Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam (GSO) trong 7 tháng đầu năm 2013, các nhà đầu tư Nhật Bản đã đóng góp gần 4,1 tỉ USD vào tổng nguồn vốn đầu tư trực tiếp vừa đăng ký và bổ sung vào Việt Nam. Các nhà đầu tư Singapore giữ vị trí thứ hai với tổng đầu tư xấp xỉ 3,72 tỉ USD.
Gần đây nhất, quỹ đầu tư Warburg Pincus, chủ của chuỗi thương mại cao cấp Neiman Marcus, đã đầu tư $200 triệu đô vào mô hình bán lẻ mới của Vingroup. Quỹ đầu tư EXS Capital từ Nhật Bản gần đây cũng đã đầu tư 37 triệu USD vào công ty bất động sản Sơn Kim Land.
![]() Ảnh minh họa.
|
Có được những kết quả trên là do thị trường bất động sản Việt Nam sở hữu những ưu thế nhất định so với các nước khác trong khu vực. Cụ thể, khi mà suất đầu tư của phân khúc bất động sản thương mại trên toàn thế giới vẫn có dấu hiệu giảm mạnh thì thị trường thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đã có dấu hiệu “chạm đáy” và đang trên đà hồi phục. Nhờ vậy các nhà đầu tư quốc tế có được cơ hội về giá cả hơn so với các thị trường lân cận như: Indonesia, Philippine và Malaysia.
Thêm vào đó, nền tảng cơ bản của kinh tế Việt Nam vẫn đang vững mạnh. Theo Liên hợp quốc, Việt Nam đang sở hữu tháp dân số lý tưởng từ năm 2008 đến 2035 với số lượng dân số trong độ tuổi lao động vượt mức số dân số phụ thuộc. GDP được dự báo tiếp tục tăng trưởng khả quan và tình hình chính trị ổn định cũng là một lợi thế không nhỏ so với các nước khác.
Hơn thế nữa trên thị trường đang hiện hữu nhiều cơ hội đầu tư và sự gợi mở của các chính sách nhà nước, tính hiệu quả của các thương vụ mua bán và sáp nhập nhờ đó cũng được thúc đẩy. Với lợi thế huy động vốn sẵn có như các nhà đầu tư Nhật Bản thì cơ hội này đang trong tầm tay.