Thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh khu Nam "nóng" nhờ hạ tầng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi nhìn toàn cục, thị trường bất động sản (BĐS) TP Hồ Chí Minh đang cho thấy những dấu hiệu chững lại, thì tại khu Nam, nhiều nhà đầu tư rầm rộ xây dựng dự án.

Cùng với đó là những chính sách ưu đãi từ chủ đầu tư, mở thêm nhiều cơ hội cho người mua.

Động lực từ nguồn vốn khủng

Khu vực phía Nam TP Hồ Chí Minh (khu Nam) gồm các quận 4, 7, 8 và huyện Nhà Bè. Trong đó, sức phát triển chủ yếu tập trung tại khu vực quận 7 và một phần huyện Nhà Bè có sự hiện diện của 2 "ông lớn" trong làng BĐS là Phú Mỹ Hưng và mới đây là An Gia Investment với sự "chống lưng" về tài chính của Quỹ Đầu tư Creed Group (Nhật Bản).
Khách hàng tham dự lễ khai trương nhà mẫu và mở bán căn hộ SaigonMia của Hưng Thịnh Corp. Ảnh: Việt Tâm
Khách hàng tham dự lễ khai trương nhà mẫu và mở bán căn hộ SaigonMia của Hưng Thịnh Corp. Ảnh: Việt Tâm
Theo CBRE Việt Nam, tính đến cuối năm 2015, nguồn cung mới ở khu Nam (chiếm 36%) đã vượt qua khu Đông (chiếm 29%), trở thành khu vực dẫn đầu nguồn cung BĐS tại TP Hồ Chí Minh. Thống kê sơ bộ, thị trường khu Nam Sài Gòn có hơn 10 dự án với hàng ngàn căn hộ hiện đang được chào bán trên thị trường. Chẳng hạn như, dự án căn hộ Angia Skyline của An Gia Investment, Lux City của Tập đoàn Đất Xanh, Hưng Phúc – Happy Residence của Phú Mỹ Hưng, Hưng Phát Silver Star của Hưng Lộc Phát, Sunrise Riverside của Tập đoàn Novaland...

Đầu năm 2016, Công ty Hưng Lộc Phát "đánh động" thị trường bằng khu căn hộ cao cấp The Golden Star với gần 500 căn hộ. Kế đến, An Gia Investment làm nóng thị trường thông qua việc hợp tác với Công ty CP Phát triển BĐS Phát Đạt và Quỹ Đầu tư Creed Group (Nhật Bản) để phát triển dự án căn hộ River City (quận 7) với 8.000 căn hộ, tổng vốn đầu tư lên đến 500 triệu USD. Mới đây nhất, Hung Thinh Corp tung ra thị trường căn hộ SaigonMia, dự án tọa lạc ngay trên mặt tiền đường Nguyễn Văn Cừ nối dài, thuộc Khu dân cư cao cấp Trung Sơn, quận 7 với điểm nhấn đáng chú ý là chỉ trong vòng một ngày, hơn 300 căn hộ đã được “bán đứt”.

Theo nhận định của các chuyên gia, với một lượng lớn căn hộ được tung ra thị trường thì các chủ đầu tư phải có các chiến lược hiệu quả để thu hút khách hàng. Bên cạnh việc khai thác về vị trí, chú trọng vào tiện ích để làm nên sự khác biệt cho dự án thì các giải pháp hỗ trợ tài chính cũng là một vấn đề quan trọng, vì đây là điều khiến khách hàng băn khoăn nhiều nhất. Thế nhưng, không phải chủ đầu tư nào cũng có thể đưa ra được những phương thức hỗ trợ tài chính có lợi nhất cho khách hàng, bởi yếu tố then chốt của việc này nằm ở nguồn lực tài chính.

Thế mạnh từ vị trí và hạ tầng giao thông

Theo nhận định của các chuyên gia, hiện nay, xu hướng căn hộ bên sông đang rất được ưa chuộng. Có thể nói, năm 2016 là "thời của BĐS mặt tiền hoặc view sông" khi các dự án nằm gần, thậm chí cách bờ sông, kênh rạch 1 - 3km đang thu hút nhiều sự quan tâm và lấn lướt nguồn cung. Ngay cả quy hoạch chung của UBND TP Hồ Chí Minh cũng đặc biệt quan tâm đến mặt tiền sông như một cách làm tăng giá trị cho đô thị hơn 10 triệu dân.

Cụ thể, TP giữ lại mặt tiền sông Sài Gòn với bờ Tây chừa khoảng cách từ mép sông đến khu dân cư là 50m. Trong khi đó, bờ Đông cụ thể là khu vực quận 2 và Thủ Thiêm, vì là khu mới, khoảng cách tính từ mép sông đến khu dân cư mở ra đến 100m. Cách làm này nhằm tạo một view sông chung cho toàn bộ cư dân trong TP với điểm nhấn là công viên ven sông ngay tại khu trung tâm.

Theo các chuyên gia, bên cạnh quan niệm tài lộc của người Á Đông thì giá trị cảnh quan sông nước luôn thể hiện được một đẳng cấp sống riêng cho chủ sở hữu. Vì vậy, nếu biết cách khai thác thì view sông còn làm giá trị BĐS tăng thêm từ 10 - 30%. Bên cạnh đó, việc triển khai nhiều dự án giao thông trọng điểm trong năm 2016 tại khu Nam Sài Gòn sẽ giúp tạo sự liên thông trong cả vùng, từ đó kích thích phát triển kinh tế - xã hội nói chung và thị trường BĐS nói riêng. Điển hình là dự án cầu Thủ Thiêm 4 dài 2.000m, nối từ đường Nguyễn Văn Linh qua khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) do Công ty CP Phát triển BĐS Phát Đạt đầu tư sẽ khởi công trong năm nay và dự kiến hoàn thành vào năm 2019. Cây cầu này sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ khu Nam TP đến khu vực trung tâm quận 1 chỉ còn 10 phút. Bên cạnh đó, hàng loạt công trình như cầu Kênh Tẻ 2, hệ thống hầm chui tại nút Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, tuyến metro số 4, tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành... cũng sẽ được xây dựng nhằm tháo gỡ ách tắc giao thông và thêm hướng thông thương cho khu Nam.
Doanh nghiệp nên thận trọng

Thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh khu Nam "nóng" nhờ hạ tầng - Ảnh 1Trong 5 tháng đầu năm 2016, thị trường bất động sản (BĐS) đã có dấu hiệu chững lại, tiềm ẩn những yếu tố gây bất ổn. Chính vì vậy, các DN cần hết sức thận trọng, đặc biệt là trong chiến lược phát triển nguồn cung. Đó là trao đổi của ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh liên quan đến tình hình thị trường và sự phát triển nóng của BĐS khu Nam Sài Gòn thời gian gần đây.

Theo ông Châu, thị trường BĐS TP Hồ Chí Minh vẫn đang trong quá trình phục hồi và tăng trưởng. So sánh với năm 2015 là năm mà thị trường BĐS TP đã có sự tăng trưởng rất mạnh trên tất cả các phân khúc thị trường nhà ở, văn phòng cho thuê, BĐS công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nghỉ dưỡng..., thì 5 tháng đầu năm 2016, thị trường BĐS đã có dấu hiệu chững lại, tiềm ẩn những yếu tố gây bất ổn. Chẳng hạn như: Giao dịch chững lại; có dấu hiệu lệch pha sang phân khúc BĐS cao cấp trong khi thiếu sản phẩm căn hộ quy mô vừa và nhỏ có 1 - 2 phòng ngủ, có giá bán vừa túi tiền; có sự gia tăng rất lớn các nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp (chủ yếu nhằm mục đích mua đi bán lại).

Trong thị trường BĐS cũng đã xuất hiện một số trường hợp chủ đầu tư dự án đã không chấp hành đúng các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, chưa đảm bảo đủ điều kiện đưa nhà chung cư vào sử dụng đã cho khách hàng vào ở; chưa thực hiện đúng các quy định về thế chấp, giải chấp và bán nhà cho khách hàng đã gây thiệt hại cho người tiêu dùng; tranh chấp trong chung cư vẫn còn xảy ra phức tạp. Trong hệ thống pháp luật điều chỉnh thị trường BĐS cũng đã xuất hiện những bất cập cần phải được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, cũng như cần có sự cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, nhằm tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, liên thông giữa các sở, ngành chức năng

“Dự báo thị trường BĐS từ nay đến cuối năm 2016 sẽ nhỉnh hơn các tháng đầu năm, nhưng nhìn toàn cục cả năm 2016 thị trường BĐS có xu thế vẫn trong trạng thái chững lại, và vẫn tiềm ẩn những yếu tố gây bất ổn” - ông Châu nhấn mạnh.
Gia Việt thực hiện

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần