Thị trường bất động sản: Giảm nhiệt nhưng vẫn hút khách

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Bước vào quý 4 năm 2009, các ngân hàng đã thắt chặt “hầu bao” đối với những khoản vay thuộc lĩnh vực bất động sản (BĐS). Tuy giới đầu cơ hiện đã hết cơ hội “lướt sóng” nhưng BĐS vẫn là lực hút mạnh trên thị trường.

KTĐT - Bước vào quý 4 năm 2009, các ngân hàng đã thắt chặt “hầu bao” đối với những khoản vay thuộc lĩnh vực bất động sản (BĐS). Tuy giới đầu cơ hiện đã hết cơ hội “lướt sóng” nhưng BĐS vẫn là lực hút mạnh trên thị trường.

 Hết cơ hội “lướt sóng”

Gần tháng trở lại đây, thị trường BĐS đã bắt đầu chững lại, không sốt như những tháng trở về trước. Nhiều nơi tháng trước còn sốt cao nay đã giảm mạnh.

Điển hình như dự án tại quận Hà Đông do Tập đoàn Nam Cường làm chủ đầu tư. Cách đây vài tuần, khách hàng chen nhau đến để rút thăm giành quyền được mua nhà thì nay rất nhiều khách hàng chấp nhận bán với giá không chênh lệnh.

Anh Mạnh Công, ở Linh Đàm cho biết: “Tháng trước, tôi mua lại thăm quyền mua căn hộ tại dự án xây dựng khu chưng cư Lê Văn Lương Residentials với giá 80 triệu/1 thăm, thế mà mới đây, tôi thấy rao bán lại không cần chênh lệch. Tôi gọi điện hỏi thì được biết chỉ cần trả nguyên giá gốc (tiền đặt cọc) và thêm vài triệu đồng tiền hoa hồng môi giới  mà thôi…”.

Một số khu vực khác như bắc An Khánh hiện đã giảm nhiệt, giá dao động khoảng trên dưới 20 triệu đồng/m2, nhưng vào những tháng trước, đất khu vực này được “hét” giá lên tới 38 triệu/m2.

Một số doanh nghiệp cho rằng, giá BĐS đã chững lại do dòng tiền đổ vào BĐS không còn. Vào cuối năm, các ngân hàng đã siết chặt lại khoản vay liên quan tới lĩnh vực BĐS,không dễ dàng vay như đầu năm. Từ tháng 12/2009, lãi suất cho vay tại các ngân hàng thương mại tăng cao ở mức 11-12%/năm. Bên cạnh đó, những khoản vay trước đã đến kỳ đáo hạn, buộc những nhà đầu tư phải “xả hàng” để có tiền trả ngân hàng.

Ông Thanh Diệp - Giám đốc Trung tâm giao dịch bất động sản SUDICO cho rằng: BĐS chững lại vì giới đầu cơ không còn dòng tiền để đầu tư kiểu ngắn hạn. Hiện chỉ còn dòng tiền cố định đầu tư dài hạn chứ không còn “lướt sóng” được như những tháng vừa qua.

Vẫn hút khách

Tuy BĐS đã chững lại nhưng nhu cầu mua vẫn rất lớn, nhất là với những dự án của một số chủ đầu tư có uy tín trên thị trường và những vùng được quy hoạch tốt.

Theo ông Thanh Diệp: “Hiện nay, dự án khu vực Nam An Khánh giai đoạn 2, chủ đầu tư đang tiếp tục hoàn thiện thành một khu đô thị hoàn chỉnh. Dù chưa công bố bán giá chính thức nhưng đã có rất nhiều khách hàng đăng ký tại trung tâm giao dịch để chờ được mua nhà ...”.

Một số nhà đầu tư BĐS giải thích,những chủ đầu tư có hoạt động kinh doanh tốt, triển khai các dự án trước đó đúng tiến độ, đảm bảo quyền lợi của người tham gia góp vốn trên hợp đồng góp vốn thì những dự án tiếp theo luôn được các nhà đầu tư tham gia góp vốn nhiều. Bên cạnh đó, thị trường BĐS hiện được xem là ít rủi ro hơn là đầu tư vào chứng khoán, vàng. Với những người có vốn thì họ sẽ rút tiền VNĐ khỏi ngân hàng để đầu tư vào BĐS, nhằm bảo toàn đồng tiền không mất giá hiện tại mà vẫn sinh lời trong tương lai...

Một số khu vực khác hiện vẫn thu hút khách hàng như khu vực Bắc Thăng Long, khu vực Xa La-Hà Đông, Phú Thượng (Nam Thăng Long)…

Đất dự án khu vực Bắc Thăng Long đang thu hút ở mức giá rẻ, ví dụ như dự án của Tổng công ty xây dựng Cenco 5 có giá trung bình khoảng 7-8 triệu đồng /m2, khu đất có hướng tốt, vị trí đẹp được bán khoảng trên dưới 10 triệu/m2.

Một nhà đầu tư mua đất nền phía Bắc Thăng Long cho biết: Tôi quyết định mua vì được biết quy hoạch xây dựng của Hà Nội tới năm 2030, trong đó đô thị lõi sẽ mở rộng tới khu vực này. Theo tôi lúc này chủ yếu là đầu tư trung và dài hạn, còn đầu tư ngắn hạn là hơi khó…

Khu vực nhà chung cư Xa La- Hà Đông vẫn chắc giá ở mức dưới 18 triệu/m2.

Khu vực Hoàng Quốc Việt kéo dài, khu Phú Thượng giá nhà chung cư được rao bán trên thị trường khoảng 15 triệu đồng/m2, hợp đồng góp vốn đến năm 2011 giao nhà.

Trung tâm giao dịch BĐS thuộc xí nghiệp xây dựng số 1-Tập đoàn khách sạn Mường thanh cho biết, có dự án tuy chưa công bố bán ra nhưng hiện đã có rất nhiều khách hàng đăng ký chờ mua. Ngoài ra những căn hộ Pen house (tầng trên cùng của các tòa chung cư cao tầng) luôn đắt khách dù được bán với giá cao.

Thận trọng với kiểu “sốt” tin của “cò” nhà đất

Hiện nay vẫn diễn ra tình trạng, “cò” đất đi rao giá BĐS trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thậm chí có nơi chủ đầu tư chưa chính thức có giá bán, chưa công bố bán nhưng đã thấy rao bán đầy trên báo và Internet.

Trung tâm giao dịch BĐS SUDICO cho biết, khu Nam An Khánh giai đoạn 2 hiện vẫn chưa chính thức công bố giá bán nhưng trên thị trường vẫn được rao bán trung bình từ 26 -27 triệu đồng/mét vuông, có thời điểm (tháng trước ) lên tới 35 triệu/mét đất.

Nhiều trường hợp khách hàng có hợp đồng mua BĐS dù không có nhu cầu mua bán nhưng cũng bị đưa rao đang cần bán BĐS, đến khi quá nhiều người gọi điện hỏi mua mới biết.

Anh Hoàng Cương ở phường Bách Khoa phàn nàn: “Tôi ký hợp đồng góp vốn mua một căn hộ thuộc dự án khu Xa La Hà Đông, không hiểu sao mấy ngày qua liên tục có người gọi đến hỏi mua căn hộ, mặc dù tôi không hề rao bán . Tôi đã thử gọi đến 1 số máy có rao bán BĐS và nhận được câu trả lời là đã bán với giá cao rồi. Theo tôi hiểu, đây là cách làm nóng sốt các thông tin BĐS của một số văn phòng giao dịch BĐS...”.

Chị Thanh Duyên ở Cầu Giấy cho biết: “ Tôi có một hợp đồng góp vốn khu vực Bắc An Khánh nhưng không rao bán, vậy mà rất nhiều người gọi đến hỏi mua vì đã đọc tin rao bán trên mạng…”

Theo anh Mạnh Tuấn, Trung tâm giao dịch BĐS SUDICO, hiện thị trường BĐS khá lộn nhộn, nếu khách hàng không có nhiều kinh nghiệm thì nên vào tham khảo hoặc nghe tư vấn của các trung tâm giao dịch BĐS lớn, có uy tín. Tuy nhiên, hiện nay nhiều khách hàng vẫn chưa quen với việc đi mua BĐS qua sàn giao dịch.

Thực tế tại các sàn giao dịch BĐS thuộc những công ty lớn hiện hoạt động có tính chuyên nghiệp hơn. Khi khách hàng đến đặt vấn đề tìm BĐS thì trách nhiệm của sàn giao dịch đối với khách hàng là xuyên suốt cả quá trình từ khi tìm mua cho đến hoàn thiện thủ tục pháp lý BĐS…thậm chí khách hàng đến giao dịch không mất phí tư vấn hay tham khảo các thông tin BĐS.

Anh Tuấn lí giải, nhiều người nghĩ rằng đến sàn giao dịch là bị thiệt nên khá e dè , việc này một phần do ảnh hưởng tiếng xấu của một vài văn phòng tư vấn, giao dịch BĐS nhỏ lẻ. Trước đây đã có nhiều  văn phòng nhà đất cứ dẫn đi xem nhà, xem đất là thu tiền, thậm chí khách hàng mất tiền mà vẫn chưa mua được nhà, đất theo ý muốn.Hay, mới vào để hỏi thông tin là đã phải ký ngay vào một bản hợp đồng tư vấn để trả phí thông tin tư vấn nhà đất…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần