Thị trường không thiếu vốn
Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tỷ trọng nguồn vốn rót vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản hiện đứng thứ hai, chiếm gần 30% tổng dư lượng đầu tư nước ngoài (FDI) đầu tư vào Việt Nam. Nhiều chuyên gia nhận định, việc bất động sản Việt Nam hút được đầu tư nước ngoài được kỳ vọng sẽ giúp chuẩn hóa thị trường bất động sản Việt Nam.
PGS.TS Trần Kim Chung – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứ Quản ly kinh tế Trung ương cho biết, thị trường BĐS Việt Nam đang ở trong giai đoạn chuyển đổi cấp độ phát triển 2018 – 2021, đang chập chững bước sang giai đoạn tài chính hóa, bỏ qua giai đoạn tiền tệ hóa.
“Năm nay Nhà nước đã phát hành 120.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, đây là luồng tiền phái sinh quan trọng cho thị trường BĐS; M&A và hệ thống chứng khoán của các công ty BĐS, kinh doanh BĐS khu công nghiệp hạ tầng rất thịnh vượng” – PGS Trần Kim Chung cho hay.
Cùng quan điểm, chuyên gia tài chính TS Cấn Văn Lực cho biết, trong năm 2019 tỷ lệ vốn vay ngân hàng cho các hoạt động liên quan đến BĐS, như: mua nhà, sửa chữa, xây nhà đạt con số trên 300 nghìn tỷ đồng, tăng 15%; trong khi đó nguồn vốn từ các nguồn khác, như: trái phiếu, vốn FDI, vốn tín dụng và các nguồn khác đạt mức khoảng 240 nghìn tỷ đồng.
“Như vậy, nguồn tài chính cho BĐS vẫn ở mức tương đối lớn, thị trường BĐS không lo thiếu vốn” – TS Cấn Văn Lực nhìn nhận.
Cần sớm tháo gỡ cơ chế
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội BĐS Việt Nam, nguồn cung BĐS đã giảm đáng kể trong thời gian vừa qua. Nguồn cung căn hộ thị trường TP Hồ Chí Minh giảm 52%, còn tại Hà Nội giảm 24%, đã làm đẩy giá lên. Như ở thị trường bất động sản tại Hà Nội giá tăng 8%, còn ở TP Hồ Chí Minh tăng 12%.
Về vấn đề này, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, có 3 yếu tố chính ảnh hưởng đến thị trường bất động sản là kinh tế, pháp lý và chính trị. Về kinh tế thì thuận lợi quá rồi, kinh tế vẫn đi lên. Về pháp lý, tưởng là đã hoàn thiện hệ thống pháp lý rồi thì mới giật mình thấy các luật chồng chéo, về đất đai, về bất động sản, về condotel… đây là nguy cơ lớn về lâu dài. “Tôi cho rằng năm 2020 về kinh tế vẫn tốt, pháp lý thì chưa có gì sáng sủa, vì vậy Nhà nước cần phải sớm có sự thảo gỡ về cơ chế, nhất là vấn đề liên quan đến pháp lý của các dự án để cho DN triển khai” – luật sư Trương Thanh Đức nhận định.
Theo đánh giá chung của các chuyên gia, nửa đầu năm 2020 thị trường BĐS sẽ tiếp tục gặp những khó khăn nhất định do những vấn đề liên quan đến cơ chế, việc chậm tiến độ cấp phép mới các dự án cũng phần nào ảnh hưởng đến nguồn cung mới của sản phẩm. Về phía các doanh nghiệp thì đều nhận định rằng, nguồn vốn đầu tư rất quan trọng, nhưng vướng mắc nhất đối với DN lúc này không phải vốn.
Tại diễn đàn, các chuyên gia cũng đã đưa ra những nhận định, đánh giá tổng quan về thị trường BĐS trong năm 2020, theo đó phân khúc BĐS vẫn được tập trung phát triển trong năm tới đó là đất nền và sản phẩm nhà chung cư. Đối với sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, năm 2020 sẽ tạm thời lắng xuống sau sự cố của Cocobay Đà Nẵng, nhưng đều lạc quan thị trường sẽ sôi động trở lại nếu Nhà nước sớm “khơi thông” về các cơ chế.