Thị trường BĐS Hà Nội: Trầm lắng bất thường

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quý I/2016 đang dần kết thúc với những tín hiệu buồn trên hầu hết các phân khúc. Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân cốt lõi không còn bởi “tháng Giêng là tháng ăn chơi”, mà nằm ở vấn đề chính sách.

Ngay từ đầu năm, chủ đầu tư và khách hàng phải chao đảo đối phó với việc siết tín dụng và lãi suất gói ưu đãi 30.000 tỷ đồng. Trước câu hỏi: Liệu thị trường BĐS có sự bứt phá trong những quý kế tiếp, giới chuyên môn cũng e ngại khi đưa ra nhận định. Cơ hội để thị trường có những đột phá phụ thuộc nhiều vào dòng tiền bổ sung và mức giá kỳ vọng của nhà đầu tư trong bối cảnh chính sách còn lắm biến động.

Giao dịch ít

Nếu quy chiếu theo câu “đầu xuôi, đuôi lọt” thì khởi đầu quý I dường như đang báo hiệu một năm khá trắc trở của thị trường địa ốc. Tại văn phòng môi giới nhà đất ở VP6 Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, những ngày cuối tháng 3 vắng bóng khách ra vào. Ông Lê Việt Hưng – chủ văn phòng cho biết, sức mua mảng nhà đất và căn hộ giá bình dân rất chậm, cả tháng chỉ túc tắc được 1 - 2 căn. Hiện, văn phòng này đang được hàng chục trường hợp nhờ bán các căn hộ chung cư giá rẻ HH2A, HH2C, VP7 Linh Đàm với mức giá hấp dẫn từ 13 - 15 triệu đồng/m2. Để cung sớm gặp cầu, ông Hưng đã phải chia sẻ thông tin với nhiều văn phòng môi giới khác tại quận Thanh Xuân, Cầu Giấy. Tuy nhiên, tình hình không mấy khả quan, khi lượng khách hàng tìm đến chủ yếu chỉ để… khảo giá. “Người mua nhà trước đây lựa chọn phân khúc giá rẻ một phần là bởi gói ưu đãi 30.000 tỷ đồng. Nay gói này “dùng dằng” mãi việc lãi suất thương mại sau ngày 1/6, khiến khách mua mới e dè. Mặc dù nhu cầu về nhà ở là thật, họ vẫn cẩn thận nghe ngóng, chờ đợi xem thị trường diễn biến theo chiều hướng nào” – ông Hưng cho hay.
Khách hàng tìm hiểu thông tin mở bán căn hộ tại một dự án ở Hà Nội.	Ảnh: Công Hùng
Khách hàng tìm hiểu thông tin mở bán căn hộ tại một dự án ở Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Cùng chiều với mảng căn hộ trung cấp và bình dân, phân khúc cao cấp có tính thanh khoản tương đối chậm trên hầu hết các khu vực. Đại diện một số sàn giao dịch ở Mỹ Đình tổng kết, các dự án cao cấp đưa ra trong giai đoạn quý I đều đang rơi vào… trầm lắng. Diễn biến của phân khúc này được các “cò” môi giới khái quát bằng những câu ngắn gọn “không bán được”, “giao dịch chậm”, “có bán được đâu”. Nguyên nhân chính là do mặt bằng giá có xu hướng tăng. Đơn cử tại dự án HD Mon City, trong 2 đợt chào báo đầu tiên, các suất ngoại giao có giá khoảng 27 - 28 triệu đồng/m² ngay lập tức thu hút đông đảo khách hàng. Thừa thắng xông lên, chủ đầu tư bắt đầu nâng giá lên mức 35 triệu đồng/m2 tại đợt mở bán thứ ba thì nhận được phản ứng ngược của thị trường.

“Một nguyên nhân khác không mới khiến giao dịch thị trường BĐS trên các phân khúc èo uột là vấn đề thắt chặt tín dụng BĐS, sau khi Ngân hàng Nhà nước dự thảo sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN” - ông Nguyễn Thế Điệp - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Reenco Sông Hồng nhìn nhận.

Bứt phá nhờ chính sách?

Trao đổi về diễn biến của thị trường BĐS, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, thực tế thị trường địa ốc khởi động năm 2016 đang có độ chững nhất định dưới tác động của chính sách trong nước. Cụ thể là việc siết tín dụng BĐS và lãi suất của gói 30.000 tỷ đồng sau ngày 1/6 đang ở trong trạng thái “nhùng nhằng” không rõ ràng, khiến các nhà đầu tư trong và ngoài nước thấy kênh đầu tư này kém hấp dẫn. Tuy nhiên, theo ông Nam, việc thị trường thay đổi (sôi động hay trầm lắng) là chuyện bình thường nếu không muốn nhấn mạnh là rất bình thường. Ở những quý tiếp theo, nếu kịp thời có sự điều chỉnh chính sách tín dụng; cơ chế lãi suất của gói ưu đãi 30.000 tỷ đồng được minh bạch rõ ràng, dòng tiền hướng vào các phân khúc thị trường có tính thanh khoản cao; lấy lại được niềm tin của những người có nhu cầu mua nhà (đặc biệt là đối tượng thu nhập trung bình thấp), thị trường sẽ nhanh chóng tăng tốc trở lại.

Ông Vũ Cương Quyết - Tổng Giám đốc Sàn giao dịch Đất Xanh Miền Bắc nhận định, mặc dù thị trường địa ốc có dấu hiệu trầm xuống nhưng khoảng thời gian này chỉ là tạm thời. Thời gian tới, thị trường đi theo hướng nào còn phụ thuộc rất lớn vào việc chuyển biến của các chính sách cũng như niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường. “Trong bối cảnh thanh khoản thấp, các DN nên tự điều chỉnh, chuyển hướng đầu tư vào các loại nhà ở quy mô nhỏ, giá trị thấp dưới 1 tỷ đồng. Đây là nhu cầu có khả năng thanh toán cao và tiềm năng còn rất lớn. Với xu hướng này, cộng với các nút gỡ chính sách từ Nhà nước, thị trường BĐS khi sôi động trở lại sẽ có "đầu ra" tương đối ổn định đối với các loại sản phẩm nhà ở giá thấp” - ông Quyết nhấn mạnh.
Chuyên gia nhận định
Gỡ nút thắt tín dụng
Thị trường BĐS Hà Nội: Trầm lắng bất thường - Ảnh 1Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Viết Hải - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Lộc Linh cho rằng, mặc dù thị trường BĐS đang có độ chững nhất định, song trong thời gian trung và dài hạn vẫn khả quan. Nút thắt lớn nhất của thị trường lúc này là tín dụng. Nếu "gỡ" được, thị trường BĐS sẽ tiếp đà phát triển. Nhà nước nên tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ tín dụng, tài chính trong dài hạn đối với phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá bán thấp, nhà ở cho thuê đối với những người thu nhập thấp vì đây là nhóm đối tượng đông đảo nhất của thị trường. Theo đó, có thêm gói tín dụng ưu đãi mới cho người mua nhà ở xã hội sau khi gói 30.000 tỷ đồng kết thúc nhằm tạo động lực khơi thông dòng tiền đối với thị trường BĐS. Dù phân khúc bình dân và cao cấp có dấu hiệu chậm lại so với nửa cuối năm 2015, nhưng ở các quý tiếp theo khi những vấn đề chính sách được tháo gỡ, thị phần căn hộ giá trung bình có giá dưới 1 tỷ đồng vẫn là chủ đạo của thị trường. Phân khúc này đáp ứng nhu cầu đại đa số người dân Việt Nam và đặc biệt là đáp ứng nhu cầu rất lớn của dân số trẻ ở các TP lớn.
Gia Tuấn ghi