh Trung thu nhập lậu, giá rẻ.

Nhằm ngăn chặn tình trạng lợi dụng TMĐT để tiêu thụ bánh Trung thu nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ qua đó bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục TMĐT & Kinh tế số (Bộ Công Thương) khuyến cáo người tiêu dùng khi lựa chọn, sử dụng bánh Trung thu cần chọn các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, có tên, địa chỉ nhà sản xuất, hướng dẫn sử dụng, bảo quản. Ngoài ra chỉ nên mua hàng tại những website đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công Thương.
Các đối tượng buôn lậu bánh Trung thu thường xuyên thay đổi biển kiểm soát phương tiện vận chuyển, địa điểm tập kết hàng hóa. Đặc biệt, một số đối tượng lợi dụng giấy phép “luồng xanh” vận chuyển hàng hóa tiêu dùng thiết yếu phòng chống dịch Covid-19 để vận chuyển bánh Trung thu nhập lậu.

Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Chu Xuân Kiên