Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường BĐS Hà Nội “bỗng dưng” trầm lắng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Khảo sát của phóng viên cho thấy, giá đất tại nhiều khu vực ngoại thành Hà Nội như Sóc Sơn, Phúc Thọ, Thạch Thất, Ba Vì… đang giảm từ 2 – 3 triệu đồng/m2 so với hồi tháng 3/2011.

KTĐT - Khảo sát của phóng viên cho thấy, giá đất tại nhiều khu vực ngoại thành Hà Nội như Sóc Sơn, Phúc Thọ, Thạch Thất, Ba Vì… đang giảm từ 2 – 3 triệu đồng/m2 so với hồi tháng 3/2011.

Trong nửa tháng trở lại đây, thị trường bất động sản Hà Nội “bỗng dưng” trầm lắng, dường như không có giao dịch ở các phân khúc từ cao cấp đến thấp cấp. Những gì đang diễn ra cho thấy, chủ trương thắt tín dụng BĐS của Chính phủ đã đạt được mục đích khi giới đầu tư, từ doanh nghiệp đến các nhà đầu tư nhỏ lẻ đều có biểu hiện “khát” vốn.

“Một cổ hai tròng”
 
Khảo sát của phóng viên cho thấy, giá đất tại nhiều khu vực ngoại thành Hà Nội như Sóc Sơn, Phúc Thọ, Thạch Thất, Ba Vì… đang giảm từ 2 – 3 triệu đồng/m2 so với hồi tháng 3/2011.
 
Chị Lê Minh Thu - một chủ đầu tư tại Ba Vì cho biết, cuối năm 2010 chị bán hơn 700m2 đất tại xã Yên Bài (Ba Vì) với giá 4 triệu đồng/m2 sau khi đã lãi khoảng gần 1 triệu đồng/m2 so với thời điểm giữa năm. Thế nhưng, 300m2 đất còn lại của chị dù có hướng đẹp, vuông vắn hơn thì cả chục người hỏi mua cũng chỉ trả cao nhất 3 triệu đồng/m2. Chị nghĩ rằng, càng để lâu giá đất càng cao, ai ngờ sang năm nay, số đất ấy vẫn nằm... đắp chiếu.
 
Hay trường hợp của anh Nguyễn Hoàng Long (Cầu Giấy – Hà Nội), sau khi thế chấp sổ đỏ ngôi nhà đang ở cộng với tiền huy động từ nhiều nguồn khác nhau được 7 tỷ đồng, anh ôm trọn số tiền sang đầu tư đất tại xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh – nơi được coi là tâm điểm của cơn sốt đất trong thời gian gần đây. Với giá phải bỏ ra là 60 triệu đồng/m2, theo quy hoạch ở đó sẽ có cầu Nhật Tân nối từ Tây Hồ sang Đông Anh, tương lai xa nữa vùng đất ấy sẽ thành nội thành.
 
Điều mà anh Cường không hề ngờ tới là đất ở khu vực này chỉ sốt trong thời gian rất ngắn. Hiện tại, giá đất ở khu vực này đang chững lại, trong khi ngân hàng lại đang siết lại vốn vay. “Cũng chỉ định có lãi thì đẩy đi, nhưng hiện tại muốn bán không được, tiền trả lãi ngân hàng một tháng cũng mất hơn 100 triệu đồng. Nếu không bán được đất thu hồi vốn nhanh, không đủ khả năng trả lãi và nợ gốc rất có thể tôi sẽ bị mất nhà” - anh Cường tâm sự.
 
Buôn đất ngoại thành khó đã đành, với các chủ đầu tư dự án chung cư, thậm chí chung cư trong nội thành cũng bắt đầu thấm mệt với bài toán đầu vào lẫn đầu ra. Trong bối cảnh đi vay ngân hàng để làm dự án đã gần như “hết cửa”, thì nay với lãi suất cao, chi phí cao khiến giá bán căn hộ không thể thấp, dẫn tới vắng khách đã khiến các chủ đầu tư gần như trong tình trạng “một cổ hai tròng”.
 
Theo khảo sát tại các sàn giao dịch dọc đường Lê Văn Lương, Bắc quốc lộ 32, vài tuần nay lượng giao dịch thành công rất ít mặc dù lượng khách đến hỏi khá đông nhưng họ không mua.
 
Chị Nguyệt Anh – sàn giao dịch Điền Phát trên đường 32 cho biết, trong tháng 3 văn phòng chị giao dịch được 20 lô đất nền, biệt thự và căn hộ, tuy nhiên từ đầu tháng 4, lượng hàng giao dịch chỉ được 3 căn chung cư Tân Tây Đô, AZ Thăng Long. “Các nhà đầu tư lớn gần như không mặn mà với thị trường lúc này, khách hàng chủ yếu toàn là nhà đầu tư nhỏ có nguồn vốn eo hẹp do sợ mất giá nên tranh thủ mua vào để giữ tiền” - chị Ánh cho biết.
 
Hiện tại, dọc quốc lộ 32 đang có hơn chục dự án bất động sản lớn như dự án Kim Chung, Di Trạch, Khu đô thị Bắc 32 của công ty CP Nhà Từ Liêm, khu đô thị mới Tân Tây Đô…Tuy nhiên do giá đất các dự án này đã lên đến mức đỉnh 50-60 triệu đồng/m2 sốt nóng vì vậy không thu hút giới đầu tư, nhất là trong bối cảnh nguồn vốn tín dụng đang siết chặt. Còn tại dọc Đại lô Thăng Long, nhiều văn phòng nhà đất cũng phải đóng cửa vì ế ẩm.
 
Thị trường vẫn ảm đạm
 
Ông Nguyễn Mạnh Huy – Trợ lý Tổng giám đốc Tập đoàn Nam Cường cho hay, nhà nước siết tín dụng để kìm chế lạm phát đã tác động không nhỏ tới BĐS đặc biệt là chủ đầu tư phụ thuộc nhiều vào vốn vay hoặc dự án bắt đầu triển khai. Những khu đất giảm do trước đây bị thổi giá lên cao, giờ nhu cầu thực không có, họ phải bán tháo để lấy tiền trả nợ.
 
Hay như ví von của ông Trần Xuân Lượng – Giám đốc sàn giao dịch BĐS hàng không Thăng Long: “Vốn như mạch máu trong cơ thể mỗi con người, nếu thiếu máu mọi cái gần như tê liệt đến khi hết máu thì chết, thị trường bất động sản cũng như vậy. Chủ đầu tư khi thiếu vốn sẽ phải hạ giá bán, nhà đầu tư nhỏ lẻ thiếu vốn không mua được, kéo thị trường xuống và trầm lắng”.
 
Ông Lượng cũng cho biết, hoạt động của thị trường nào cũng vậy không riêng gì BĐS khi thiếu vốn đều có xu thế trầm lắng. Điển hình, hiện nay thị trường BĐS trầm lắng nhất là ở phân khúc cao cấp với hàng loạt dự án được chào bán đều “ế hàng”, do sự chênh lệch giá quá cao giữa vị trí trung tâm và ngoài trung tâm, đồng thời “đói” vốn cũng đẩy phân khúc này vào tình trạng “đắp chiếu” chờ thời điểm.

Còn chị Nguyễn Thị Tình – Giám đốc sàn dịch bất động sản Housing lại cho rằng, để chữa căn bệnh “đói vốn”, thì giải pháp mở cổ đông huy động trái phiếu, tín phiếu BĐS, nới lỏng tín dụng, hạ lãi suất ngân hàng với ngành phi sản xuất và quỹ tín thác BĐS là rất cần thiết.
 
Ở một khía cạnh khác, ông Nguyễn Văn Minh – Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam khẳng định, hầu hết các nhà đầu tư đang còn nghe ngóng xem tới đây sẽ có những thay đổi lớn nào, từ đó tạo đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Tất cả đều đang chờ đợi cơ hội mới chứ không phải thị trường “bất động” chỉ vì tín dụng?
 
Nhận định về thị trường BĐS từ quý II đến hết quý III, các chuyên gia BĐS cho rằng, sẽ vẫn trầm lắng và ảm đạm. Chỉ khi có nguồn vốn thực đầu tư cho BĐS thì mới vực dậy được thị trường.