Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường dầu mỏ thế giới tuần qua diễn biến trái chiều

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Giá dầu sưởi trong tuần tăng được 1,6%, cả quý cộng gần 18%. Tuy nhiên, tính riêng trong tháng 9, giá mặt hàng năng lượng này lại giảm khoảng 0,1%.

Cùng với các thị trường hàng hóa khác, thị trường dầu mỏ thế giới trong tuần qua đã diễn biến trái chiều trong bối cảnh nhà đầu tư bị phân tâm giữa những đồn đoán về triển vọng gói cứu trợ đầy đủ cho Tây Ban Nha, những nghi ngờ ngày càng gia tăng về tác động của gói nới lỏng định lượng (QE) của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), cùng căng thẳng địa chính trị tại khu vực Trung Đông giàu dầu mỏ lại trỗi dậy, đe dọa tới nguồn cung.

 

Thị trường dầu mỏ thế giới tuần qua diễn biến trái chiều - Ảnh 1

 

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

 

Trong tuần, đã có lúc giá dầu tụt xuống dưới 89 USD/thùng - mức thấp nhất trong hai tháng qua (chỉ còn 88,95 USD/thùng tại một thời điểm trong phiên 25/9).

 

Mức tăng giá của dầu thô không lớn là do số liệu kinh tế Mỹ trái chiều. Chỉ số niềm tin tiêu dùng tháng 9 tăng lên 78,3 điểm từ mức 74,3 điểm trong tháng 8, nhưng lại thấp hơn mức dự báo 79,5 điểm. Chỉ số quản lý sức mua khu vực Chicago hạ xuống mức thấp nhất trong 3 năm, từ 53 điểm tháng 8, còn 49,7 điểm trong tháng 9.

 

Giá dầu đã đi xuống trong phiên giao dịch đầu tuần 24/9, cùng chiều với sự sụt giảm của vàng, chứng khoán, và các hàng hóa khác, do lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) lại gia tăng.

 

Ngay trong phiên tiếp theo 25/9, giá dầu đã đảo chiều tăng trở lại sau khi Mỹ, Anh, Pháp và Đức kêu gọi áp lệnh trừng phạt nghiêm khắc hơn đối với Iran (liên quan đến chương trình hạt nhân gây tranh cãi của quốc gia này).

 

Giá dầu lại quay đầu hạ nhiệt trong phiên 26/9 sau bài phát biểu của một quan chức FED, làm dấy lên những nghi ngờ về hiệu quả của gói nới lỏng định lượng lần ba (QE3).

Hãng tin Anh Reuters ngày 27/9 đưa tin "bộ ba" tham gia cứu trợ Hy Lạp - gồm Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - vẫn bất đồng về cách thức đưa nước này ra khỏi bờ vực khủng hoảng nợ công.

 

Chốt phiên giao dịch 28/9, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 11 tăng 34 cent, tương ứng 0,4%, lên 92,19 USD/thùng trên sàn hàng hóa New York. Giá dầu thô đi lên do nhà đầu tư lo lắng về tình trạng căng thẳng hiện nay giữa phương Tây và Iran, cũng như hy vọng Trung Quốc sẽ có biện pháp kích thích tăng trưởng mới.

 

Cũng trong phiên giao dịch cuối cùng của quý 3, giá khí tự nhiên giao tháng 11 tăng 2 cent, tương ứng 0,7%, lên 3,32 USD/ triệu BTU. Giá xăng giao tháng 10 tăng tới 20 cent, tương ứng 6,3%, lên 3,34 USD/gallon. Giá dầu sưởi giao cùng kỳ hạn cũng tăng được 1 cent, tương ứng 0,4%, lên chốt ở mức 3,17 USD/gallon.

 

Cuối phiên giao dịch hôm qua, hợp đồng xăng và dầu sưởi giao tháng 10 đều hết hạn. Giá xăng giao tháng 11 tăng nhẹ 2 cent, tương ứng 0,8%, lên 2,92 USD/gallon.

 

Xét chung 5 ngày giao dịch vừa qua, giá trị dầu thô đã giảm 0,8%, nâng mức giảm cả tháng 9 lên 4,4%. Tuy nhiên, nếu tính cả quý 3, giá dầu thô thế giới loại kỳ hạn đã tăng tới 8,5%, cao nhất kể từ quý 4/2011. Mức tăng ấn tượng của quý 3 cũng xóa nhòa phần nào mức sụt giảm tới 18% giá trị của mặt hàng này trong quý 2.