Thị trường bất động sản phía Nam: Nơi nóng sốt, nơi nguội lạnh

Huy Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau một thời gian dài tăng giá, sốt nóng, thị trường bất động sản (BĐS) TP Hồ Chí Minh đang rất nguội lạnh, trừ một vài khu vực có tiềm năng lâu dài.

Nhiều sàn đã cho một lượng lớn sale nghỉ việc. Ngược lại, tại các tỉnh miền Đông như Bình Thuận, Đồng Nai, cơn sốt đất chưa có dấu hiệu dừng.
TP Hồ Chí Minh nguội lạnh
Giám đốc một sàn giao dịch BĐS lớn trên địa bàn TP Hồ Chí Minh xác nhận với phóng viên Kinh tế & Đô thị về việc đã có hơn 200 sale nghỉ việc để cắt giảm chi phí nhằm đối phó với tình hình khó khăn. “Mặt bằng giá hiện nay đang rất cao.
Dự án vùng ven cũng tầm trên 30 triệu đồng/m2 nên khách hàng khó tiếp cận. Khách hàng hiện nay không thiếu, đặc biệt với phân khúc bình dân nhưng để kiếm được dự án đáp ứng về mặt pháp lý, giá bán phải chăng, vị trí ưng ý là cực khó” - vị Giám đốc sàn giao dịch BĐS chia sẻ.
Khách hàng hào hứng thăm quan dự án Tổ hợp Du lịch nghỉ dưỡng của Novaland tại Phan Thiết – Bình Thuận. Ảnh: Huy Khánh
Trong các nhóm (group) mua bán nhà đất, nội dung chủ yếu là những lời kêu than của môi giới, phần lớn là bình luận tiêu cực về thị trường. Ví như: “Thấy người bán, không thấy người mua”, “Người bán nhiều hơn người mua, duyên ai nấy hưởng vì có người vẫn kiếm lời rủng rỉnh, người thì ôm toát mồ hôi”...
Một số nhà đầu tư cho hay, các công ty có thể thao túng thị trường bằng cách cung cấp thông tin không đúng, số liệu thổi phồng hoặc chỉ đúng một phần, một khu vực nào đó. Tuy nhiên, khi thị trường xấu hay tốt chỉ cần nhìn vào trạng thái của mạng xã hội sẽ biết ngay. Khi thị trường xấu, người bán nhiều hơn người mua, môi giới đua chen rào rào như cơm sôi.
“Thị trường nhà đất hiện nay nguội lạnh vì giá nhà đất trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, đặc biệt với các quận trung tâm đã thoát ly giá trị thực và giá trị kỳ vọng. Bất cứ ai mua nhà, nhất là các nhà đầu tư đều có tính toán về bài toán kinh tế là BĐS sẽ sinh lời thế nào, triển vọng tăng giá bao nhiêu… Trong tình cảnh hiện nay, giá nhà đất đã vượt qua tất cả mọi tính toán thông thường. Các nhà đầu tư dù có liều cỡ nào cũng không dám mua vào, thị trường sẽ nguội lạnh, người muốn bán sẽ điều chỉnh giá từ từ cho đến khi bán được” - ông Mai Hữu Hiền, một nhà đầu tư phân tích.
Vì sao giá nhà đất miền Đông tăng chóng mặt?
Bình Thuận, Đồng Nai, Vũng Tàu đang là những địa phương có giá đất tăng nhanh một cách không tưởng. Bất ngờ nhất có lẽ là đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai thuộc các huyện có tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây – Lâm Đồng. Chỉ trong một thời gian ngắn, sau khi các dự án đường cao tốc được công bố, giá đất nông nghiệp đã tăng gấp nhiều lần so với cách đây một năm. Giới đầu tư từ khắp nơi kéo về “săn đất”, mua đi bán lại nhộn nhịp.
Chỉ trong thời gian ngắn, những lô đất có vị trí mặt tiền, đường rộng trên 10m bị các nhà đầu tư vét sạch. Đất được bán theo lô từ vài sào hoặc công (1.000m2) đến vài hecta. Thời giá đầu tháng 6/2019, đất vườn trồng sầu riêng, chôm chôm, vị trí đường nhánh 5m, xe tải có thể lưu thông được chào bán khoảng từ 600 - 800 triệu đồng/sào. Những khu đất vườn có vị trí đẹp hơn giá bán phải trên 1 tỷ đồng/1.000m2. So với cách đây một năm, giá đất vườn trồng cây ăn trái trên địa bàn các huyện của Đồng Nai, dọc theo tuyến đường cao tốc đã tăng 3 lần.
Bất chấp cảnh báo về những rủi ro về mặt pháp lý, hàng chục dự án BĐS ở Bình Thuận vẫn bán đắt như tôm tươi. Giá nhà đất trong các khu dân cư cũ, các dự án cũ cũng đang được điều chỉnh hàng ngày… Điều đó cho thấy Bình Thuận hiện nay là thị trường BĐS "hot" nhất ở phía Nam và có sức thu hút lớn đối với các nhà đầu tư.
Các chuyên gia có nhiều nhận định, giải thích khác nhau về cơn sốt đất ở Bình Thuận, đặc biệt tại Phan Thiết. Trong đó có 3 nhóm nguyên nhân chính tác động lên giá nhà đất. Nhóm có yếu tố quyết định là sự tốt lên của hạ tầng giao thông kết nối như đường cao tốc, sân bay. Cụ thể, Phan Thiết sẽ kết nối với TP Hồ Chí Minh bằng tuyến cao tốc. Hiện từ TP Hồ Chí Minh đến Bình Thuận phải mất gần 5 giờ (213km), sau khi có cao tốc chỉ mất hơn 2 giờ. Ngoài ra, Bình Thuận còn có dự án xây dựng sân bay trị giá hơn 5.000 tỷ đồng.
Nhóm thứ hai là mặt bằng giá vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với Vũng Tàu và TP Hồ Chí Minh. Nhóm này cho rằng, mặt bằng giá đất ở Bình Thuận còn khá thấp, phù hợp với các nhà đầu tư nhỏ nhưng chiếm số đông, tiềm năng tài chính không đủ khả năng để “lướt” ở những trung tâm lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng…
Nhóm nguyên nhân thứ ba tác động lên giá đất ở Phan Thiết, Bình Thuận là yếu tố tiềm năng tăng giá trong tương lai. Theo các chuyên gia, Phan Thiết có đầy đủ tiềm năng để thị trường BĐS phát triển như hình mẫu của Đà Nẵng, Phú Quốc - những nơi mà sau 10 năm phát triển, mặt bằng giá nhà đất đã tăng khoảng 10 lần. Đây là thỏi nam châm thu hút các nhà đầu tư đổ về vùng đất mới này. Điều này giải thích vì sao các “ông lớn” trong làng BĐS Việt Nam hội quân về đây, triển khai hàng loạt dự án lớn với kỳ vọng Phan Thiết, Bình Thuận sẽ là Phú Quốc trong đất liền.