Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường bất động sản Đà Nẵng – Quảng Nam: Giảm giá vẫn vắng khách

Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau đợt “sốt” bất thường đầu năm 2019, thị trường bất động sản (BĐS) Đà Nẵng - Quảng Nam nhanh chóng giảm nhiệt, đặc biệt là phân khúc đất nền dự án.

Qua thời người dân đổ xô làm môi giới
Cùng với Đà Nẵng, thị trường đất nền dự án ở Quảng Nam vừa trải qua đợt “sốt” giá bất thường. Cụ thể, thời điểm sau Tết Nguyên đán 2019, đất nền một số dự án ở thị xã Điện Bàn bán “đắt như tôm tươi”. Các nhà đầu tư, khách hàng ồ ạt đổ về đây. Thời điểm đó, đi đến đâu ở Điện Bàn cũng thấy ki ốt mua bán, ký gửi đất. Người dân đổ xô đi làm môi giới, “cò” đất…
 Quảng Nam cần sớm ổn định thị trường BĐS. Ảnh: Quang Hải
Qua tìm hiểu tại thị xã Điện Bàn thời điểm hiện tại, giao dịch đất nền rất ảm đạm. Đất nền nhiều dự án giảm giá đến 600 triệu đồng so với thời điểm “sốt” nhưng rao bán vẫn không có người mua. Hầu hết các phòng giao dịch ở Điện Bàn đang trong tình trạng… ngóng khách. Cụ thể, các dự án khu đô thị 7B, 7B mở rộng, Sentosa, Ngọc Dương, Sakura, Hera Complex… ở Điện Bàn do Công ty CP Bách Đạt An làm chủ đầu tư đều giảm giá sâu từ 500 - 600 triệu đồng/nền (từ 3 - 3,2 tỷ đồng/nền giảm xuống 2,5 - 2,6 tỷ đồng/nền). Giảm giá sâu như thế nhưng rao bán cũng gần như không có người mua.
Khảo sát thêm đất nền tại những dự án trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, mặc dù giao dịch khá ảm đạm vì người dân vẫn còn tâm lý e ngại do có nhiều dự án “vướng” pháp lý nhưng mức giá rao bán vẫn không hề thấp. Đơn cử như ở khu đô thị Điện Nam – Điện Ngọc của thị xã Điện Bàn, đất nền trục đường 33m có giá 25 triệu đồng/m2 (lô 135 - 150m2); trục đường 10m có giá 22 triệu đồng/m2; trục đường 5,5 - 7,5m có giá từ 17 - 20 triệu đồng/m2. Tại huyện Núi Thành (nơi có nhiều khu công nghiệp), đất nền cũng được rao bán ở mức giá cao: Đất Khu đô thị Bắc, khu hành chính Núi Thành có giá 2,1 tỷ đồng/lô 125m2 đường 5,5m…

Thị trường BĐS nghỉ dưỡng ở Quảng Nam, Đà Nẵng đang có nhiều tín hiệu tích cực. Theo báo cáo của Savills, trong năm 2018, thị trường BĐS nghỉ dưỡng Việt Nam ghi nhận 16.800 phòng đi vào hoạt động, số liệu này chỉ bao gồm các dự án 4 và 5 sao tại 8 điểm đến: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Phú Quốc, Hạ Long, Quy Nhơn. Hiện nay, có đến 90% nguồn cung mới là các dự án tại Nha Trang, Đà Nẵng, Quảng Nam và Phú Quốc.

Ở TP Đà Nẵng, hơn một tháng nay, thị trường đất nền dự án cũng rơi vào tình trạng ế ẩm. Theo tìm hiểu, đất nền một số dự án tại đây rớt giá từ 200 - 300 triệu đồng/lô so với thời điểm “sốt đất” gần nhất. Sở dĩ giao dịch phân khúc này kém sôi động là vì mức giá hiện tại vẫn cao so với thực tế thị trường.
Trước đó, giá đất nền một số dự án ở Đà Nẵng tăng phi mã, một phần do “chiêu trò” của nhà phân phối và đội ngũ “cò” đất. Lấy ví dụ ở dự án Golden Hills, giữa năm 2018, đất khu A dao động từ 1,3 - 1,5 tỷ đồng/lô tùy theo vị trí. Còn ở thời điểm “sốt” vừa qua, giá đất tại đây đã tăng khoảng hơn 2 tỷ đồng mỗi lô (lên đến 3,3 - 3,5 tỷ đồng/lô tùy vị trí). Cá biệt, nhiều người “ôm” đất dự án nhưng phải trả lãi ngân hàng đã buộc phải giảm đến 500 triệu đồng/lô với mong muốn “xả hàng” càng nhanh càng tốt, nhưng vẫn khó bán.
Hạ nhiệt để bình ổn thị trường
Nhiều chuyên gia và nhà đầu tư BĐS cho rằng, sở dĩ thị trường đất nền Quảng Nam (đặc biệt là ở thị xã Điện Bàn) giảm nhiệt khiến giao dịch ảm đạm là do vừa trải qua đợt “sốt” giá bất thường. Cũng giống như thị trường Đà Nẵng, giá đất nền dự án ở Quảng Nam bị đẩy lên quá cao một phần do “chiêu trò” của đội ngũ môi giới, “cò” đất. Sau “cơn sốt”, các nhà đầu tư kiểu “lướt sóng” đã ôm đủ khoản lời và rút lui, để lại hậu quả cho những người “sập bẫy” và một bức tranh giao dịch ảm đạm.
Nguyên nhân tiếp theo do lùm xùm pháp lý giữa Công ty CP Bách Đạt An và đơn vị phân phối phát triển dự án. Sự việc kéo theo các dự án của nhà đầu tư Bách Đạt An bị UBND tỉnh Quảng Nam thanh tra toàn diện. Trong số này, có những dự án tại khu quy hoạch đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn) đang vướng những lùm xùm khiếu kiện của khách hàng vì không làm được sổ đỏ.
Bên cạnh đó, một đơn vị phát triển dự án BĐS lớn ở Đà Nẵng đang có nhiều quỹ đất tại Quảng Nam bị cơ quan chức năng xử phạt vì thi công trái phép một số hạng mục tại Khu biệt thự song lập (B3-1) - Dự án Khu đô thị số 6, cũng khiến khách hàng và giới đầu tư bất an, mất lòng tin nên chuyển hướng ra các thị trường khác.
Tại Đà Nẵng, nhằm bình ổn thị trường, chính quyền TP đã vào cuộc tích cực và kịp thời. Theo đó, các quận trên địa bàn Đà Nẵng đã tiến hành tháo dỡ hàng trăm ki ốt giao dịch BĐS xây dựng trái phép đã góp phần lập lại trật tự, ổn định tình hình. Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng đã có công văn chỉ đạo Công an TP và các đơn vị liên quan khẩn trương vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm những đối tượng “cò đất” tung tin thất thiệt, bịa đặt nhằm “thổi” giá đất.
Sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt của chính quyền TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam giúp thị trường BĐS địa phương giảm nhiệt. Đây là điều cần thiết bởi BĐS tại đây đã và đang trải qua thời kỳ phát triển bát nháo, phải có những động thái quyết liệt để bình ổn thị trường.