Thị trường bất động sản quận Cầu Giấy (Hà Nội): “Hạt nhân” khu vực phía Tây nhưng không nên “nóng vội”

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quận Cầu Giấy được đánh giá là một trong những địa bàn có tốc độ phát triển nhanh nhờ sở hữu cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại với sự hiện diện của nhiều tập đoàn, dự án bất động sản (BĐS) quy mô đầu tư lớn, TP Hà Nội định hướng là trung tâm hành chính “hạt nhân” khu vực phía Tây. Cùng đó, việc rục rịch triển khai dự án Đại sứ quán Mỹ trên địa bàn quận với tổng vốn 1,2 tỷ USD... khiến cho thị trường BĐS khu vực này được kỳ vọng nhiều hơn.

Lợi thế về hạ tầng
Trên địa bàn quận Cầu Giấy hiện có 3 tuyến đường huyết mạch chạy qua, gồm: Trục Cầu Giấy – Xuân Thủy – Hồ Tùng Mậu nối quốc lộ 32; trục Trần Duy Hưng kết nối trung tâm với Đại lộ Thăng Long; Trục Trần Thái Tông, Nguyễn Phong Sắc, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Văn Huyên là những tuyến đường lớn, hiện đại; Tuyến đường sắt trên cao Nhổn - Ga Hà Nội (chạy dọc Hồ Tùng Mậu - Xuân Thủy - Cầu Giấy - Ga Hà Nội) đang gấp rút xây dựng; trục Phạm Văn Đồng - Vành đai 3 kết nối nội thành và các tuyến tỉnh... Cùng với đó, những công trình công cộng tương đối đồng bộ, đầy đủ, như: Hệ thống Trường Đại học Quốc gia, 2 công viên lớn là Nghĩa Đô và Cầu Giấy, “lá phổi xanh” điều hòa không khí cho cả khu vực. Bên cạnh hệ thống giáo dục, không gian sống, khu vực Cầu Giấy còn hấp dẫn cư dân bởi hệ thống y tế, bệnh viện đầu ngành như: Bệnh viện 19-8; Bệnh viện E; Viện huyết học truyền máu Trung ương...
Ngoài ra, quận Cầu Giấy còn được thừa hưởng tiện ích cơ sở hạ tầng khu vực phía Tây, bao gồm: Đại lộ Thăng Long, tuyến đường Tố Hữu – Lê Văn Lương, cùng dự án đang triển khai như tuyến metro số 2A, số 3, đường Vành đai 3.5. Đặc biệt, siêu dự án đường Vành đai 4 đang gấp rút chuẩn bị sẽ tạo ra sức cầu cực lớn, thúc đẩy giá trị BĐS quận Cầu Giấy nói riêng và khu Tây Hà Nội nói chung.
Hệ thống hạ tầng đồng bộ và nhiều dự án lớn đã và đang được triển khai mang lại nhiều triển vọng cho thị trường BĐS khu vực quận Cầu Giấy thời gian tới. (phối cảnh dự án Đại sứ quán Mỹ chuẩn bị được xây dựng)
Hiện nay, trên địa bàn quận Cầu Giấy đã có sự hiện diện của nhiều tập đoàn kinh doanh công nghệ, nhà phát triển BĐS lớn, như: FPT, Viettel, FLC, Sun Group, Tân Hoàng Minh, Vinaconex, Vimeco... Đặc biệt, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam mới đây, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris dự lễ ký thoả thuận thuê đất xây dựng trụ sở mới Đại sứ quán Mỹ nằm trên địa bàn phường Yên Hòa (Cầu Giấy) diện tích 3,2ha, tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 1,2 tỷ  USD, trở thành một trong những trụ sở Đại sứ lớn nhất của nước Mỹ trên toàn thế giới. Sự xuất hiện của dự án này giúp thị trường BĐS khu vực Cầu Giấy càng trở nên hấp dẫn người dân và giới đầu tư.
“Cùng với khu vực phía Tây Hà Nội, quận Cầu Giấy từ lâu đã nổi lên là vùng đất “vượng địa” cho nhà phát triển BĐS. Sự hiện diện của dự án Đại sứ quán Mỹ sẽ giúp khu vực trở thành một tổ hợp của cơ quan, tập đoàn đa quốc gia, trong khi đó giá BĐS “mềm” hơn khu vực trung tâm nên vẫn thu hút đông đảo cư dân, nhà đầu tư” - Giám đốc cấp cao Bộ phận tư vấn Savills Hà Nội Đỗ Thu Hằng nhận định.
Vẫn cần cẩn trọng khi đầu tư
Những năm gần đây, người nước ngoài đến làm việc, sinh sống tại Hà Nội ngày càng nhiều, tập trung lượng lớn ở quận Cầu Giấy. Nhiều công ty, ngân hàng, tập đoàn nước ngoài lựa chọn đặt văn phòng, trụ sở giao dịch, làm việc, nên nhu cầu sở hữu, cho thuê BĐS khu vực này liên tục tăng. Cùng với đó, sự dịch chuyển của hệ thống cơ quan hành chính Hà Nội sang phía Tây kéo theo nhu cầu lớn về nhà ở.
Theo Phó Giám đốc IP Land Trần Quốc Việt, ngay từ thời điểm trước khi “siêu dự án” Đại sứ quán Mỹ chính thức được công bố, rất nhiều dự án BĐS cao cấp hiện diện trên địa bàn quận Cầu Giấy, như: D’Palais Louis, The Matrix One, Goldmark City hay D'Capitale... với những lợi thế đang có, sản phẩm BĐS cao cấp sẽ tiếp tục trở thành phân khúc đầu tư chủ đạo ở khu vực này.
“Dự báo trong thời gian tới, khu vực Cầu Giấy và một số quận, huyện phía Tây Hà Nội sẽ tiếp tục thu hút lượng cư dân mới và nhà đầu tư vào dự án BĐS, đặc biệt là người nước ngoài. Tuy nhiên, một số vấn đề đang bắt đầu nảy sinh đó là quỹ đất ở địa bàn không còn nhiều, cùng với sự ảnh hưởng chung của thị trường do dịch Covid-19, nguồn cung sản phẩm ở địa bàn này đang có dấu hiệu giảm sút” – ông Trần Quốc Việt nhìn nhận.
Được biết, hiện nay quận Cầu Giấy đang tiếp tục kế hoạch thu hồi đất phục vụ các dự án mở đường, gồm: Tuyến Đặng Thùy Trâm kéo dài đến Trần Quốc Hoàn, tuyến từ đường Cầu Giấy đến Vành đai 2,5, mở rộng ngõ 382 Nguyễn Khang... những thông tin này đang tiếp tục làm “nóng” thị trường BĐS, đặc biệt là những nhà đầu tư. Khảo sát thực tế của phóng viên Kinh tế & Đô thị, giá đất trong ngõ khu vực tuyến Đặng Thùy Trâm kéo dài đến Trần Quốc Hoàn đang ở mức 40 – 50 triệu đồng/m2, đáng chú ý mảnh mặt tiền giáp đường lớn có vị trí đang rao bán ở mức 300 – 350 triệu đồng/m2, tăng từ 15 – 17% so với thời điểm cuối năm 2019.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc kiện toàn hạ tầng giúp giá BĐS ở Cầu Giấy rút ngắn khoảng cách so với khu vực trung tâm, nhưng lúc này khi thị trường đang “nóng” nhà đầu tư cần cẩn trọng, vì những đợt “sốt đất” đều bắt nguồn từ thông tin quy hoạch, đầu tư hạ tầng.   Tuy việc triển khai đầu tư hạ tầng khu vực Cầu Giấy  là có, nhưng cần thời gian triển khai, chắc trong thời gian này cả chủ đất lẫn môi giới lợi dụng thông tin để đẩy giá lên cao. Bên cạnh đó, không loại trừ khả năng một số dự án hạ tầng mặc dù đã được phê duyệt nhưng chủ đầu tư vẫn rút lui không triển khai như dự án chặng đua công thức 1 (Formula 1 - F1)... sẽ mang đến nhiều rủi ro cho nhà đầu tư.

“Khu vực Cầu Giấy và phía Tây Hà Nội nơi tập trung số lượng lớn người nước ngoài nhờ sự phân bổ tập trung của các dự án nhà ở, những địa điểm khác trong thành phố người nước ngoài vẫn sẽ cởi mở đón nhận. Nhưng với lợi thế cơ sở hạ tầng mới, cơ sở vật chất chất lượng cao là yếu tố thu hút người mua nước ngoài vào khu vực này” - Giám đốc Savills Hà Nội, Matthew Powell.

“Khi nguồn cung sản phẩm BĐS ngày càng khan hiếm, nhu cầu đầu tư ngày càng nhiều. Tuy nhiên, người dân vẫn phải cận trọng trước tình trạng sốt đất do thông tin quy hoạch kéo theo hiện tượng người dân đòi đền bù giá cao ở nhiều khu vực, dẫn đến bế tắc cho nhiều dự án, làm đình trệ thị trường BĐS” – Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam, Nguyễn Văn Đính.