Gỡ “nút thắt” về Luật
Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) Hà Quang Hưng cho biết, trong năm 2020, nhiều thể chế, chính sách để đảm bảo tính đồng bộ, liên thông của hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư, xây dựng, kinh doanh BĐS đã được hoàn thiện, như: Luật Xây dựng 2020 có nội dung quan trong quy định cụ thể việc xác định "chủ đầu tư" dự án đầu tư xây dựng; tích hợp thẩm định “thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở” với thực hiện thủ tục cấp Giấy phép xây dựng; mở rộng các trường hợp không phải cấp phép xây dựng…; tăng cường phân cấp trong thực hiện thủ tục cấp Giấy phép xây dựng; đảm bảo thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật về đầu tư, đầu tư công và pháp luật về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Luật Đầu tư 2020 (kết hợp sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Bảo vệ môi trường) đã tạo sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư, công nhận chủ đầu tư.
Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ đầu năm 2020 Chính phủ và các Bộ ngành đã nhanh chóng ban hành nhiều cơ chế, chính sách giúp tháo gỡ khó khăn, phục hồi, phát triển nền kinh tế và lĩnh vực BĐS, như: Nghị quyết số 41/NQ-CP; Nghị quyết số 84/NQ-CP. Bộ Xây dựng đã nghiên cứu và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “An ninh kinh tế trong lĩnh vực nhà ở và thị trường BĐS đảm bảo an sinh xã hội”. Đề án Quản lý, phát triển quỹ nhà ở công vụ của Chính phủ giai đoạn 2021 - 2025...
“Cùng với đó là thực hiện công tác đôn đốc các địa phương báo cáo tình hình phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực kinh doanh BĐS; kiểm tra tình hình thực hiện dự án BĐS cao cấp, sử dụng nhiều diện tích đất tại các địa phương trọng điểm; đề xuất các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng đầu cơ, “thổi giá”, “làm giá” để lừa đảo, trục lợi; triển khai phần mềm sử dụng chung để kết nối, tích hợp, cập nhật số liệu, dữ liệu vào hệ thống thông tin nhà ở và thị trường BĐS” - ông Hà Quang Hưng cho hay.
Nhiều tín hiệu tích cực
Cũng theo ông Hà Quang Hưng, năm 2020 mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực của Covid-19 ngành xây dựng - BĐS vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng. Cụ thể, ngành xây dựng tăng 6,76%, đóng góp 0,5 điểm phần trăm; Ngành BĐS đóng góp khoảng 4,42% (nếu tính cả các đóng góp gián tiếp của các yếu tố vốn, đất đai, vật liệu, xây dựng… thì đóng góp của ngành BĐS còn cao hơn, khoảng 8 - 11%).
Trong năm, các Bộ ngành, địa phương đã triển khai hiểu quả các Chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp, hoàn thành đầu tư xây dựng khoảng hơn 5.210.000m2 nhà ở xã hội. Đối với dự án nhà ở thương mại, cả nước có 67 dự án với 16.257 căn hộ được cấp phép; 1.182 dự án với 197.934 căn hộ đang triển khai xây dựng; 44 dự án với 4.273 căn hộ hoàn thành. Thị trường BĐS trong năm 2020 không rơi vào trạng thái “trầm lắng”, “đóng băng” toàn diện mà chỉ giảm phát ở một số phân khúc như nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp, văn phòng cho thuê.
“Qua một năm 2020 với nhiều thách thức, nhưng với những tín hiệu, xu hướng hết sức tích cực của thị trường và toàn nền kinh tế, có thể nói thị trường BĐS đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất, để từng bước đứng vững, phục hồi. Từ đó sẽ tạo cơ sở, động lực tốt cho năm 2021 tiếp tục phát triển ổn định” - ông Hà Quang Hưng nhận định.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu cho rằng, các bộ luật sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1 năm nay, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Năm 2021 cũng đồng thời là năm kiểm soát hiệu quả Covid-19 khi vaccine đã được nghiên cứu thành công, nền kinh tế Việt Nam đang là điểm sáng.
“Sự thay đổi về luật sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia vào thị trường BĐS phân khúc nhà vừa túi tiền, trung cấp, giá cả hơp lý. Riêng đối với thị trường phía Nam, TP Thủ Đức, TP Phú Quốc được thành lập sẽ là cú hích cho thị trường” - ông Lê Hoàng Châu nhìn nhận.