KTĐT - Theo nhiều nguồn tin, "Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050" có thể sẽ được phê duyệt trong quý I/2011. Vì vậy, nhiều khả năng thời gian tới thị trường bất động sản (BĐS) Hà Nội sôi động hơn những tháng cuối năm 2010, tuy nhiên, sẽ không xảy ra "sốt giá" mạnh.
"Điểm nóng" phía Tây
Có thể khẳng định ngay rằng, "điểm nóng" của thị trường BĐS Hà Nội vẫn rơi vào khu vực phía Tây - nơi vừa có quỹ đất lớn, vừa có tốc độ đô thị hóa mạnh nhất.
Theo Bộ Xây dựng, tuyến đường Ba Vì - Hồ Tây sẽ là tuyến giao thông huyết mạch, vừa đóng vai trò là trục giao thông chính, vừa là hành lang hạ tầng kỹ thuật chính, hỗ trợ phát triển các vùng phía Tây Bắc Hà Nội như Hoà Lạc, Sơn Tây, Ba Vì, khu vực Nam Vĩnh Phúc, Phú Thọ. Trên trục đường này sẽ xây dựng một số công trình kiến trúc văn hóa, lịch sử, giải trí tầm cỡ quốc gia và quốc tế, có đài Độc Lập và hệ thống công viên cảnh quan...
Theo dự thảo Đồ án, thủ đô Hà Nội được xây dựng phát triển bền vững theo mô hình chùm đô thị, gồm: đô thị hạt nhân trung tâm kết nối với 5 đô thị vệ tinh và các thị trấn thuộc khu vực nông thôn. Đô thị trung tâm hạt nhân (hay đô thị lõi) sẽ bao gồm cả hai phía tả và hữu sông Hồng, được quy hoạch trở thành trung tâm chính trị, văn hóa, lịch sử, dịch vụ, y tế, đào tạo chất lượng cao của TP. Hà Nội và cả nước.
Dự báo đến năm 2030, dân số đô thị lõi vào khoảng 4 - 4,6 triệu người. Các đô thị vệ tinh gồm: Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên - Phú Minh và Sóc Sơn, dự báo dân số khoảng 1,3 - 1,4 triệu người. Các đô thị này sẽ mang những chức năng đặc thù riêng để phát triển và hỗ trợ, chia sẻ với đô thị trung tâm hạt nhân về nhà ở, đào tạo chất lượng cao, công nghiệp, dịch vụ...
"Sóng nổi" ở phân khúc nhà, đất có giá trung bình
Thực tế, trong những năm qua, đối với thị trường BĐS, bên cạnh những tác động tích cực từ những chính sách, thì vẫn có nhiều quy định chưa có tính thực thi, chưa khuyến khích các chủ thể tham gia vào phát triển nhà ở, dẫn đến quan hệ cung - cầu trên thị trường mất cân đối, sự thiếu hụt nguồn cung là một phần của "đòn bẩy" giúp BĐS tăng giá quá cao.
Rõ ràng, tại các đô thị lớn, ví như Hà Nội, cho đến nay, nguồn cung về nhà ở có giá thấp và trung bình còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Một trong những nguyên nhân được lãnh đạo Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) chỉ ra là, do thời quan qua, chưa có chính sách riêng về đầu tư xây dựng nhà ở để cho thuê nên chưa có một quỹ nhà ở để cho thuê. Từ thực tế này và những diễn biến của thị trường trong 2 năm qua, cũng như việc thành công từ các dự án nhà ở giá trung bình, đặc biệt là nhà ở cho người thu nhập thấp, nhiều nhà kinh doanh đã chuyển hướng sang đầu tư phân khúc nhà ở trung bình và giá thấp.
Ông Peter Ryder - Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Indochina Capital cũng tiết lộ, trong năm 2011, tập đoàn này sẽ bắt đầu hướng vào đầu tư phân khúc nhà bình dân thay vì chỉ tập trung vào phân khúc cao cấp như những năm trước.
Với những tín hiệu khả quan từ nền kinh tế, từ thị trường, đặc biệt Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô sẽ được phê duyệt trong quý I này, nhiều chuyên gia nhận định, trong năm 2011, thị trường BĐS Hà Nội có nhiều tín hiệu lạc quan. Phân khúc nhà, đất có giá trung bình sẽ được nhiều khách hàng chọn lựa.
Cùng chung nhận định với nhiều chuyên gia, ông Marc Townsend - Tổng giám đốc CBRE Vietnam cũng cho rằng, khi Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thị trường BĐS, nhất là khu vực phía Tây sẽ có những tín hiệu tích cực, tuy nhiên, sẽ khó tạo nên được những cơn sốt nóng như trong quý I/2010. "Kênh đầu tư BĐS vẫn luôn đem lại nguồn lợi nhuận cao và an toàn nếu nhà đầu tư khôn ngoan trong quyết định của mình. Các nhà đầu tư nên đầu tư theo đúng nhu cầu thật và đầu tư vào những khu vực có tương lai phát triển không xa, cơ sở hạ tầng, xã hội đồng bộ và hiện đại. Không nên đầu tư theo xu thế đám đông, bởi BĐS không phải thời điểm nào cũng mang lại lợi nhuận, nếu không tỉnh táo và lao vào vòng xoáy thì rất dễ nhận rủi ro" - ông Marc Townsend khuyến cáo.