Thị trường bất động sản phía Tây Bắc TP Hồ Chí Minh: Hạ tầng chắp cánh, hứa hẹn bay cao

Việt Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Động lực quan trọng từ tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài, hạ tầng giao thông kết nối hoàn thiện cùng với sự hiện diện của nhiều nhà đầu tư tên tuổi đang tạo động lực lớn cho thị trường bất động sản (BĐS) Tây Bắc TP Hồ Chí Minh.

Nhiều "ông lớn" nhập cuộc
5 năm kể từ thời điểm thị trường BĐS TP Hồ Chí Minh bắt đầu cho thấy những dấu hiệu hồi phục, khu Nam, khu Đông và các khu vực ven đô liên tục thay nhau dẫn dắt thị trường. Cùng thời gian đó, thị trường BĐS Tây Bắc TP Hồ Chí Minh vẫn “ngủ quên” dù tiềm năng, vị thế không hề thua kém.
Tuy nhiên, với việc UBND TP Hồ Chí Minh đang tính toán đến khả năng định vị lại hướng phát triển của TP và sự nhập cuộc của một loạt nhà đầu tư, đặc biệt là động lực từ tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài khiến cho thị trường BĐS Tây Bắc TP hứa hẹn một cuộc “lột xác ngoạn mục” trong tương lai gần.
 Dự án Cát Tường Golden Riversidene.
Đáng chú ý, theo nguồn tin của phóng viên Kinh tế & Đô thị, một tập đoàn BĐS hàng đầu Việt Nam đã thâu tóm thành công 97,7% vốn góp trong Công ty TNHH Đô thị Đại học Quốc tế Berjaya Việt Nam (BVIUT), với tổng phí chuyển nhượng khoảng 11,748 tỷ đồng.
Công ty TNHH Đô thị Đại học Quốc tế Berjaya Việt Nam hiện là chủ đầu tư dự án Khu Đô thị Đại học Quốc tế Việt Nam (tại xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn), thuộc Khu đô thị Tây Bắc TP Hồ Chí Minh, với diện tích khoảng 925ha.
Bên cạnh “đại gia” BĐS và dự án nói trên, tại khu đô thị Tây Bắc TP Hồ Chí Minh còn ghi nhận sự hiện diện của nhiều nhà đầu tư lớn khác. Điển hình có thể kể đến, dự án Đại lộ ven sông do Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh (thuộc Tập đoàn Tuần Châu) làm chủ đầu tư. Dự án này cũng đã được TP Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ GTVT bổ sung vào quy hoạch đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài.
Khi được đầu tư xây dựng, tuyến đại lộ này sẽ nối trung tâm TP Hồ Chí Minh từ bến Bạch Đằng (quận 1) với các quận, huyện phía Tây như Hóc Môn, Củ Chi, quận 12, Gò Vấp. Không những thế, dự án còn giúp kết nối, phát triển khu vực huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương; huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh; huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Điều này sẽ giúp phá thế độc đạo của Quốc lộ 22 - tức đường Xuyên Á hiện nay, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc di chuyển.
Ngoài ra phải kể đến sự hiện diện của những "ông trùm" về BĐS và xây dựng khác như Novaland, Hưng Thịnh… Những tập đoàn danh tiếng này cũng đang mạnh tay săn tìm quỹ đất khu Tây Bắc để thực hiện các dự án trong tương lai.
Cú hích từ hạ tầng​
Không phải ngẫu nhiên mà hàng loạt các tập đoàn lớn chuyển hướng rót vốn vào khu đô thị Tây Bắc TP Hồ Chí Minh. Chính những định hướng về quy hoạch hướng phát triển của TP Hồ Chí Minh từ khu vực phía Nam sang khu vực phía Tây và Tây Bắc là nền móng vững chắc để các DN đón đầu cơ hội đầu tư. Cụ thể, hướng Nam vốn được xác định là một trong những hướng phát triển chính của TP Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, để đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng cũng như giải quyết một số hạn chế đã bộc lộ trong thời gian qua, TP đã xem xét lại. Hiện, TP Hồ Chí Minh đã giao các cơ quan chuyên môn, tham mưu nghiên cứu bổ sung hướng quy hoạch phát triển đô thị về khu vực hướng Tây Bắc.
Theo lộ trình, TP sẽ cho chuyển đổi khoảng 1/3 quỹ đất nông nghiệp thành đất công nghiệp, dịch vụ, đô thị nhằm đáp ứng nhu cầu đô thị hóa, phát triển kinh tế - xã hội của TP trong giai đoạn tới. Theo các chuyên gia, việc điều chỉnh hướng quy hoạch phát triển đô thị chủ đạo này là cần thiết, giúp TP Hồ Chí Minh phát triển bền vững hơn, đồng thời cũng tạo ra cơ hội lớn cho các nhà đầu tư BĐS chuyên nghiệp.
Bên cạnh định hướng về quy hoạch, các dự án hạ tầng giao thông đã và sẽ được đầu tư xây dựng, các dự án có quy mô lớn được tái khởi động, quỹ đất dồi dào... là những yếu tố cơ bản tạo động lực để vùng cửa ngõ Tây Bắc TP Hồ Chí Minh phát triển. Thậm chí, theo nhận định của nhiều chuyên gia BĐS, khu vực phía Tây Bắc sẽ là Phú Mỹ Hưng thứ 2 của TP Hồ Chí Minh trong một tương lai không xa.
Cụ thể, về hạ tầng giao thông, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với kiến nghị của tỉnh Tây Ninh về việc sớm triển khai dự án cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài. Đây là một trong 7 dự án đường cao tốc ở phía Nam, nằm trong tổng số 21 tuyến cao tốc trong Quy hoạch tổng thể mạng lưới cao tốc Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Dự án có chiều dài 53,5km, với 4 làn xe tiêu chuẩn (đoạn tuyến chạy từ Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh đến huyện Trảng Bàng - Tây Ninh) và 4 làn xe hạn chế đoạn còn lại với tổng mức đầu tư 10.688 tỷ đồng.
Song song với tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài, dự án hầm chui tại nút giao thông An Sương trên Quốc lộ 22 đi Củ Chi kết nối với Tây Ninh cũng đã được hoàn thiện và đưa vào hoạt động. Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh cũng chuẩn bị mở rộng hàng loạt tuyến giao thông trọng điểm khác trong cùng khu vực. Các dự án này được hoàn thiện, đưa vào khai thác sử dụng chính là nền tảng quan trọng, tạo cú hích phát triển cho toàn bộ khu đô thị Tây Bắc trong tương lai gần.

Ngày 26/10 vừa qua, UBND TP Hồ Chí Minh và UBND tỉnh Tây Ninh đã tổ chức Lễ ký kết kế hoạch phối hợp triển khai dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài. Theo kế hoạch, tuyến cao tốc này sẽ được hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng đúng dịp Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.