Thị trường bất động sản công nghiệp: Gia tăng triển vọng nhờ chính sách mới

Doãn Thành (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - BĐS công nghiệp là một trong những phân khúc thu hút nhiều vốn đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch Covid- 19 đã mang đến những lo ngại về hiệu quả và tâm lý đầu tư.

 Trưởng bộ phận BĐS công nghiệp (Công ty Savills Việt Nam) John Campbell
Phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Trưởng bộ phận BĐS công nghiệp (Công ty Savills Việt Nam) John Campbell để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Ông đánh giá thế nào về tình hình thu hút đầu tư vào phân khúc BĐS công nghiệp tại Việt Nam trong thời gian gần đây?
- Trong bối cảnh suy thoái toàn cầu, 2019 là một năm đặc biệt đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Các chỉ số tăng trưởng kinh tế vĩ mô đầy ấn tượng đã hỗ trợ cho hiệu suất của thị trường BĐS, đặc biệt là phân khúc BĐS công nghiệp, với tổng lượng đầu tư đạt 24,56 tỷ USD, chiếm hơn 64,6% tổng vốn đầu tư. Triển vọng kinh tế của Việt Nam trong trung và dài hạn hầu như đều tích cực. Dẫu ngay từ đầu năm nay cũng có những khó khăn, song vẫn tạo được sự khởi đầu tích cực, thể hiện ở thu hút vốn đầu tư FDI.
Theo ông, đâu là nguyên nhân mang đến tín hiệu tích cực đó?
- Các hiệp định Thương mại tự do (FTA) và mạng lưới thương mại toàn cầu gần đây sẽ tiếp tục thúc đẩy Việt Nam trở thành đích đến chính của dòng vốn FDI. Nghị viện châu Âu mới chính thức thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư EU- Việt Nam (EVIPA)... Điều đó càng làm tăng lên triển vọng cho các ngành kinh tế của Việt Nam.
Kể từ tháng 6/2019, ngày càng nhiều nhà đầu tư BĐS công nghiệp tại Việt Nam tự tin rằng EVFTA sẽ thúc đẩy đầu tư vào sản xuất, từ đó mở rộng nhóm khách thuê hơn. Với việc thỏa thuận này sẽ được phê chuẩn trong năm nay, các nhà đầu tư hy vọng sẽ thấy sự gia tăng nhu cầu thuê từ các nhà sản xuất châu Âu trong năm 2020 và 2021.
Mặc dù đạt được những kết quả khả quan, nhưng từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 đã tác động thế nào đến hoạt động đầu tư vào các khu công nghiệp, thưa ông?
- Đánh giá một cách khách quan, mặc dù việc thu hút đầu tư vào BĐS công nghiệp thời gian gần đây rất tốt nhưng cũng sẽ làm nền kinh tế dễ bị tổn thương khi có sự sụt giảm về nguồn cầu trên phạm vi toàn cầu do dịch Covid-19. Dịch đã gây ra những lo ngại về tình trạng thiếu lao động và gián đoạn chuỗi cung ứng trong lĩnh vực sản xuất trong quý I/2020, có thể ảnh hưởng đến nhiều nhà sản xuất Việt Nam có liên kết chuỗi cung ứng liên quan đến Trung Quốc.
Ông có dự báo gì về tình hình phát triển của BĐS công nghiệp Việt Nam trong năm 2020?
- Hiện tại chưa thể đánh giá được tỷ lệ giảm sút của các hoạt động sản xuất công nghiệp có liên quan trực tiếp đến Covid- 19 nhưng có thể dự báo rằng sự ảnh hưởng của nó không hề nhỏ, bởi nó tác động lên nền kinh tế toàn cầu. Các hiệp định FTA đã tạo điều kiện cho nhiều nhà phát triển BĐS tại châu Âu tham gia vào thị trường Việt Nam, từ đó tạo ra sự cạnh tranh quyết liệt về chất lượng sản phẩm cũng như giá thuê. Nhưng ở thời điểm hiện tại, các chủ đầu tư vẫn được lựa chọn khách thuê phù hợp để có giá trị gia tăng cao.
Theo đánh giá của tôi, trong năm 2020, BĐS công nghiệp sẽ tiếp tục phát triển với chiều hướng tích cực mặc dù đang chịu ảnh hưởng của Covid- 19, những triển vọng này sẽ còn gia tăng vào năm 2021.
Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần