70 năm giải phóng Thủ đô

Thị trường bất động sản: Dậy sóng những thương vụ M&A

Gia Anh
Chia sẻ Zalo

KInhtedothi - Thực ra, thị trường bất động sản (BĐS) không phải bây giờ mới dậy sóng bởi những thương vụ M&A (sáp nhập và mua lại) mà từng gây sốt từ năm 2014 bởi những cái tên Vingroup, Novaland, FLC Group, Him Lam hay Đất Xanh.

Thế nhưng, từ đầu năm 2017 đến nay, với sự xuất hiện liên tiếp của những thương vụ “sang tay đổi chủ” mới, thị trường BĐS càng trở nên sôi động.

Hàng loạt dự án đình đám

Theo thông tin từ Savills Việt Nam, từ đầu năm đến nay, hàng loạt các hợp tác giữa nhà đầu tư ngoại và nội cũng được xác lập một cách ấn tượng. Ví như: Hongkong Land đã chính thức trở thành đối tác chiến lược của Công ty CP Đầu tư hạ tầng Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh (CII) trong việc khai thác các dự án nhà ở trên quỹ đất nhận được tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm; Tập đoàn đầu tư An Gia và đối tác Creed Group đến từ Nhật đã tiếp tục “thâu tóm” 5 block căn hộ thuộc dự án La Casa quận 7 của tập đoàn Vạn Phát Hưng, với giá trị 910 tỷ đồng (tương đương khoảng 40 triệu USD). Một thương vụ M&A ở phân khúc BĐS nghỉ dưỡng cũng nổi đình nổi đám không kém đó là việc Berjaya Land (Malaysia) chuyển nhượng 70% cổ phần dự án BLong Beach Phú Quốc cho Sulyna Hospitality với giá trị thương vụ khoảng 14,65 triệu USD.

Khách hàng tìm hiểu thông tin mở bán dự án nhà ở tại Hội chợ Bất động sản 2017. Ảnh: Chiến Công

Đặc biệt, mới cách đây ít hôm, Công ty CP Đầu tư Nam Long (Nam Long) và hai nhà đầu tư hàng đầu Nhật Bản là Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad đã chính thức trở thành đối tác hợp tác phát triển dự án Mizuki Park với quy mô 26ha. Dự án tọa lạc trên trục đại lộ Nguyễn Văn Linh, gồm 4.676 căn hộ biệt lập Mizuki Park (dòng Flora), khoảng 170 nhà phố Valora Mizuki, biệt thự Valora Island và khu villa với hàng loạt các tiện ích đa dạng.

Trước đó, trong quí I/2017, những thương vụ đình đám của nhà phát triển BĐS Singapore là Keppel Land và tập đoàn CapitaLand cũng đã gây sự chú ý không ít của những người trong và ngoài giới. Trong đó, Keppel Land với việc chi 846 tỷ đồng (khoảng 37 triệu USD) để tăng cổ phần lên 16% trong dự án Saigon Centre từ đối tác Việt Nam là Tổng Công ty Đường sông Miền Nam; CapitaLand với việc mua lại khu đất dự án thương mại 0,6 ha ở trung tâm TP HCM để xây dựng dự án phức hợp quốc tế loại A đầu tiên tại Việt Nam. Dự án sẽ nhận giải ngân từ quỹ đầu tư 500 triệu USD nhắm tới các tài sản thương mại ở Việt Nam, được triển khai bởi nhà phát triển Singapore vào tháng 11 năm ngoái.

Bên cạnh đó, CapitaLand còn gây ấn tượng bởi công bố việc mua lại 90% cổ phần của một dự án rộng 0,8ha ở Thảo Điền - một trong những khu dân cư được ưa chuộng nhất tại TP Hồ Chí Minh, để phát triển hơn 300 căn hộ. Động thái này thể hiện chiến lược mở rộng phát triển mảng nhà ở tại Việt Nam của DN.

Hậu câu chuyện M&A

Theo các chuyên gia kinh tế, câu chuyện M&A dự án 6 tháng đầu năm 2017 đã thực sự làm dậy sóng thị trường BĐS, không chỉ là hồi sinh những dự án “trùm mền”, giúp DN mua lại tiết kiệm được rất nhiều thời gian trong việc hoàn thành các thủ tục pháp lý, cũng như giải quyết những vấn đề liên quan đến đền bù và giải tỏa mặt bằng, mà còn góp phần tạo nên những con sóng cổ phiếu BĐS trên sàn chứng khoán niêm yết. Nhiều cổ phiếu BĐS tăng mạnh, thậm chí gấp 3 - 4 lần kể từ đầu năm nhờ những thông tin về kết quả kinh doanh quý I đột biến, hoặc liên quan đến việc chuyển nhượng dự án.

Chẳng hạn, thời gian gần đây, cổ phiếu QCG của Công ty CP Quốc Cường Gia Lai liên tục tăng từ mức 4.300 đồng/CP đầu tháng 3, đã lên mức trên 21.200 đồng/CP tuần thứ 2 của tháng 6 vừa qua, tương đương mức tăng gấp gần 4 lần. Một trong những nguyên nhân khiến cổ phiếu QCG tăng phi mã xuất phát từ câu chuyện được đề cập trong Báo cáo tài chính hợp nhất 2016 đã kiểm toán của DN này về việc đã nhận 50 triệu USD tiền đặt cọc để chuyển nhượng 100% quyền sở hữu tại dự án Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM cho Công ty CP Đầu tư Sunny Island.

“TP Hồ Chí Minh với dân số khoảng 13 triệu dân, về cơ bản thị trường sẽ còn nhiều tiềm năng để phát triển. Tuy nhiên, trong bối cảnh đất chật, người đông, quỹ đất để phát triển các dự án ngày càng thu hẹp, do vậy, DN nào nắm giữ được càng nhiều quỹ đất, sẽ càng có nhiều cơ hội để phát triển. Và câu chuyện M&A dự án BĐS đang trở thành xu hướng lựa chọn của các DN địa ốc trong chiến lược phát triển nhanh các dự án.” - ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh nhận định.

Cơ hội cho nhà đầu tư ngoại

Đó là nhận định của ông Stephen Wyatt - Tổng Giám đốc Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị trong cuộc trao đổi mới đây xung quanh vấn đề M&A. Theo ông Stephen Wyatt, hình thức M&A bất động sản (BĐS) mua đứt bán đoạn hay “góp gạo thổi cơm chung” vẫn hết sức sôi động. Dòng vốn dồi dào và nhu cầu lớn đã tạo điều kiện cho các dự án "trùm mền" cơ hội hồi sinh, dự án chậm tiến độ được bơm thêm "máu".

Ông đánh giá thế nào về tình hình M&A trong lĩnh vực BĐS nửa đầu năm 2017 tại Việt Nam?

- Tuy không có thương vụ nào trị giá tỷ USD, nhưng lĩnh vực BĐS vẫn nóng nhất của thị trường M&A, với sự tham gia mạnh mẽ của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore. Một số thương vụ điển hình có thể kể đến như việc tập đoàn Mường Thanh chịu chi 1.500 tỷ đồng để mua lại 95% cổ phần của Cienco5 Land. Gamuda Land giao dịch thành công phần vốn của các nhà đầu tư nội trong dự án Celadon City – Hà Nội, CapitaLand với việc mua lại khu đất dự án thương mại 0,6 ha ở trung tâm TP Hồ Chí Minh để xây dựng dự án phức hợp quốc tế loại A đầu tiên tại Việt Nam...

Theo ông, nguyên nhân nào khiến hoạt động M&A năm nay sẽ nhắm vào thị trường BĐS?

- Bởi sự quan tâm của giới đầu tư vào thị trường Việt Nam vẫn tiếp tục lên cao. Thậm chí, có hàng triệu USD ngấp nghé săn tìm cơ hội gia nhập thị trường địa ốc tiềm năng của Việt Nam

Trong điều kiện nguồn vốn ở Việt Nam đắt đỏ, thì Nhật Bản, Singapore, Malaysia… có nguồn vốn rẻ hơn và kiên nhẫn hơn. Trong thời gian này, BĐS lại đang ngày càng giảm giá, nên tôi nghĩ M&A lĩnh vực này sẽ diễn ra tương đối sôi động. Nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào BĐS rất lớn. Tuy vậy, hiện ngành BĐS vẫn bị vướng hạ tầng. Hạ tầng của chúng ta chưa theo kịp tốc độ phát triển, khiến cho nhà đầu tư nước ngoài e ngại.

Hiện tại cũng đang có xu hướng các công ty quản lý quỹ mở quỹ đầu tư BĐS. Nhiều nhà đầu tư vẫn đánh giá ngành BĐS có tiềm năng lâu dài, trong khi sắp tới sẽ có các đợt giảm giá nữa, có nhiều cơ hội cho họ. Trước đây, nhà đầu tư nước ngoài khó tiếp cận với các khu đất tốt, nhưng năm 2017 khu đất này được mang ra chào, nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận nhiều. Vì vậy, thị trường BĐS Việt Nam hiện là cơ hội của nhà đầu tư nước ngoài, nhất là khi họ có cả vốn, công nghệ và kỹ năng.

Xin cảm ơn ông!

Đức Dinh (thực hiện)