Thị trường bất động sản: Tín hiệu khởi sắc

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xảy ra nhiều biến cố về dịch bệnh trong năm 2020 nhưng thị trường bất động sản (BĐS) vẫn ghi nhận có sự phục hồi vào giai đoạn cuối năm.

Một số phân khúc gia tăng về giá bán sản phẩm, đặc biệt là đất nền nhưng nhìn chung, không xuất hiện các biểu hiện cực đoan như "bong bóng". Những tín hiệu gần đây hứa hẹn sẽ mang đến nhiều khởi sắc cho thị trường trong thời gian tới.
Đang dần hồi phục

Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, dịch Covid-19 gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với thị trường BĐS năm 2020 nhưng nhìn chung hoạt động sản xuất, kinh doanh được vận hành ổn định, đặc biệt sau thời điểm phải thực hiện cách ly toàn xã hội.
Tính đến quý IV/2020, cả nước có trên 670 dự án nhà ở được cấp được cấp phép, tập trung chủ yếu ở miền Bắc và miền Trung, khu vực miền Nam là địa bàn trọng điểm của thị trường những năm trước đây tiếp tục giảm sút về số lượng dự án cấp mới, nhất là TP Hồ Chí Minh, Bình Dương.
Đối với dự án du lịch nghỉ dưỡng, có gần 150 dự án được cấp phép mới (tương đương với năm 2019), tập trung chủ yếu ở khu vực phía Nam thuộc tỉnh Kiên Giang và miền Trung tại Nha Trang (Khánh Hòa), Quy Nhơn (Bình Định).
 Thị trường BĐS năm 2021 hứa hẹn có nhiều khởi sắc. Ảnh:  Mai Vân
Phân khúc BĐS khu công nghiệp được xem là điểm sáng trong thu hút đầu tư năm 2020, bất chấp sự ảnh hưởng của dịch bệnh và lộ trình siết chặt tài chính từ Chính phủ. Tỷ lệ lấp đầy bình quân được ghi nhận tại các khu công nghiệp 4 tỉnh, TP công nghiệp trọng điểm miền Nam, gồm: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương đạt khoảng 84,5%, riêng TP Hồ Chí Minh đạt trên 90%. Mức giá chào thuê đất tại một số khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An tăng từ 20 - 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp 5 tỉnh, TP công nghiệp chính ở miền Bắc bao gồm Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng duy trì mức tích cực với 78%. Trong đó, các khu công nghiệp tại Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương đạt tỷ lệ lấp đầy trung bình khoảng 90%. Giá thuê của một số khu công nghiệp ở Hải Phòng, Bắc Ninh, Hải Dương tăng từ 20 - 30% so với năm trước.

“Mặc dù trải qua 2 làn sóng Covid-19 nhưng trên cơ sở đánh giá các yếu tố vĩ mô cũng như chỉ số cụ thể cho thấy thị trường BĐS đang dần phục hồi và phát triển. Nhu cầu về nhà ở, trong đó có nhà ở giá rẻ… vẫn rất lớn. Việc Chính phủ đã và đang tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu ban hành nhiều chính sách mới hỗ trợ thị trường BĐS, các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành sẽ góp phần giải quyết những vướng mắc tồn đọng đối với dự án từ năm 2019 trở về trước” – Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) Nguyễn Trọng Ninh cho hay.

Cần giải pháp dài hạn

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2021 mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trong giai đoạn 5 năm từ 2016 – 2020, lĩnh vực BĐS có vai trò quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đã thu hút khoảng 4,5 triệu tỷ đồng vốn trong nước và 17,5 tỷ USD vốn FDI, đóng góp 0,4 điểm phần trăm trong tăng trưởng GDP, chiếm khoảng 11% trong tổng thu ngân sách. “Thị trường BĐS phát triển đúng hướng trong nhiệm kỳ qua, không còn các biểu hiện cực đoan như phát triển nóng “bong bóng” hoặc trầm lắng, suy thoái” – Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Các chuyên gia đều chung nhận định, năm 2021, thị trường sẽ tiếp đà hồi phục, tăng giá nhưng vẫn thiếu hụt nguồn cung sản phẩm bình dân (có giá bán dưới 25 triệu đồng/m2 – PV), sự lệch pha về cơ cấu sản phẩm giữa trung – cao cấp với bình dân sẽ tiếp tục nới rộng. “Vì vậy, chủ đầu tư cần tập trung đến sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người mua nhà lần đầu, điều này rất cần thiết. Nếu giải quyết vấn đề mua để ở thì thị trường thứ cấp giảm bớt rất nhiều” - Giám đốc bộ phận R&D DKRA Vietnam Nguyễn Hoàng nhìn nhận.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Mạnh Hà, thời gian qua, Quốc hội và Chính phủ đã dành sự quan tâm đặc biệt cho sự phát triển của lĩnh vực BĐS, thông qua việc sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản pháp quy và các nghị định, thông tư liên quan đến thị trường như sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Đất đai, sửa đổi quy định chấp thuận đầu tư hay ban hành Nghị định 148/2020/NĐ-CP… Việc Chính phủ sửa đổi các nghị định là rất quan trọng, bởi sẽ giải quyết được một loạt vấn đề vướng mắc của thị trường trong thời gian qua, tháo gỡ khó khăn cho những dự án nhà ở, thúc đẩy thị trường phục hồi, phát triển.

Trong khoảng 5 - 10 năm tới, nhu cầu về nhà ở tăng cao ở tất cả phân khúc từ nhà ở xã hội, nhà ở bình dân cho đến sản phẩm trung – cao cấp. Nhưng hiện nay, giá nhà vẫn đang có dấu hiệu tiếp tục tăng do thiếu nguồn cung. Nhiều dự án chậm triển khai do vướng mắc về pháp lý, vốn. Bên cạnh đó, việc áp dụng những quy chuẩn, tiêu chuẩn mới trong xây dựng làm phát sinh giá thành dẫn đến việc chủ đầu tư nâng giá bán để cân đối chi phí, đảm bảo lợi nhuận.
“Theo tôi, trong thời gian tới, Nhà nước và DN cần đặc biệt quan tâm đến phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở bình dân và nhà ở công nhân. Vì khi làn sóng chuyển dịch đầu tư vẫn diễn ra mạnh mẽ thì Việt Nam sẽ là điểm đến hấp dẫn của nhiều dòng vốn đầu tư nước ngoài. Quốc hội, Chính phủ cần tiếp tục điều chỉnh chính sách, có cơ chế hỗ trợ DN đầu tư phát triển BĐS để tăng thêm nguồn cung cho thị trường. Khi nguồn cung tăng tất yếu sẽ khiến giá bán BĐS giảm” – ông Nguyễn Mạnh Hà cho hay.

"Hiện nay, chúng ta cứ nói nguồn cung trên thị trường còn thiếu nhưng chưa xác định được thiếu bao nhiêu, sự thiếu hụt của các phân khúc số lượng thế nào... Nếu xác định rõ phân khúc nào đang thiếu nguồn cung nghĩa là phân khúc đó đang được ưa chuộng và nhu cầu của thị trường lớn. Về mặt Nhà nước, tôi cho rằng nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ là phân khúc cần quan tâm, trong đó có cả việc cải tạo nâng cấp chung cư cũ. Đây là chính sách lớn vì liên quan đến an sinh xã hội." - GS.TSKH Đặng Hùng Võ