Thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh: “Tê liệt” vì dịch Covid-19

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường bất động sản (BĐS) TP Hồ Chí Minh những tháng giữa năm 2021 đang rơi vào trạng thái “tê liệt” do ảnh hưởng của diễn biến phức tạp bởi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4. Từ căn hộ, đất nền, cho đến mặt cho thuê… đều ghi nhận mức giao dịch thấp chưa từng có trong 3 năm trở lại đây.

Môi giới “khóc ròng”
Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, hàng loạt dự án đứng trước nguy cơ “chết lâm sàng”, đẩy một số DN yếu tài chính đi đến bờ vực phá sản. Trong khi đó, khách hàng có nhu cầu mua ở, giới đầu tư BĐS chủ động tiếp cận… chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Thống kê của batdongsan.com.vn cho thấy, tại TP Hồ Chí Minh, phân khúc nhà phố mặt tiền cho thuê đang trong tình trạng “xuống dốc” nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Nếu như tháng 4/2021, nhu cầu thuê nhà riêng, nhà mặt phố giảm 11 - 18%, thì tháng 5/2021 tiếp tục ghi nhận mức giảm 20%. Ứng biến với khó khăn, nhiều chủ nhà phố phải chấp nhận giảm 20 - 40%, thậm chí 50% giá thuê, nhằm giữ được hợp đồng thuê, song vẫn không thoát khỏi tình trạng mặt bằng để trống do vắng khách. Ngay cả các con phố sầm uất trước đây tại quận 1 như: Hồ Tùng Mậu, Huỳnh Thúc Kháng, Đồng Khởi tỷ lệ lấp đầy đều giảm.
 Thị trường BĐS TP Hồ Chí Minh ''đứng hình'' vì dịch Covid-19 tái phát trên diện rộng.
Tương tự, phân khúc căn hộ trong tháng 5 vừa qua cũng ghi nhận sự sụt giảm mạnh về nguồn cung lẫn số lượng dự án mới với khoảng 374 căn, bằng 14% so với tháng trước (2.698 căn). Nhu cầu tìm mua căn hộ hiện giảm gần 25%, lượng tiêu thụ đạt khoảng 31% trên nguồn cung mới với khoảng 115 giao dịch thành công, chỉ bằng 5% so với lượng tiêu thụ ở tháng trước (2.115 căn).

Cùng đó, phân khúc được đánh giá là dẫn dắt thị trường BĐS năm 2021 nhưng khi dịch bùng phát, tất cả các dự án đất nền phải hoãn kế hoạch mở bán, DN và môi giới điêu đứng bị vỡ kế hoạch. Đồng thời, mức quan tâm của nhà đầu tư với đất nền giảm 19% chung cho toàn thị trường so với tháng 4/2021. Ông Nguyễn Văn Bình - Giám đốc một sàn giao dịch BĐS tại quận 8, TP Hồ Chí Minh cho biết, không chỉ DN, hàng nghìn môi giới cũng đang “khóc ròng” khi đối diện cơn đại dịch lần này.
“Vì phải tạm dừng các buổi ra mắt, mở bán sản phẩm BĐS, công ty buộc phải cắt giảm tới 90% nhân sự. Nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, có thể hàng nghìn nhân viên môi giới phải chuyển nghề khác để mưu sinh” - ông Bình nói.

Gắn bó với công việc môi giới BĐS gần 5 năm, chị Trần Thị Kim Xuyến (quận 3, TP Hồ Chí Minh) chia sẻ, chưa bao giờ cảm thấy khó khăn như lúc này. “Thời điểm tháng 3, 4/2021, thị trường không quá tốt nhưng vẫn ổn định. Tuy nhiên, khi dịch bùng phát, nhiều khách đặt cọc mua đất nền ngay lập tức yêu cầu hủy cọc để bảo toàn vốn. Dù thuyết phục, thậm chí nài nỉ nhưng khách hàng vẫn nhất định hủy hợp đồng” - chị Xuyến buồn rầu nói. Đồng cảnh ngộ, anh Lê Ngọc Châu, một nhân viên môi giới ở quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh đã phải chuyển sang chạy xe ôm công nghệ để mưu sinh tạm thời.

Sống chung với dịch

Trên góc độ DN trực tiếp tham gia vào thị trường BĐS, ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc kinh doanh Công ty Địa ốc Á Châu đặt ra lo ngại về tình hình phức tạp của dịch bệnh. “Kịch bản của thị trường BĐS sẽ khó để lạc quan như dự báo vào đầu năm 2021, bởi quan sát tình hình hiện tại đang có nhiều dấu hiệu bất lợi” - ông Thắng nhận định. Phó Tổng Giám đốc Công ty DKRA Trần Hiếu cũng bày tỏ không mấy lạc quan khi kế hoạch kinh doanh bị trì trệ vì dịch Covid-19. Công ty đã dời, hủy nhiều kế hoạch bán hàng tập trung.

Xoay quanh những khó khăn của thị trường BĐS hiện nay, các chuyên gia cho rằng, dù có vaccine ngừa Covid-19, dịch bệnh không thể ngay lập tức chấm dứt, vẫn như đốm lửa nhỏ có thể bùng lên bất cứ lúc nào. Vì vậy, phương án tốt nhất là thị trường BĐS phải tập sống chung với dịch, ít nhất là trong 2 - 3 năm tới.

“DN cần phải có dự phòng trong trường hợp dịch bệnh bùng phát kéo dài. Nếu không có dự trữ tài chính hay phương án chuẩn bị, cứ liên tục đẩy sản phẩm ra thị trường mà không lường trước được khả năng thanh khoản, DN sẽ kiệt sức” - chuyên gia Đinh Thế Hiển tư vấn và cho rằng, các DN cần phải có kịch bản tính toán thận trọng hơn trong quý III, đồng thời chuẩn bị dồn sức cho quý IV/2021. Đầu tiên, các DN cần đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19. Bởi lẽ, chỉ cần một nhân viên mắc Covid-19, cả DN có thể đối mặt với tình trạng “tê liệt” ngắn hạn. Đồng thời, DN BĐS cần tổ chức cơ cấu hoạt động sản xuất, kinh doanh, cắt giảm chi phí không cần thiết.

Ở góc độ lạc quan hơn, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA) Lê Hoàng Châu nhận định, trong các tháng tới, hoạt động giao dịch BĐS có thể vẫn kém sôi động hơn do nhiều dự án tạm hoãn bán hàng tập trung, chuyển dịch sang hình thức mua bán trực tuyến vì tuân thủ biện pháp giãn cách an toàn trong mùa dịch nhưng thị trường BĐS vẫn là kênh đầu tư sinh lời tốt. Đồng thời, ông bày tỏ hy vọng, TP Hồ Chí Minh sẽ đề xuất Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước xem xét cơ chế hỗ trợ DN trước tác động của dịch Covid-19 về việc cho phép khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất vay, cơ cấu lại các khoản vay, giãn tiến độ nộp thuế… để giúp cho một số DN BĐS hoạt động đúng pháp luật nhưng đang gặp khó khăn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần