70 năm giải phóng Thủ đô

Thị trường cần có cạnh tranh

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thời gian gần đây, thị trường cà phê trong nước rất nóng. Giá cà phê trong nước tăng mạnh, có lúc lên tới 49.000 đồng/kg mà mua được còn là khó.

KTĐT - Thời gian gần đây, thị trường cà phê trong nước rất nóng. Giá cà phê trong nước tăng mạnh, có lúc lên tới 49.000 đồng/kg mà mua được còn là khó.

Song câu chuyện "nóng" ở đây không phải là chuyện giá cà phê tăng mà lại là chuyện ai là người mua trực tiếp cà phê của nông dân.


Số là, sơ kết quý 1 năm nay, nhiều thành viên của Hiệp hội cà phê, ca cao Việt Nam (Vicofa) lên tiếng tố các DN 100% vốn nước ngoài lấn sân mua cà phê trực tiếp của nông dân nên cạnh tranh dữ dội với doanh nghiệp (DN) trong nước. Do DN nước ngoài trường vốn, trong khi DN trong nước vốn mỏng, đi vay với lãi suất cao nên cạnh tranh không lại. Theo quy định, DN nước ngoài chỉ được mua cà phê qua thương nhân có đăng ký kinh doanh, không được thu mua cà phê trực tiếp của nông dân. Song, các DN này đã vượt rào, tổ chức mua trực tiếp với nông dân. Vì thế, họ đã nắm tới 40% lượng cà phê trong nước, chèn ép DN trong nước đến nguy cơ phá sản. Thậm chí, đã có những cảnh báo: "Nếu cứ để DN nước ngoài mua cà phê trực tiếp của người dân, đến khi họ thao túng được thị trường sẽ quay lại ép giá nông dân. Lúc đó hiểm họa rất khó lường".


Cũng cần phải nói thêm rằng, trước đây chỉ có các DN trong nước mua cà phê của nông dân nên người trồng cà phê thường bị ép giá. Một nghiên cứu gần đây cho thấy Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới, nhưng luôn bán giá thấp. Trong 10 năm trở lại đây, mặc dù đã có vị thế trên thị trường cà phê thế giới nhưng các DN chỉ bán được giá cà phê bằng 51,5% giá cà phê bình quân của thế giới. Trong khi cùng loại cà phê Robusta Indonexia vẫn bán được bằng 72,4% giá bình quân của thế giới. Do bán ra giá quá thấp nên để có lãi, DN trong nước quay ra ép giá nông dân.


Chính vì thế, khi có DN nước ngoài mua trực tiếp với giá tốt hơn, trả tiền sòng phẳng thì người trồng cà phê đã rất phấn khởi. Cả nước hiện có 20 DN nước ngoài hoặc đại diện của DN nước ngoài có quyền xuất khẩu cà phê. Theo cáo giác của Vicofa, có 10 DN lớn đã lấn sân mua cà phê trực tiếp của dân. Nếu 10 DN nước ngoài mà mua được tới 40% sản lượng cà phê trong nước thì rõ ràng đó là những vấn đề cần suy nghĩ. Ngoài chuyện thực lực kinh tế mạnh, đó phải là những DN tổ chức hoạt động mua hàng chuyên nghiệp mới có thể nắm được ngần ấy lượng cà phê trong điều kiện phải cạnh tranh với 140 DN trong, trong đó có 20 DN hàng đầu, trước đây nắm tới 80% sản lượng và kim ngạch xuất khẩu cà phê. Điều này phải chăng cho thấy mối quan hệ giữa DN trong nước với người trồng cà phê rất lỏng lẻo và bất bình đẳng. Chỉ có thế mới lý giải được tại sao người trồng cà phê lại ủng hộ DN nước ngoài mua trực tiếp cà phê của họ. Những người trồng cà phê đã đề nghị Bộ Công Thương sửa đổi các quy định không cho DN nước ngoài mua trực tiếp cà phê của nông dân.


Câu chuyện ai được mua cà phê trực tiếp của nông dân còn chờ thông tư hướng dẫn của Bộ Công Thương, nhưng nhiều ý kiến cho rằng cần phải xóa tình trạng độc quyền một mình một chợ tạo nên một thị trường cạnh tranh lành mạnh mới có thế phát triển tốt cây cà phê Việt Nam. Không những củng cố vị thế là quốc giá thứ 2 thế giới về lượng cà phê bán ra mà còn bán ra với giá không rẻ mạt như thời gian vừa qua.