Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường bất động sản Hà Nội: Sự thật bị đảo chiều

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trận mưa to đầu mùa Hè 2016 tại Hà Nội đã cho thấy một nghịch lý, trong khi phần lớn các khu đô thị, đường phố cũ nội đô không bị ảnh hưởng nhiều thì hầu hết các chung cư, khu đô thị mới lại bị ngập nặng.

Vì thế mà nhiều chuyên gia cho rằng, ảnh hưởng tích cực duy nhất của trận ngập này chính là xóa sạch những lời quảng cáo “có cánh” về lợi thế về hạ tầng của nhiều dự án. Từ đó giúp người mua nhà có cái nhìn khách quan hơn khi quyết định xuống tiền.

Vị trí đắc địa cũng ngập

Cơn mưa đêm 24/5, mới chỉ là trận mưa đầu mùa nhưng đã khiến nhiều dự án được kêu là “đắc địa” cũng bị ngập trong nước. Đơn cử, dự án EcoLife Capitol được xây dựng trên khu đất có diện tích trên 1ha, nằm trong khu vực được quy hoạch và đầu tư xây dựng hạ tầng thuộc phường Mễ Trì và phường Trung Văn (Nam Từ Liêm).
Khách hàng tìm mua nhà ở tại một dự án trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Khách hàng tìm mua nhà ở tại một dự án trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Theo chủ đầu tư - Công ty CP Thương mại Thủ Đô (Thudo Invest), đây là một dự án xanh thiết kế hiện đại, vị trí đắc địa, thuận tiện đi lại. Thế nhưng, trận mưa vừa qua đã chứng minh mọi thứ ngược lại với thông tin quảng cáo. Khu vực phía trước dự án EcoLife Capitol ngập sâu gần 1m, giao thông tê liệt, ùn tắc cục bộ nhiều giờ. Nhìn cảnh ấy, nhiều khách hàng đã tự định hình lại nhận thức của bản thân. Chị H. dự định mua căn hộ tại EcoLife Capitol chia sẻ: “Lúc đầu tôi tính mua nhà tại đây do thấy vị trí khá đẹp, các con đường phía trước được đổ nhựa rộng rãi nên yên tâm. Thế mà chỉ sau một trận mưa dự án đã biến thành ốc đảo, đi lại khó khăn. Cũng may là tôi chưa xuống tiền đặt cọc cho môi giới”.

Tại dự án Gemek Premium và Gemek Tower tọa lạc ngay lô A13 – HH1, Khu đô thị mới Lê Trọng Tấn, huyện Hoài Đức do Công ty CP Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội – Geleximco làm chủ đầu tư cũng chung số phận. Hai dự án vốn được truyền thông quảng bá như TP mới của Thủ đô, kết nối thuận tiện với trung tâm bởi những tuyến đường thông thoáng của Đại lộ Thăng Long, Lê Trọng Tấn. Tuy nhiên, “gió đảo chiều” khi nhiều khách hàng chứng kiến cảnh ngập lụt ngay trước dự án chỉ sau một cơn mưa. Đáng chú ý tình trạng này kéo dài đã khiến nhiều người phải hủy hết công việc bởi không thể đi lại.

Tòa T1, T2 Thăng Long Victory (Khu đô thị An Khánh, Hoài Đức) cũng không ngoại lệ. Đại Lộ Thăng Long ngay đoạn qua khu chung cư Thăng Long Victory ngập đến nửa xe máy, rất nhiều người đã phải đi vòng vào trong Khu đô thị Nam An Khánh nhưng tình hình cũng không khả quan.

Tìm nửa sự thật còn lại
Nhà đầu tư ăn xổi chỉ quan tâm đến lợi nhuận nên không tính đến kịch bản ngập lụt nặng xảy ra. Thị trường căn hộ sẽ chịu những tác động nhất định do khách hàng có thể trì hoãn các kế hoạch mua – bán. Rất khó để dự đoán quá trình này diễn ra bao lâu, nhưng trong dài hạn chắc chắn chủ đầu tư nào chú ý đến các biện pháp phòng chống lũ của dự án thì sẽ gia tăng sức mua.

Giám đốc Nghiên cứu và tư vấn CBRE Việt Nam Dương Thùy Dung

“Chuyện ngập lụt là yếu tố khách quan nằm ngoài dự đoán của các DN BĐS. Tuy nhiên , hiều DN cũng cố tình che khuyết điểm đó. Vì lẽ đó người mua nhà cần tỉnh toán để đánh giá đúng hạn chế của một dự án. Đầu tiên của vấn đề mua nhà là yếu tố vị trí. Và đặt câu hỏi khu vực đó có khả năng ngập lụt ở những vị trí nào thì tránh mua" - ông Phạm Sỹ Liêm – Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhận định. Thực tế, nhiều dự án chung cư, khu đô thị mới đang mọc lên như nấm, trong đó có không ít chung cư nằm trong “ngõ nhỏ, phố nhỏ” thường xuyên ngập úng khi mưa lớn. Dù vậy phần giới thiệu thông tin dự án đều rất sáng sủa, không soi xét kỹ, người mua hoàn toàn có thể bị lạc vào ma trận thông tin “ảo”. Anh Quang, môi giới BĐS lâu năm cho biết, đang chăm sóc một khách hàng có ý định mua căn hộ tại một dự án nằm trên trục đường Lê Văn Lương. Tuy nhiên, vị khách đã từ bỏ ý định trước cảnh tượng ngập lụt của dự án thời gian qua.

Đợt mưa vừa rồi là kinh nghiệm lớn để người mua nhà tìm hiểu kỹ tình trạng dự án. Tất nhiên nên gửi gắm niềm tin đối với chủ đầu tư có thương hiệu. Bởi lẽ, chủ đầu tư nghiêm túc thì không “ăn bớt” độ san nền mà còn tính kỹ cao trình mặt nền, mực nước lụt cao nhất của khu đấy là bao nhiêu, giải pháp thoát nước thế nào để có căn cứ san nền, bảo đảm quyền lợi của dân. Trường hợp chủ đầu tư “mới chào sân” thì nên khảo sát ý kiến của dân gốc tại khu vực để biết rõ về mức độ ngập nước khi mưa lớn.

Với diễn biến tình hình mưa bão ngày càng phức tạp, chắc chắn BĐS tại những vị trí thấp, hạ tầng thoát nước kém sẽ trở nên rất rẻ. Tất nhiên các chủ đầu tư đã lựa chọn khu vực ấy thì phải tự “cứu” mình. Điều quan trọng là đề xuất, thậm chí là đóng góp tiền để cùng với TP cải tạo hệ thống thoát nước cho hiệu quả. Lúc đó mới có hy vọng tạo lại được giá trị mà chủ đầu tư dự tính trước đây.
Chuyên gia nhận định

Đặt ra độ cao chuẩn

Thị trường bất động sản Hà Nội: Sự thật bị đảo chiều - Ảnh 1Trao đổi với báo chí, chuyên gia BĐS Nguyễn Thành Tiến cho biết, tình trạng úng ngập các tuyến phố không phải lần đầu tiên tại Hà Nội. Với hệ thống thoát nước chưa thực sự đồng bộ và chưa đi vào ổn định thì thời gian tới hiện tượng ngập lụt trong mùa mưa vẫn xảy ra khá thường xuyên ở khu vực Mỹ Đình, Bắc Từ Liêm, Lê Văn Lương, Đại Lộ Thăng Long… Do đó, tại các chung cư, khu đô thị mới, khi khách hàng quyết định mua ngoài việc xem xét đến các yếu tố chất lượng công trình còn cần lưu ý đến sự đồng bộ của cơ sở hạ tầng, trong đó có hệ thống thoát nước. Thêm tiêu chí không ngập lụt khi mua nhà, khách hàng có thể lựa chọn những dự án ở vị trí cao, gần hồ, giao thông thuận lợi. Việc đặt ra một độ cao chuẩn của TP để các công trình xây dựng phải có nền cao hơn độ cao đó, bảo đảm tránh được ngập lụt kể cả khi gặp phải trường hợp xấu nhất cũng hết sức cần thiết.
Gia Tuấn