Thị trường “bấp bênh”
Số liệu báo cáo từ Hội môi giới BĐS Việt Nam cho thấy, tình hình phát triển dự án BĐS ở khu vực phía Nam từ đầu năm đến nay tiếp tục gặp nhiều khó khăn.
Tại thị trường TP Hồ Chí Minh, ngoài đại dự án đô thị ở quận 9, một số dự án nhà ở khác đã cơ bản hoàn thành thủ tục thì rải rác dần được cấp giấy phép xây dựng, và đủ điều kiện bán sản phẩm trong năm 2019 và 2020. Tuy nhiên, hầu hết chủ đầu tư các dự án này đều phải lách luật bán sản phẩm trước theo kiểu đặt cọc hoặc ký quỹ đảm bảo thực hiện mua bán sản phẩm… để đáp ứng nhu cầu rất cao của thị trường địa phương. Vì vậy, mặc dù số lượng sản phẩm chào bán trong kỳ cao nhưng phần lớn các sản phẩm này đã được hấp thụ từ trước, sản phẩm thực tế còn bán trên thị trường rất ít.
Giá bán tăng cao khiến nhiều nhà đầu tư khu vực phía Nam có xu hướng dịch chuyển ra phía Bắc (Ảnh internet). |
Về giá bán do khan hiếm nguồn hàng trong bối cảnh lượng cầu rất cao, dẫn đến giá căn hộ tại TP này tăng vọt và tỷ lệ hấp thụ luôn ở mức cao. Do khan hiếm nguồn hàng dự án nên nhiều nhà đầu tư phải tìm đến đất nền nên tại các huyện ven đô. Tạo ra sự tăng giá mạnh cho đất đai tại một số huyện như: Bình Chánh, Gò Vấp, Củ Chi… Giá dao động từ 30 - 50 triệu đồng (tăng từ 10 - 15%).
“Trong khoảng thời gian 2 năm trở lại đây, TP Hồ Chí Minh gần như không có dự án mới được phê duyệt. Các dự án đô thị và nhà ở tại địa phương đã được phê duyệt chủ trương đầu tư từ giai đoạn trước cũng gặp cực kỳ nhiều khó khăn trong phê duyệt ở tất cả các khâu, như quy hoạch, cấp phép xây dựng, đủ điều kiện tham gia thị trường...” – Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho hay.
Hà Nội sở hữu các yếu tố thuận lợi
Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, Savills Hà Nội Đỗ Thị Thu Hằng cho biết, không chỉ các chủ đầu tư đến từ TP Hồ Chí Minh có mong muốn rót vốn vào Hà Nội mà các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang dành sự quan tâm đặc biệt với thị trường này.
Hiện tượng này là dễ hiểu bởi có 3 yếu tố chính khiến Hà Nội trở thành một thị trường tiềm năng: Thứ nhất, pháp lý là một trong những yếu tố khiến các nhà đầu tư yên tâm; Thứ hai, các nhà đầu tư TP Hồ Chí Minh và nước ngoài mong muốn mang lại một làn gió mới, xu hướng phát triển mới cho thị trường Hà Nội, tạo sự cạnh tranh trực tiếp với các chủ đầu tư Hà Nội. Những năm gần đây, dù các chủ đầu tư Hà Nội đã bắt đầu chú trọng đến việc phát triển điều kiện hạ tầng, tiện ích, dịch vụ và cải thiện quy trình bàn giao; Thứ ba, bản thân các chủ đầu tư có đủ khả năng và năng lực để kết hợp với các nhà đầu tư tạo ra các sản phẩm vừa túi tiền.
Đồng quan điểm, chuyên gia môi giới BĐS Trần Quốc Việt cho rằng, thị trường BĐS khu vực phía Nam đang có sự “bất ổn”, phát triển theo kiểu xôi đỗ. Nếu như tại TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương thị trường luôn trong tình trạng “nóng” thì nhiều khu vực được đánh giá là tiềm năng trong thời gian gần đây, như Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Thuận… lại đang bị tắc nghẽn thanh khoản.
“Điều đáng nói là ở các khu vực đang được xem là phát triển nóng, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh, giá BĐS đã được đẩy lên quá cao, vượt quá khả năng tài chính của đại bộ phận người dân, tính thanh khoản của thị trường thấp. Vì vậy, nhiều nhà đầu tư đã có xu hướng dịch chuyển ra khu vực phía Bắc. Ngoài ra, rất nhiều nhà đầu tư ở khu vực phía Nam đều đến từ Hà Nội và phía Bắc, nên giai đoạn hiện nay, khi miền Bắc được đẩy mạnh hạ tầng thì nhà đầu tư trở lại thị trường này cũng là điều dễ hiểu” – ông Trần Quốc Việt nhìn nhận.