Khách hàng phải biết tự bảo vệ mình "Vấn đề nổi cộm của thị trường bất động sản hiện nay là tình trạng lừa đảo thông qua hình thức bán đất nền trên địa bàn vùng ven và vùng giáp ranh của TP Hồ Chí Minh với các tỉnh thành lân cận như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An… Qua một số vụ việc có thể nhận thấy, các công ty lừa đảo họ bán đất không đảm bảo pháp lý hoặc làm bừa làm càn, dựng lên dự án để bán cho khách hàng một cách bất chấp quy định của pháp luật. Để trị căn bệnh này cần phải có 2 phương thuốc đó là nêu cao trách nhiệm của chính quyền địa phương và bản thân người mua đất cũng phải tự biết cách để bảo vệ mình. Trong các vụ lừa đảo bán đất xảy ra gần đây có thể nói là có phần trách nhiệm của chính quyền địa phương rất lớn. Chính quyền không thể nói là không biết. Chính quyền được tổ chức từ cấp khu phố, ấp, xã phường, quận huyện, tỉnh thành. Người dân chỉ cần đổ một xe vật liệu để xây dựng cái chuồng heo là cán bộ địa chính, quản lý trật tự xây dựng biết ngay. Đằng này, công ty lừa đảo dùng cơ giới thi công, xây dựng đường nội bộ dự án trên đất nông nghiệp, đưa khách xuống tận dự án xem đất, mua bán rầm rộ… mà bảo chính quyền không biết là vô lý, coi thường dư luận. Để tránh bị lừa đảo người dân cần phải biết tự bảo vệ chính mình, khi mua đất phải xuống tận nơi, gõ cửa chính quyền để hỏi thông tin xem thử dự án đó có thực không, được cấp phép chưa…? Không thể xem nhẹ đồng tiền mồ hôi vất vả dành dụm được, chỉ vì tin vào vài lời hứa, cam kết mà dốc hầu bao. Về Phía chính quyền, từ cấp huyện cần có cổng thông tin, trên cổng thông tin cần có thông tin về những dự án trên địa bàn để người dân tra cứu. Thậm chí mở ra kênh tương tác, khi người dân hỏi, chính quyền có thể trả lời thông qua cổng thông tin. Làm được như vậy, tôi tin rằng sẽ hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng lừa đảo mua bán đất đai." - Chuyên gia nhà đất Nguyễn Văn Đực Phải khó khăn lắm mới có thể khởi tố được Alibaba "Phải khó khăn lắm cơ quan chức năng mới có thể khởi tố được vụ Công ty Alibaba lừa đảo thông qua việc bán đất nền. Ban đầu chỉ có 2 người tố cáo chủ đầu tư bây giờ thì rất nhiều. Qua vụ Alibaba chứng tỏ người dân thiếu thông tin, trách nhiệm khi tham gia giao dịch mua bán đất. Khi tham gia giao dịch mua bán đất phải tìm hiểu về tình xác thực. Có thể người dân bị lừa vì lời hứa hấp dẫn, lãi suất hứa hẹn mà không có căn cứ gì cả. Đối với hoạt động lừa đảo thông qua bán đất nền, cần tăng cường nắm tình hình, phối hợp ngành chức năng, hoạt động thực tế của DN, thông tin đầy đủ đến Nhân dân, thông tin thực của dự án." - Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh, Trung tướng Lê Đông Phong Chúng tôi đã cảnh báo rất nhiều nhưng nạn lừa đảo vẫn diễn ra "Từ năm 2016 đến nay Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh đã liên tục đưa ra rất nhiều cảnh báo. Tôi theo dõi thấy rằng các phương tiện truyền thông cũng liên tục đưa ra cảnh báo, thậm chí là cảnh báo khá sớm nhưng nạn lừa đảo thông qua hình thức mua bán đất vẫn tái diễn và ngày càng tinh vi. Từ năm 2016 chúng tôi đã bắt đầu cảnh báo về Công ty Alibaba bán đất ở Tây Bắc Củ Chi, sau đó là Kim Phát bán đất ở Đồng Nai... Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh trong các văn bản cảnh báo của mình đã đưa ra những cảnh báo cho cả khách hàng và chính quyền địa phương. Hiệp hội bất động sản đã có rất nhiều văn bản cảnh báo vấn đề dự án “ma” khi nhiều huyện ở Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu sốt đất nền và nhiều chủ đầu tư có dấu hiệu trục lợi. Nếu cơ quan chức năng không mạnh tay trong việc xử lý những DN bán dự án “ma” thì người dân sẽ nhận hậu quả nặng nề, chưa kể là cơ quan chức năng cũng sẽ đau đầu giải quyết đơn khiếu kiện của người dân. Thậm chí các đối tượng còn giả mạo, mạo danh Hiệp hội Bất động sản để lừa đảo mua bán đất. Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh đã phát đi cảnh báo đề nghị các DN và người dân cảnh giác với các trang Facebook giả mạo Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh để tránh bị lừa đảo hoặc bị thiệt hại. Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cũng đã đề nghị Sở TT&TT xem xét xử lý các trang Facebook giả mạo theo quy định của pháp luật." - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu |
Thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh: Rủi ro bủa vây khách hàng
Kinhtedothi - Chưa bao giờ việc mua nhà đất lại trở thành một việc rủi ro như hiện nay. Thị trường bất động sản đầy những cạm bẫy giăng sẵn chực chờ “con mồi” sa bẫy.
Trong khi đó, việc xử lý các phi vụ lừa đảo, lừa dối người mua nhà của cơ quan chức năng tốn nhiều thời gian, đến khi vụ việc lộ ra đã là quá muộn màng, để lại hậu quả nặng nề.
Mập mờ pháp lý, mịt mù thông tin
Mới đây một dự án đình đám ngay khu trung tâm TP Hồ Chí Minh, chủ đầu tư của dự án đã gửi thư thông báo “xả kèo” với các nhà đầu tư (người mua căn hộ). Lý do của việc “xả kèo” là bất khả kháng, dự án có nguy cơ bị thu hồi.
Khi bắt tay vào tìm hiểu mới biết, dự án này hiện vẫn là một khu đất trống, có nguồn gốc đất công thuộc quyền quản lý, sử dụng của một DN nhà nước. Sau vài thao tác chuyển đổi, khu đất đã lọt vào tay DN bất động sản. DN ngay lập tức biến nó thành một dự án bất động sản, phát triển thành một chung cư hạng sang. Mặc dù thủ tục pháp lý chưa đầy đủ nhưng đội ngũ bán hàng đã “săn” được không ít nhà đầu tư chịu đổ vốn mua nhà.
Hợp đồng mua bán của 2 bên được ngụy trang bằng hợp đồng đặt cọc, hợp đồng giữ chỗ... Nhà đầu tư, người mua nhà đã chuyển một phần tiền cho chủ đầu tư theo tiến độ cam kết 2 bên.
Trong “cơn lốc” rà soát những khu đất có nguồn gốc đất công trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, khu đất kể trên rơi vào tầm ngắm, khả năng gần như chắc chắn sẽ bị thu hồi. Rất may cho các nhà đầu tư, người mua nhà trong dự án này khi vụ việc kết thúc khá nhanh và dứt khoát. Trong một số dự án khác, các nhà đầu tư bị rơi vào tình cảnh sa lầy, không thể tự quyết định số phận đồng tiền của mình.
Trong 2 năm trở lại đây, cứ vào dịp cuối tuần cư dân của một số chung cư “sang chảnh” trên địa bàn quận 2, quận Phú Nhuận, quận 7, quận 10, quận Tân Bình… lại căng bandroll cầu cứu chính quyền, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ như đã cam kết trước đây. Bằng nhiều con đường khác nhau, những người mua căn hộ trong các dự án này đã sang lại các hợp đồng đặt cọc, hợp đồng góp vốn của những nhà đầu tư đi trước hoặc ký kết hợp đồng trực tiếp với chủ đầu tư.
Thực chất, đây là việc mua bán căn hộ hình thành trong tương lai nhưng được chủ đầu tư và khách hàng thông đồng ngụy trang bằng hợp đồng góp vốn, hợp đồng đặt cọc... khi dự án chưa đủ điều kiện để bán hàng ra thị trường theo quy định.
Phải khẳng định, việc thông đồng giữa chủ đầu tư và khách hàng nhằm lách luật. Mặc dù, chưa đủ điều kiện bán hàng theo quy định nhưng chủ đầu tư đã hứa chỉ trong vòng từ 6 tháng đến 1 năm là có đầy đủ giấy tờ hoặc ra giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho khách hàng.
Cư dân đã dọn vào sinh sống trong các chung cư này nhiều năm nhưng đến nay vẫn không có một “mảnh giấy lận lưng”, họ chỉ cầm được trong tay hợp đồng góp vốn, hợp đồng đặt cọc, hợp đồng mua bán căn hộ và tiếp tục chờ, chờ đến bao giờ thì chưa ai trả lời được.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các dự án rơi vào tình trạng này đều được xây dựng trên những khu đất có nguồn gốc là đất công. DN bán căn hộ hình thành trong tương lai khi chưa có giấy tờ hợp pháp về quyền sử dụng đất. Khi chính quyền tiến hành rà soát nguy cơ thất thoát quỹ đất công, những dự án này mặc dù đã xây dựng xong từ lâu nhưng thủ tục pháp lý đã hoàn toàn “đứng bánh” để chờ rà soát.
Theo một chuyên gia dày dạn kinh nghiệm, việc mua bán căn hộ hình thành trong tương lai vốn đã phức tạp, càng trở nên phức tạp hơn đối với những dự án được xây dựng trên quỹ đất có nguồn gốc đất công. Mối quan hệ giữa chủ đầu tư và khách hàng chỉ là một mắt xích trong một sợi dây xích. Sợi dây xích là tổng hợp của 3 mối quan hệ: Quan hệ giữa chính quyền và DN nhà nước có quyền sử dụng đất; quan hệ giữa DN có quyền sử dụng đất và DN phát triển dự án; quan hệ giữa DN phát triển dự án và khách hàng mua nhà.
Quyền lợi của khách hàng chỉ được giải quyết ổn thỏa và thông suốt khi không có mắt xích nào có vấn đề. Hiện nay, phần nhiều những dự án bán căn hộ hình thành trong tương lai được xây dựng trên các khu đất có nguồn gốc đất công, chủ yếu gặp vấn đề ở mắt xích đầu tiên là mối quan hệ giữa chính quyền và DN có quyền sử dụng đất.
Khách hàng, các nhà đầu tư thực sự đã bị rơi vào tình cảnh sa lầy theo dự án, đây là hậu quả của việc ngay từ đầu họ thiếu thông tin. Khi tiến hành ký hợp đồng góp vốn, hợp đồng đặt cọc, khách hàng không được chủ đầu tư cung cấp đầy đủ thông tin pháp lý liên quan đến quyền sử dụng đất để khách hàng có cơ sở xem xét đưa ra quyết định đúng đắn. Rõ ràng đây là hành động lừa dối khách hàng.
Vẽ dự án lừa đảo khách hàng mua đất nền
Một nạn nhân của lừa đảo thông qua mua bán đất nền trên địa bàn quận Thủ Đức đã phải cầu cứu đại biểu HĐND Nguyễn Thị Hồng Thảo. Đại biểu Hồng Thảo đã đưa vụ việc này ra phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 17, HĐND TP Hồ Chí Minh (từ ngày 7 - 9/12/2019).
Theo đại biểu Nguyễn Thị Hồng Thảo, bà Nguyễn Phương Cát Tiên là nạn nhân của Công ty Đông Hưng TDT đã kêu cứu, nhờ cơ quan chức năng giúp đỡ trong nhiều năm. Công ty Đông Hưng TDT vẽ ra một dự án bán đất nền trên địa bàn phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức và đã bán cho nhiều khách hàng trong đó có bà Nguyễn Phương Cát Tiên. Sau khi bán hàng, DN không thực hiện cam kết. Nghi ngờ bị lừa, nạn nhân làm đơn gửi UBND quận Thủ Đức nhờ xác minh. UBND quận Thủ Đức có thư trả lời, xác nhận trên địa bàn phường Bình Chiểu không có bất cứ dự án nào như mô tả của nạn nhân.
Nạn nhân đã làm đơn tố cáo Công ty Đông Hưng TDT lên cơ quan điều tra, nạn nhân đã được mời lấy lời khai. Mặc dù sự việc kéo dài đã 2 năm nhưng đến nay cơ quan điều tra vẫn chưa khởi tố vụ án, nạn nhân của vụ lừa đảo này không biết bấu víu vào đâu. Vụ việc bà Nguyễn Phương Cát Tiên bị Công ty Đông Hưng TDT lừa đảo được đại biểu HĐND Nguyễn Thị Hồng Thảo đưa ra chất vấn Trung tướng Lê Đông Phong – Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh.Thị trường bất động sản nhộn nhịp, tăng trưởng liên tục trong thời gian qua đã trở thành “sân khấu” để các thành phần bất lương dàn dựng các “vở kịch đất nền giá rẻ” nhằm đưa những “con mồi” nhẹ dạ vào cạm bẫy.Ngày 2/11/2019, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh đã khởi tố, bắt giam Phạm Thị Tuyết Nhung - Giám đốc Công ty CP Tư vấn và Đầu tư Angel Lina, để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức góp vốn làm dự án bất động sản, sau đó chia nền cho khách hàng. Công ty CP Tư vấn và Đầu tư Angel Lina (trụ trở tại số 22B Phùng Khắc Khoan, phường Đa Kao, quận 1, TP Hồ Chí Minh) đã đem 9 dự án bất động sản không có thật ra bán cho hàng trăm khách hàng. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy Phạm Thị Tuyết Nhung vẽ ra 9 dự án bất động sản không có thật, bao gồm: Triều An (phường An Lạc, quận Bình Tân); Tây Lân (phường Tân Tạo, quận Bình Tân); đường liên khu 5 - 6 (phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân); đường Nguyễn Thị Tú (phường Bình Hưng Hòa B); Bùi Thanh Khiết (Thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh); phường Linh Trung (quận Thủ Đức); Đỗ Xuân Hợp (phường Phước Long B, quận 9); phường Đông Hưng Thuận (quận 12) và dự án đường Phạm Văn Sáng (xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn). Sau khi vẽ ra dự án, Công ty CP Tư vấn và Đầu tư Angel Lina đã kêu gọi khách hàng góp vốn để làm dự án sau đó sẽ chia nền nhà hoặc đặt cọc mua nền tại các dự án “ma” kể trên.Kết quả điều tra ban đầu cũng cho thấy, Giám đốc CP Tư vấn và Đầu tư Công ty Angel Lina và những người liên quan tìm kiếm các khu đất có diện tích (thường là đất nông nghiệp chưa chuyển mục đích sử dụng sang đất ở). Sau khi có thỏa thuận mua bán với chủ đất nhóm của bà Nhung chỉ đặt cọc một số tiền để tạo niềm tin cho chủ đất. Sau đó, nhờ vào ủy quyền của chủ đất, Giám đốc Công ty CP Tư vấn và Đầu tư Angel Lina thuê người vẽ dự án, quảng cáo kêu gọi góp vốn, mời khách hàng mua đất.Khách hàng được Công ty CP Tư vấn và Đầu tư cam kết trong vòng từ 3 - 6 tháng sẽ giao đất. Nhờ vào chiêu thức kêu gọi góp vốn và cam kết giao nền trong vòng từ 3 - 6 tháng, họ đã bẫy được vài trăm khách hàng mua đất “vịt trời”. Với chiêu thức lừa đảo tương đối đơn giản, Công ty CP Tư vấn và Đầu tư Angel Lina, bán đất “vịt trời” cho hàng trăm khách hàng, thu về số tiền lên đến gần 300 tỷ đồng.Hiện tại các cơ quan chức năng đang xử lý vụ việc lừa đảo của Công ty CP Tư vấn và Đầu tư Angel Lina, việc lấy lại những đồng tiền mồ hôi của khách hàng vẫn còn rất xa vời. Trước đó Công ty Alibaba và các pháp nhân do Công ty Alibaba dựng lên cũng bằng cách vẽ dự án trên đất nông nghiệp, lách luật để bán cho hàng nghìn khách hàng. Khách hàng mua bán đất trong các dự án Công ty Alibaba dựng lên cũng đang rơi vào tình cảnh mờ mịt, không biết đến ngày nào mới có thể nhận lại được những đồng tích góp từ tiền mồ hôi xương máu.Sự thiếu thông tin dẫn đến những quyết định mua đất, đầu tư góp vốn của khách hàng biến họ trở thành con mồi cho những thành phần bất lương ra tay lừa đảo.