Phố Wall tăng hơn 3% trong phiên giao dịch đầu tuần, sau khi các nhà lãnh đạo Đức và Pháp cam kết hỗ trợ các ngân hàng khu vực, mang lại hy vọng cho giới đầu tư về việc cuộc khủng hoảng nợ nần ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ được giải quyết sớm. Cũng nhờ phiên tăng điểm mạnh mẽ này, chỉ số S&P 500 lần đầu tiên kể từ cuối tháng 7 tới nay đã vượt lên đường trung bình trong vòng 50 ngày, một dấu hiệu kỹ thuật rất quan trọng. Hiện S&P 500 đã tăng được khoảng 11% kể từ phiên hôm thứ ba tuần trước, khi thị trường rơi vào địa hạt giá xuống. Khu vực cổ phiếu tài chính, vốn bị tác động mạnh nhất trong vài phiên gần đây, đã tăng mạnh, góp phần dẫn dắt thị trường đi lên mạnh mẽ. Chỉ số ngân hàng KBW tăng tới 5,3%, trong đó đáng chú ý là cổ phiếu của JPMorgan Chase & Co tăng được 5,2% lên 32,30 USD và Bank of America tăng 6,4%. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, đà tăng mạnh của cổ phiếu Mỹ trong phiên đầu tuần có thể không phải là xu thế lâu dài. Mức tăng này nhiều khả năng là do lực cầu bắt đáy ở mức cao và những tín hiệu nhất thời từ khu vực châu Âu. Do vậy, thị trường về cơ bản vẫn có khả năng diễn ra vài phiên bán tháo khác. Chốt ngày giao dịch 10/10, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng vọt 330,06 điểm, tương ứng 2,97%, lên 11.433,18 điểm. Chỉ số S&P 500 nhảy 39,43 điểm, tương ứng 3,41%, lên 1.194,89 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 86,70 điểm, tương ứng 3,50%, lên chốt ở mức 2.566,05 điểm. Khối lượng giao dịch ở mức thấp, với khoảng 6,82 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng trên cả ba sàn New York, American và Nasdaq, thấp hơn mức trung bình hàng ngày 8,03 tỷ cổ phiếu từ đầu năm tới nay. Tỷ lệ mã cổ phiếu tăng/ giảm ở sàn New York là 11/ 1, còn ở sàn Nasdaq là gần 5/ 1. Diễn biến tương tự như thị trường Mỹ, các sàn chứng khoán châu Âu tăng điểm mạnh. Chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 95,60 điểm, tương ứng 1,80%, lên 5.399 điểm. Chỉ số CAC 40 của Pháp tiến 65,91 điểm, tương ứng 2,13%, lên 3.161,47 điểm. Chỉ số DAX của Đức tăng vọt 171,59 điểm, tương ứng 3,02% lên 5.847,29 điểm. Đóng cửa trước đó, cũng xuất phát từ sự lạc quan về tình hình kinh tế châu Âu sau khi Pháp và Đức cam kết hỗ trợ các ngân hàng, đã giúp chứng khoán khu vực châu Á - Thái Bình Dương tăng điểm. Chỉ số MSCI khu vực (không bao gồm Nhật Bản) tăng 0,9% lên 385,84 điểm, cứ 4 mã tăng thì có 3 mã giảm điểm. Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số Hang Seng của thị trường Hồng Kông nhích nhẹ 4,05 điểm, tương ứng 0,02%, lên 17.711,10 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 0,38% lên 1.766,44 điểm. Chỉ số Straits Times của Singapore tăng 1,06% lên 2.668,30 điểm. Ngược chiều, chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc giảm 0,61%.