Thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh: Thiếu trầm trọng nhà ở giá rẻ, dư thừa nhà ở cao cấp

TIỂU THÚY
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó ban Kinh tế Trung ương đánh giá, giá nhà không phản ánh đúng giá trị thực, thị trường còn thiếu nhà ở xã hội, nhà ở bình dân.

Sáng ngày 27/11, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) và Đại học Mở TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “Phát triển thị trường bất động sản, nhà ở minh bạch, bền vững thúc đẩy quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Phát biểu tại hội thảo,  Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển đánh giá, thị trường bất động sản, nhà ở thời gian qua có những bước phát triển. Song, vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập.
Điển hình là sự phát triển của thị trường bất động sản vẫn chưa thực sự bền vững, còn tiểm ẩn nguy cơ mất ổn định; việc phát triển bất động sản có lúc, có nơi chưa theo quy hoạch, không có kế hoạch, chưa căn cứ vào nhu cầu của thị trường và nguồn lực thực hiện.
“Năng lực các chủ thể của thị trường bất động sản còn nhiều hạn chế, hoạt động thiếu chuyên nghiệp, đầu tư còn theo phong trào. Đặc biệt, còn tình trạng lệch pha cung - cầu, thị trường dư thừa nhà ở cao cấp, thiếu nhà ở bình dân và nhà ở xã hội”, ông Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh.
 Thị trường bất động sản đang có hiện tượng dư thừa nguồn cung căn hộ hạng A, trong khi lại thiếu nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp.
Đồng thời, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, thị trường còn nhiều vấn đề phát sinh từ thực tiễn, chính sách pháp luật nhưng chưa được bổ sung, dẫn tới việc quản lý thị trường chưa hiệu quả trong khi chính sách đất đai chưa nhất quán, thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư bất động sản còn phức tạp kéo dài.
Từ thực tế trên, ông Nguyễn Đức Hiển cho biết, thị trường bất động sản còn dư địa lớn phát triển, dự báo nhu cầu nhà ở 2021 – 2030 tiếp tục gia tăng, nhất là tại các đô thị.
Để thị trường bất động sản phát triển bền vững, minh bạch gắn với quá trình xây dựng và phát triển đô thị, Ban Kinh tế Trung ương đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức lấy ý kiến chuyên gia, doanh nghiệp, qua đó hoàn thiện đề án “Đô thị hoá và phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045” để trình Bộ chính trị, Ban Bí thư trong thời gian tới.
Cũng tại hội thảo, đánh giá sự phát triển thị trường bất động sản, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, trong 10 năm qua thị trường bất động sản Việt Nam trải qua 4 lần thay đổi bao gồm giai đoạn 2009 – 2010 phát triển nóng do nới lỏng tín dụng, giai đoạn 2011 – 2013 trầm lắng, đóng băng.
Giai đoạn 2014 – 2019 thị trường phục hồi và phát triển trở lại và giai đoạn từ đầu năm 2020 đến nay thị trường bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Hiện nay, cả nước ước tính đã và đang thực hiện trên 5.000 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 4,5 triệu tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2009.
Trong 5 năm trở lạ đây, vốn FDI đổ vào bất động sản chiếm khoảng 17,63 tỷ USD, luôn đứng thứ 2 trong tổng nguồn vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam.
Tính từ đầu năm 2020 cả nước có khoảng 100.000 doanh nghiệp xây dựng và 15.000 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cùng với hơn 1.000 sàn giao dịch bất động sản đã được thành lập.
Tính riêng 9 tháng năm 2020 trên phạm vi cả nước có 79.600 giao dịch bất động sản thành công, 242 dự án với gần 57.800 căn hộ được thông báo đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Bên cạnh những tín hiệu khả quan, theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, thị trường bất động sản vẫn còn nhiều tồn tại như hệ thống pháp luật liên quan còn chồng chéo mâu thuẫn, chưa đồng bộ, cơ cấu sản phẩm chưa phù hợp tại một số địa phương, khu vực, dư thừa nguồn cung nhà ở trung, cao cấp nhưng lại thiếu nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp.
“Hiện vẫn còn tình trạng nhiều dự án nhà ở chưa đủ cơ sở pháp lý, điều kiện huy động vốn hoặc dự án không có thật để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Tính minh bạch của thị trường từ đầu tư, tạo lập sản phẩm đến giao dịch mua bán, chuyển nhượng, cho thuê vẫn còn hạn chế, tình trạng đầu cơ còn diễn ra phổ biến, giao dịch bất động sản sơ cấp vẫn khó kiểm soát, nhiều rủi ro cho khách hàng do không bắt buộc thực hiện qua sàn giao dịch”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng nói.
Để đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững, minh bạch, theo đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng, trong năm 2020 Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung 3 Nghị định liên quan đến phát triển và quản lý nhà ở xã hội, xây dựng lại nhà chung cư và dự án nhà ở thương mại.
Nhà nước cũng sẽ đẩy mạnh mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ giá thấp, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ chi phí thực hiện trong đầu tư xây dựng đồng thời hoàn thiện hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản gắn với việc tăng cường kiểm soát thị trường, kịp thời ngăn chặn không để thị trường “sốt” “nóng”, “đóng băng”.
Chung nhận định, ông Lê Hoàng Châu (Chủ tịch HoREA) cũng đánh giá, hơn 10 năm qua, thị trường bất động sản đã xuất hiện dấu hiệu không ổn định và phát triển thiếu bền vững, thể hiện qua sự thăng trầm của thị trường, thậm chí có thời điểm đã xảy ra khủng hoảng nghiêm trọng, có lúc sốt nóng “bong bóng”, có lúc bị “đóng băng”.
Trong hàng loạt vướng mắc được nêu ra, ông Lê Hoàng Châu đề cập đến việc có cả “rừng” văn bản pháp luật điều chỉnh thị trường bất động sản. “Nhìn chung rất rườm rà phức tạp, chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn, xung đột, như một ma trận làm nản lòng nhà đầu tư”, ông Châu nhận định.
Cụ thể, ông Lê Hoàng Châu cho biết do những vướng mắc về thể chế pháp luật, mà tại TP Hồ Chí Minh, từ tháng 12/2015 đến tháng 9/2018, đã có 126 dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp bị ngừng triển khai do “ách tắc” thủ tục đầu tư xây dựng.
Chủ tịch HoREA chia sẻ kỳ vọng Chính phủ sẽ xem xét ban hành một số văn bản quan trọng có liên quan trực tiếp đến các dự án đầu tư, dự án nhà ở và thị trường bất động sản, theo Chương trình xây dựng pháp luật của Chính phủ.