[Thị trường bất động sản “bấn loạn”: Nhà đầu tư coi chừng "bị kẹt"] Bài cuối: Giá tăng ảo ảnh hưởng xấu đến thị trường

Doãn Thành – Tiểu Thúy (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc tăng giá bất động sản (BĐS) trong thời gian gần đây xuất phát từ nhiều nguyên nhân, đáng quan ngại là tình trạng giới đầu cơ BĐS lợi dụng yếu tố như chuẩn bị quy hoạch đô thị, xây dựng công trình hạ tầng, mở rộng đô thị... gây nhiễu loạn thông tin để "thổi giá" nhằm thu lợi bất chính, gây thêm khó khăn cho DN, người thu nhập thấp ngày càng khó có cơ hội sở hữu nhà.

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, các chuyên gia cho rằng phải xử lý nghiêm các đối tượng tung tin thất thiệt, gây ảnh hưởng đến thị trường.
Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) Bùi Xuân Dũng: Xử lý nghiêm những đối tượng lợi dụng thông tin

Về giải pháp với việc giá BĐS tăng nóng thời gian gần đây, đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật và Thủ tướng Chính phủ cũng đã trực tiếp chỉ đạo. Vì vậy, các địa phương cần tăng cường giám sát thị trường, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi, đối tượng lợi dụng thông tin (quy hoạch, nâng cấp đơn vị hành chính, chủ trương đầu tư dự án hạ tầng kỹ thuật lớn, đặc biệt là về hệ thống đường giao thông…) để làm giá, đẩy giá BĐS lên cao nhằm thu lợi bất chính; thực hiện có hiệu quả tại Chỉ thị số 11/2019/CT-TTg về một số giải pháp thúc đẩy thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh.
Để ngăn chặn giá BĐS “nhảy múa”, Bộ Xây dựng đang xây dựng các giải pháp để thị trường BĐS hoạt động ổn định, minh bạch. Trước hết, cần xác định cụ thể nơi nào có tăng nóng, sốt ảo, nguy cơ bong bóng để có biện pháp phù hợp.

Phó Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính: Gắn trách nhiệm của lãnh đạo địa phương đối với các hiện tượng sốt đất

Trước tình trạng sốt đất ở khắp nơi trên cả nước như hiện nay, tôi cho rằng vai trò của chính quyền địa phương rất quan trọng. Chính quyền các địa phương phải vào cuộc quyết liệt để kiểm soát mọi hoạt động sử dụng đất đai, thực hiện các dự án đầu tư, giao dịch đất đai... đảm bảo thực hiện theo đúng quy định pháp luật.
Đặc biệt, cần gắn trách nhiệm của lãnh đạo địa phương đối với các hiện tượng sốt đất... Trong đó, tăng cường quản lý các đối tượng tham gia chuỗi rao, chào bán, tổ chức giao dịch… trên địa bàn; cung cấp đầy đủ thông tin về chủ trương phát triển kinh tế, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn. Qua đó, kịp thời phát hiện và xử lý hoạt động tung tin thất thiệt, gây ảnh hưởng đến thị trường, đặc biệt là những tin tức tạo dựng làm sốt đất, bất ổn ở địa phương.
Về phía Nhà nước cần thiết phải điều chỉnh pháp luật theo hướng số hóa quy hoạch, sản phẩm BĐS người dân có thể thuận tiện tra cứu thông tin. Đồng thời, quản lý sàn giao dịch và môi giới BĐS được chặt chẽ, hiệu quả hơn.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển: Nếu đẩy giá mà không có người mua thì không “đẩy” được
Nếu nhìn từ góc độ thu nhập của người dân thì có thể nói giá BĐS ở Việt Nam khá cao so với thu nhập. Tuy nhiên, vì nhu cầu BĐS ở Việt Nam vẫn lớn nên nhà đầu tư vẫn chọn kênh đầu tư BĐS. Khi nhiều nhà đầu tư chọn BĐS sẽ khiến lực cầu lớn, có những giai đoạn tăng, giảm giá nhưng lo lắng về vấn đề sụp đổ giá là không có. Do đó, không quá lo ngại sẽ xảy ra "bong bóng" BĐS.

Giá BĐS là vấn đề thuận mua, vừa bán. Nếu có người đẩy giá mà không có người mua thì cũng không đẩy được. Việc đẩy giá chỉ xuất hiện ở thị trường độc quyền nhưng thị trường BĐS là thị trường tự do, không phụ thuộc vào duy nhất một người bán nên khó có chuyện đẩy giá.
Chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang:Mua nhà đất trên tin đồn tác động xấu lên thị trường

Sau mỗi cơn sốt đất, thị trường sẽ phải đối mặt với 4 tác động chính. Không chỉ người mua, người bán, DN mà cả ngân hàng cũng phải đối mặt với nhiều khoản nợ xấu.
Thứ nhất, khi giá đất bị đẩy lên cao, người có nhu cầu thực về BĐS rất khó tìm được một căn nhà hay miếng đất có giá trị phù hợp. Thứ hai, các DN muốn mở rộng sản xuất sẽ gặp khó khăn về đền bù, giải phóng mặt bằng.
Thứ ba, ngân hàng sẽ khó khăn trong việc định giá tài sản nếu người vay dùng BĐS này làm tài sản thế chấp. Thứ tư, giới đầu tư, đầu cơ đất thường sử dụng đòn bẩy tài chính bằng việc vay vốn ngân hàng. Khi cơn sốt đi qua, vỡ bong bóng BĐS, ngân hàng sẽ đối mặt với rất nhiều khoản nợ xấu có thể mất rất nhiều năm để xử lý.