Thị trường bất động sản quốc tế: Nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2019 các DN Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài với tổng số tiền trên 508 triệu USD, tập trung vào các lĩnh vực bán buôn – bán lẻ, nông – lâm – thủy sản và khoa học công nghệ. Các chuyên gia cho rằng, trong thời gian tới BĐS sẽ trở thành lĩnh vực đầy tiềm năng cho các DN Việt tại “sân chơi” quốc tế.

Thị trường nhiều tiềm năng
Song song với làn sóng đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam của các nhà đầu tư quốc tế, các doanh nghiệp BĐS trong nước cũng đang có xu hướng tìm kiếm cơ hội và đầu tự dự án tại nhiều thị trường thế giới.
Theo chuyên gia nghiên cứu thị trường (Hiệp hội BĐS Việt Nam) Đoàn Văn Cương, ở thời điểm hiện tại những khu vực có tiềm năng khai thác, phát triển BĐS đều đã ghi nhận có có mặt của nhiều nhà phát triển BĐS lớn cả trong và ngoài nước. Việc tìm kiếm một thị trường mới ở nước ngoài đang là xu thế được các nhà phát triển BĐS lớn hướng tới.
“Trong thời gian qua, BĐS ở nước ngoài là lĩnh vực chưa được nhiều DN Việt hướng tới, do thị trường trong nước vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. Vì vậy, thị trường BĐS nước ngoài có nhiều tiềm năng và sẽ mang đến nhiều cơ hội cho DN Việt, đây là thời điểm các nhà phát triển BĐS của Việt Nam đang tập trung củng cố sức mạnh trong nước của mình để chuẩn bị cho một hướng đầu tư mới – ra thị trường nước ngoài” – ông Cương nhận định.
Đầu tư ra nước ngoài của các DN BĐS Việt Nam nhiều cơ hội và thách thức (Ảnh minh họa).
Đồng quan điểm, Tổng Giám đốc Savills Việt Nam Neil MacGregor cho rằng, các DN BĐS của Việt Nam đang có nhiều cơ hội để mở rộng đầu tư ra nước ngoài, thông qua nhiều hình thức, có thể trực tiếp đầu tư hoặc có thể cùng liên danh với các DN BĐS ở ngoài lãnh thổ Việt Nam.
“Trong khi các nhà đầu tư nước ngoài đang theo đuổi các kế hoạch đầu tư vào Việt Nam trong nhiều năm vừa qua, một số khác lại bắt đầu có xu hướng tìm kiếm các đối tác là người Việt Nam cho các hoạt động đầu tư của họ ở các nơi khác. Con số này ở thời điểm hiện tại tuy chưa đáng kể, nhưng chúng tôi cũng nhận thấy rất nhiều hướng tiếp cận mới với nhiều loại hình dự án khác nhau, từ lĩnh vực khách sạn nghỉ dưỡng, văn phòng, nhà ở, đến giáo dục và chăm sóc sức khỏe” – ông MacGregor cho hay.
Cẩn trọng với những rủi ro
Cũng theo ông MacGregor, bên cạnh những cơ hội đầu tư tiềm năng, đầu tư ra nước ngoài cũng tiềm tàng các rủi ro, mà nhiều nhất đến từ khác biệt về văn hóa và hệ thống pháp luật. Nếu tập trung vào các thị trường mới nổi trong khu vực, rủi ro về hệ thống pháp luật và xu hướng thị trường sẽ dễ dẫn đến thất bại nếu nhà đầu tư không đảm bảo được nguồn vốn đầu tư chắc, dài hạn và phương án đầu ra cho dự án đầu tư của mình.
“Cùng với đó, các DN Việt Nam sẽ còn phải đương đầu với những khó khăn lớn hơn đó là nhu cầu của người dân ở những thị trường phát triển hơn và sự cạnh tranh trực tiếp với các DN nước sở tại” - ông MacGregor cho biết thêm.
Theo chuyên gia Hoàng Nguyệt Minh, để quá trình đầu tư, kinh doanh có thể thu lại những thành công, nhà đầu tư cần phải đặc biệt chú tâm đến việc nghiên cứu thị trường, đảm bảo nắm rõ thông lệ giao dịch của thị trường, thị hiếu của người dân, xu hướng thị trường ra sao, nguồn cung trong tương lại lớn hay nhỏ, các dự án cạnh tranh trực tiếp và gián tiếp ảnh hưởng như thế nào đến dự án để đảm bảo các giả định về tính khả thi cho dự án được sát sườn và hiệu quả nhất. Việc nghiên cứu thị trường phải được tính cho cả độ trễ trong việc hoàn tất giao dịch và xin cấp phép đầu tư cho dự án mới tại nước tham gia đầu tư.
“Nếu đầu tư dự án nhà ở, thời điểm mở bán là quan trong nhất, nếu vào đúng thời điểm thị trường xuống dốc, dự án sẽ không thể ngưng lại và chờ thời điểm tái mở bán được. Tuy nhiên, với dự án thương mại, việc kiểm soát được dòng tiền dài hạn đều từ 7 - 10 năm giúp nhà đầu tư dễ dàng hơn trong việc lựa chọn thời điểm hợp lý thoái vốn, tăng cường tỷ suất đầu tư và giảm thiểu rủi ro về yếu tố thị trường cho nhà đầu tư” – bà Hoàng Nguyệt Minh nói.
Ngoài ra, trước khi quyết định đầu tư cần phải tìm hiểu rõ quy trình và cách thức đầu tư tại nước tham gia đầu tư, để đảm bảo không vướng phải rủi ro pháp lý không cần thiết. Thẩm định chắc pháp lý của dự án là điều tối cấp thiết đối với tất cả các nhà đầu tư cho bất kỳ dự án nào. Kiểm soát tốt nguồn vốn trong trung và dài hạn cũng là vấn đề tối quan trọng để đảm bảo dự án được triển khai theo đúng tiến độ mở bán.