Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường chứng khoán 2019: Nhiều ẩn số khó lường

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam năm 2018 ghi nhận nhiều thăng trầm do ảnh hưởng của những biến động kinh tế - xã hội trên thế giới cùng với quá trình điều chỉnh của thị trường Việt Nam sau thời gian tăng trưởng mạnh mẽ năm 2017.

Theo các chuyên gia kinh tế, năm 2019, chứng khoán Việt Nam tiếp tục chịu tác động bởi những ẩn số khó lường của tình hình kinh tế trong và ngoài nước.
Năm 2018 - từ đỉnh cao đến vực sâu

TTCK Việt Nam đóng cửa ngày cuối năm 2018 ở mức 892 điểm và trở thành thị trường rơi sâu thứ 9 từ đỉnh theo thống kê của IndexQ. Trước đó, ngày 10/4/2018, chỉ số VN-Index lập mức kỷ lục 1211 thì 8 tháng sau, chỉ số này tuột mốc 900 điểm, giảm 9,32%, lần đầu giảm sau 6 năm liên tiếp tăng trưởng cao.
 Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng và Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản tham dự Lễ đánh cồng. Ảnh: Hùng Thập
TTCK “lạc nhịp” trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất 10 năm xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan như tình trạng căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc, cũng như xu hướng tăng tốc bình thường hóa lãi suất của các ngân hàng T.Ư trên toàn cầu. Ngoài ra, theo đại diện Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTCQG), việc các chỉ số giảm là kết quả điều chỉnh sau quá trình tăng mạnh năm 2017. Tuy nhiên, đại diện này cũng cho hay, các yếu tố vĩ mô trong nước ổn định, kinh tế tăng trưởng cao và lợi nhuận các DN niêm yết tăng trưởng vẫn giữ vai trò hỗ trợ cho thị trường.

Điểm sáng của thị trường cổ phiếu năm 2018 là sự tăng trưởng về quy mô và thanh khoản thị trường tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Theo Bộ Tài chính, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt gần 3,9 triệu tỷ đồng, tăng 10,6% so với năm 2017, tương đương với 70,2% GDP năm 2018, vượt chỉ tiêu 70% GDP đề ra tại Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020. Giá trị giao dịch cổ phiếu bình quân đạt 6.500 tỷ đồng/phiên, tăng 29% so với năm 2017. Trên thị trường trái phiếu, giá trị niêm yết đạt 1,12 triệu tỷ đồng, tăng 10,5% so với năm 2017, tương đương 20,3% GDP của năm 2018. Giao dịch trái phiếu về cơ bản vẫn giữ được mức sôi động với giá trị giao dịch đạt 8.834 tỷ đồng/phiên.

Thị trường chứng khoán phái sinh mặc dù mới ra đời hơn một năm với sản phẩm đầu tiên là hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 nhưng đã khẳng định được vai trò với khối lượng bình quân đạt 78.800 hợp đồng/phiên, tăng gần 7 lần so với năm 2017 và vị thế mở cuối năm đạt gần 21.653 hợp đồng, tăng 2,7 lần so với cuối năm 2017. Đặc biệt, vốn đầu tư gián tiếp của nước ngoài vẫn vào ròng đạt 2,8 tỷ USD, cơ bản bằng mức kỷ lục 2,9 tỷ USD của năm 2017. Giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài ước đạt trên 32,8 tỷ USD…

Cơ hội xen lẫn thách thức

Theo các chuyên gia, năm 2019, TTCK Việt Nam vẫn bị tác động bởi nhiều ẩn số. Đó là diễn biến thương mại Mỹ - Trung, tăng trưởng kinh tế Mỹ giảm. Báo cáo của UBGSTCQG chỉ ra các điểm tích cực sẽ hỗ trợ thị trường vốn này trong năm 2019 là Việt Nam nằm trong nhóm các thị trường mới nổi do khả năng thu hút vốn gián tiếp nước ngoài nhờ kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế cao và triển vọng nâng hạng TTCK. Còn các thách thức là thị trường Việt Nam thiếu các loại quỹ đầu tư như quỹ hưu trí, quỹ tương hỗ, quỹ tín thác. Sản phẩm và phương thức giao dịch chưa phong phú, chưa có nghiệp vụ bán khống cho vay cổ phiếu để bán, tính minh bạch thông tin trên thị trường cần được cải thiện.

Ông Vũ Bằng - thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết, lợi thế cho năm 2019 chính là các nền tảng từ năm 2018 khá tốt như tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức cao, xuất nhập khẩu tốt, ổn định thị trường tài chính tiền tệ, đổi mới mô hình tăng trưởng, năng suất lao động cải thiện, ngành chế biến, nông nghiệp… Tuy nhiên, ông Bằng cho rằng, năm 2019, thị trường Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều bất ổn đến từ thế giới bên ngoài hơn. Đó là sự chậm lại của kinh tế Trung Quốc và dấu hiệu suy thoái kinh tế Mỹ và toàn cầu, đáng e ngại nhất là tâm lý co cụm của nhà đầu tư. Điều này cũng đã được nhận định từ 3 năm trước. Dấu hiệu 2019 được dự báo khá rõ hơn. Với lĩnh vực chứng khoán, năm 2019 là năm hoàn thiện Luật Chứng khoán sửa đổi để trình Quốc hội, với mục tiêu tăng khả năng tiếp cận vốn cho DN, giảm thiểu các điều kiện cho các nhà đầu tư tham gia thị trường được thuận tiện hơn.

Còn Chủ tịch UBCK Trần Văn Dũng lại lưu ý, năm 2019, sẽ có 3 điểm cần lưu ý như là cơ hội và thách thức với TTCK, đó là các chỉ tiêu của kinh tế của Quốc hội, kỳ vọng về kinh tế vĩ mô của Việt Nam tốt, Mỹ tiếp tục tăng lãi suất, chiến tranh thương mại.

"Năm 2018, có 3 thành công của TTCK đáng được ghi nhận. Thứ nhất, lần đầu tiên trong 19 năm hoạt động, có một cuộc họp riêng của Thường trực Chính phủ về TTCK. Thứ hai, lần đầu tiên trong năm 2018, trái phiếu Chính phủ của Việt Nam có thời điểm đạt lãi suất thấp hơn lãi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ. Thứ ba, sau nỗ lực tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư tài chính tại các thị trường trọng điểm do đích thân Bộ trưởng Bộ Tài chính chủ trì, hiệu quả đã cho thấy rõ rệt. Năm 2018, chứng kiến dòng vốn đầu tư gián tiếp từ Mỹ tăng gấp đôi và từ Hàn Quốc đã tăng kỷ lục, đạt vị trí dẫn đầu." - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Trần Văn Dũng