Thị trường bất động sản chưa đủ lực để “vượt dốc”?

Ngô Sơn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự phục hồi của nền kinh tế cùng với những dự báo tích cực về tăng trưởng kinh tế chắc chắn sẽ kéo theo nhu cầu bất động sản tăng cao ở tất cả các phân khúc, từ căn hộ đến văn phòng cho thuê, nhà xưởng, bất động sản bán lẻ...

Đặc biệt, trong tình hình nguồn cung bị thắt chặt bởi nhiều lý do, mặt bằng giá bất động sản tăng lên trong thời gian tới là điều có thể tính đến.

Đường Vành đai 2 trên cao tại Hà Nội. Ảnh: Khánh Huy
Đường Vành đai 2 trên cao tại Hà Nội. Ảnh: Khánh Huy

Tận dụng được tối ưu những lợi thế về tín dụng

Kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi, là một trong những điểm sáng của nền kinh tế thế giới đang trong bối cảnh suy yếu, biến động khó lường. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng trưởng với xu hướng tích cực, GDP quý 3/2023 tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu, giải ngân vốn đầu tư công, tổng mức bán lẻ hàng hóa nội địa, số lượng doanh nghiệp (DN) thành lập mới và quay trở lại hoạt động,... đều có kết quả khả quan.

Hơn thế nữa, Ngân hàng Nhà nước đã hạ lãi suất điều hành 4 lần liên tiếp kể từ tháng 3/2023. Lãi suất vay ngân hàng có sự điều chỉnh giảm rõ rệt, dao động từ 6,7% đến 10%, tiệm cận về mức đầu năm 2022, giảm từ 0,4% đến 3,5% so với cuối quý 2/2023. Đây là mức lãi suất thuận lợi cho người mua nhà.

Kết quả khảo sát gần đây của Hội Môi giới BĐS (VARS) với các hội viên là những nhà môi giới BĐS đang hoạt động cho thấy, có tới 60% số người được hỏi cho biết khách hàng của họ, là các nhà đầu tư đã tham gia thị trường BĐS trước đó, sẽ đầu tư BĐS nếu lãi suất tiếp tục giảm.

Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh khó khăn, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế kém, họ sẽ thận trọng hơn trong việc lựa chọn và tính toán, khai thác các gói vay tài chính cho các tài sản “gửi gắm” cũng như sẽ không tất tay vào các kênh đầu tư này.

Bà Phạm Thị Miền - Phó Ban Nghiên cứu thị trường và Tư vấn xúc tiến đầu tư BĐS VARS cho biết, dữ liệu của nghiên cứu của VARS cho thấy, thanh khoản trên thị trường BĐS đang dần được cải thiện, đặc biệt so với giai đoạn khó khăn cuối năm trước và những tháng đầu năm nay. Thị trường bắt đầu ghi nhận nhiều điểm sáng hơn. Đó là những địa phương có kinh tế phát triển, quan tâm, chú trọng thúc đẩy đầu tư hạ tầng, giao thông, có nhiều nguồn cung phù hợp với nhu cầu như Hà Nội, Hải Phòng, Lào Cai, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh,...

Kết quả trên là nhờ có sự có sự nỗ lực, liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý Nhà nước và DN. Nhờ những động thái quyết liệt của Chính phủ cùng các cơ quan, Bộ, ngành nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phát triển thị trường BĐS an toàn, lành mạnh, bền vững. Gần 20 động thái, văn bản dưới luật liên quan được phát đi từ phía Chính phủ một cách liên tục và dồn dập, với nội dung ngày càng sát hơn với nhu cầu thực tế của thị trường và DN. Trên tinh thần tiếp thu các ý kiến đóng góp, sửa đổi, bổ sung theo hướng phù hợp với chiến lược nhà ở của quốc gia. Thông tin về hàng trăm dự án được tháo gỡ, tái khởi động trở lại góp phần tạo thêm niềm tin và sức mạnh cho thị trường cũng như các chủ thể tham gia. Tuy thị trường chưa đủ lực để có thể “vượt dốc” nhưng phần nào đã thoát khỏi nguy cơ “mất phanh”.

Khó ghi nhận sự thay đổi đột biến

Bên cạnh tổng kết, đánh giá thị trường BĐS quý 3/2023, các chuyên gia tại sự kiện cũng đã đưa ra những dự báo về thị trường BĐS những tháng cuối năm 2023. Đã có nhiều quan điểm khác nhau khi nói về thị trường địa ốc giai đoạn tới, tuy nhiên, các chuyên gia đều cho rằng, một số phân khúc ở rất nhiều địa phương đã có dấu hiệu vượt “đáy".

Theo ông Lê Đình Chung - thành viên Tổ công tác Nghiên cứu thị trường VARS, Tổng Giám đốc SGO Homes, để xác định thị trường đã vượt “đáy” hay chưa. Cần đưa ra các dấu hiệu về vượt “đáy”, như đã không còn giảm giá sâu, dừng giảm giá hay giá bắt đầu tăng lên, tâm lý nhà đầu tư phục hồi tích cực,...

Mặc dù đã có nhiều hơn sự “góp mặt” của một số “cánh chim đầu đàn” trong việc triển khai các dự án nhà ở xã hội (NƠXH) và nhà ở thương mại. Tuy nhiên, thị trường BĐS quý 4/2023 sẽ khó ghi nhận sự thay đổi đột biến trong ngắn hạn do nguồn cung vẫn chưa thể thể “đột phá”, do các dự án cần một khoảng thời gian tương đối để có thể triển khai, đủ điều kiện mở bán. Số lượng các dự án nhà ở xã hội sắp mở bán trong thời gian tới vẫn còn rất ít so với nhu cầu.

Ông Nguyễn Hoàng Nam - thành viên Tổ công tác Nghiên cứu thị trường BĐS VARS, Tổng Giám đốc CTCP G-Home chia sẻ thêm, ngay cả khi đề án 1 triệu căn NƠXH được thực thi tối đa, nguồn cung NƠXH vẫn không thể đáp ứng đủ nhu cầu. Trong khi đó, quá trình triển khai, xây dựng đến mở bán dự án NƠXH vẫn còn nhiều vướng mắc, từ cơ chế pháp luật đến quy định và điều kiện mua cũng như các trường hợp được thụ hưởng chính sách.