Nhiều yếu tố nâng đỡ thị trường
Sau những nỗ lực vượt đỉnh ngắn hạn bất thành, VN-Index liên tục rung lắc trong biên độ rộng. Xu hướng giảm áp đảo, chỉ có thời điểm về vùng 1.200 điểm. Dù lực cầu bắt đáy xuất hiện khi về vùng hỗ trợ tâm lý, song những nhịp giằng co kéo dài khiến nhiều nhà đầu tư vẫn lo ngại về xu hướng thị trường.
Đặc biệt, trong tuần vừa qua nhà đầu tư có thể dễ dàng nhận ra thanh khoản gia tăng trong các phiên điều chỉnh. Điều này cho thấy, tâm lý nhà đầu tư đang có phần thận trọng. Nên có thể trong ngắn hạn thị trường sẽ xuất hiện nhịp điều chỉnh.
Tuy nhiên, theo Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Kiến thiết
Việt Nam Đỗ Bảo Ngọc, xu hướng tăng trong trung và dài hạn vẫn còn khi thị trường đang được hỗ trợ từ các yếu tố cơ bản. Đầu tiên là sự phục hồi của nền kinh tế, xu hướng này đã bắt đầu từ cuối quý I/2023. Tiếp đến là chính sách hỗ trợ của chính phủ với chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng.
Khối ngoại có xu hướng bán ròng liên tiếp trong nhiều tháng trở lại đây. Trong nửa đầu tháng 9/2023, khối này cũng bán ròng 3.500 tỷ đồng. Vì thế, khả năng cao khối ngoại sẽ tiếp tục bán ròng trong thời gian tới.
Một điểm tựa quan trọng nữa là dòng tiền trong nước sẽ tiếp tục đổ vào thị trường chứng khoán trong bối cảnh lãi suất hạ nhiệt nhanh. Dòng tiền chực chờ ngoài thị trường sẽ giúp thị trường khó giảm sâu.
Đưa ra góc nhìn trung hạn, các chuyên gia Công ty Chứng khoán SHS nhận định, uptrend của thị trường vẫn duy trì tốt, nhưng thị trường cần tích lũy đủ sau các rung lắc để vượt cản ngắn hạn quanh 1.250 điểm trước khi có thể tiến tới ngưỡng cản xa hơn là vùng 1.300 điểm.
Cũng nhận định lạc quan vào thị trường cuối năm, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (giảng viên cao cấp Học viện Tài chính) cho rằng, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ được coi là một trong những yếu tố quan trọng nhất, tạo động lực giúp thị trường chứng khoán tăng trưởng.
Trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách tiền tệ, tài khóa nhằm phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Các chính sách mới nếu được thông qua kỳ vọng giúp phục hồi sức cầu nền kinh tế cũng như phục hồi thị trường bất động sản, qua đó tạo hiệu ứng tâm lý tích cực đến thị trường.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, thị trường cũng đang chịu áp lực đến từ các yếu tố trên thị trường quốc tế, tỷ giá áp lực tăng và mặt bằng định giá một số nhóm ngành đã không còn rẻ. Tình hình vĩ mô quốc tế đang diễn biến khá phức tạp, Fed duy trì mặt bằng lãi suất cao, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, an ninh lương thực, năng lượng toàn cầu bị đe dọa, áp lực suy thoái tại nhiều quốc gia. Những yếu tố này có thể ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng.
Thị trường chứng khoán gần đây đã phục hồi, thanh khoản thị trường cải thiện rõ rệt. Điều này cho thấy các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách hỗ trợ khác đã tác động tích cực đến thị trường chứng khoán và DN. Cơ quan quản lý Nhà nước sẽ tiếp tục quản lý và bảo đảm thị trường chứng khoán hoạt động minh bạch, lành mạnh, khôi phục niềm tin nhà đầu tư, bảo đảm nền tảng vững chắc để thị trường phát triển bền vững trong dài hạn.
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương
Thị trường trong nước cũng có những áp lực nhất định từ tỷ giá khi gần đây cặp tỷ giá USD/VND đang tăng tương đối mạnh. Một trong những nguyên nhân dẫn đến từ chênh lệch lãi suất VND/USD đang nới rộng khi chính sách tiền tệ ở Việt Nam và Mỹ là trái chiều nhau, tạo áp lực tăng giá đối với đồng USD.
Bỏ tiền vào đâu?
Thời điểm hiện tại thị trường sẽ tiếp tục thận trọng chờ đợi kết quả kinh doanh quý 3 sắp được công bố. Nhìn toàn thị trường, kết quả kinh doanh quý 3 khó mang đến những bất ngờ, nhưng là con số được mong chờ để nhà đầu tư đánh giá khả năng về đích năm nay của các DN. Nhiều chuyên gia cho rằng, với sự phục hồi chung của các DN trong nước, các công ty chứng khoán cũng sẽ có kết quả hoạt động tốt hơn trong nửa cuối năm 2023.
Theo nhận định của Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt, kết quả kinh doanh quý 3 có nhiều khởi sắc, nhưng với mức độ chậm và có sự phân hóa. Điểm sáng về tăng trưởng tổng lợi nhuận bốn quý liên tiếp (thường niên hóa) sẽ ở các ngành dịch vụ tài chính (chứng khoán), bảo hiểm, năng lượng (dầu khí và vận tải dầu khí), bất động sản.
Đà tăng trưởng có thể chậm lại ở nhóm dịch vụ phần mềm, dược và ngân hàng, do mức nền cao của cùng kỳ năm 2022 và kỳ vọng sẽ nhìn thấy đáy hình thành ở các nhóm ngành thực phẩm đồ uống, hàng cá nhân gia dụng, tiêu dùng lâu bền (dệt may) và bán lẻ tiêu dùng.
Tốc độ giải ngân đầu tư công tiếp diễn xu hướng tích cực. Tổng vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước ước thực hiện trong 8 tháng năm 2023 tăng hơn 23% so với cùng kỳ năm 2022 với tỷ lệ hoàn thành kế hoạch năm là 49,4% (8 tháng năm 2022 tăng trưởng 17% và hoàn thành 47,6%). Đầu tư công tăng tốc và các gói tài khóa hỗ trợ kích cầu sẽ tạo tiền đề phục hồi cho nhóm ngành hàng tiêu dùng và bán lẻ trong quý cuối năm.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, một trong những yếu tố tác động trực tiếp tới thị trường là chính sách lãi suất. Với mức áp dụng lãi suất tiền gửi thấp sẽ hỗ trợ dòng vốn chảy vào thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, đối với hoạt động cho vay margin dành cho các nhà đầu tư cũng sẽ được hưởng lợi từ chính sách lãi suất, việc áp dụng mức lãi suất ưu đãi sẽ giúp cải thiện khả năng cho vay tăng trưởng cao, các công ty môi giới/chứng khoán sẽ thu về những khoản phí spread đều đặn, là nguồn thu tốt và bền vững cho lợi nhuận nói chung.
Còn theo công ty Chứng khoán MBS, các chuyên gia kỳ vọng tín dụng sẽ lấy lại đà tăng trưởng trong nửa cuối năm 2023. Các yếu hỗ trợ thị trường bao gồm: xuất khẩu sẽ phục hồi tăng trưởng dương trên nền thấp cùng kỳ năm ngoái; bên cạnh đó, hiệu ứng từ lãi suất cho vay giảm bắt đầu kích hoạt lại nhu cầu vay vốn của DN và người dân. Theo đó, mức tăng trưởng tín dụng toàn ngành sẽ đạt khoảng 12 - 13% cho cả năm 2023.
Kết quả kinh doanh quý 3 lạc quan hơn so với quý 2. Bên cạnh đó, những cam kết của Chính phủ trong điều hành chính sách, đặc biệt với sự can thiệp mạnh mẽ, hữu hiệu trong các chính sách tài khóa, tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước tạo thuận lợi cho các DN phục hồi sản xuất, kinh doanh, từ đó sẽ tạo đà cho thị trường chứng khoán tăng trưởng trở lại.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh
Đánh giá về nhóm ngành tiềm năng trong dịp cuối năm, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP chứng khoán Kiến thiết Việt Nam Đỗ Bảo Ngọc cho rằng, nhà đầu tư có thể tập trung vào một số chủ đề đầu tư trong các tháng cuối năm như sự khởi sắc trở lại của nhóm ngành xuất khẩu; động lực từ thúc đẩy giải ngân đầu tư công; câu chuyện về giá cả hàng hóa và một số nhóm vốn hóa lớn có câu chuyện để hút dòng tiền.
Đối với nhóm ngành xuất khẩu kỳ vọng có sự phục hồi trong các tháng cuối năm nhờ nhu cầu tại các thị trường có thể gia tăng trong mùa cao điểm lễ hội. Một số tín hiệu cho thấy sự phục hồi là chỉ số niềm tin người tiêu dùng tại thị trường Mỹ và Trung Quốc đang cải thiện, doanh số bán nhà mới tại thị trường Mỹ cũng liên tục phục hồi kể từ đầu năm trở lại đây, lạm phát hạ nhiệt và Fed có thể sớm dừng quá trình nâng lãi suất.
Các nhóm ngành được hưởng lợi từ việc thúc đẩy giải ngân đầu tư công có thể kể đến như xây dựng hạ tầng, vật liệu xây dựng bao gồm sắt thép, nhựa đường, đá xây dựng. Dự kiến các tháng cuối năm, đầu tư công sẽ là trụ cột quan trọng trong tăng trưởng kinh tế và tiếp tục được đẩy mạnh giải ngân.