KTĐT - Tháng cuối năm 2009 được coi là giai đoạn nước rút để các nhà cung cấp chạy đua nhằm khẳng định vị trí của mình trên sân chơi công nghệ.
Beeline mở rộng vùng phủ sóng, S-Fone tuyên bố chuyển đổi mô hình kinh doanh. EVN Telecom và Vietnamobile trong liên danh 3G cũng lao vào giai đoạn nước rút để đưa công nghệ thứ ba ra thị trường.
Tuy ưu thế vẫn nghiêng về 3 mạng di động công nghệ GSM với 95% thị phần là Viettel, VinaPhone và MobiFone, nhưng cuộc cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ vẫn dự báo là khốc liệt và có thể tiếp tục kéo giá cước xuống thấp hơn nữa.
Tháng cuối năm 2009 được coi là giai đoạn nước rút để các nhà cung cấp chạy đua nhằm khẳng định vị trí của mình trên sân chơi công nghệ.
Công ty mẹ GTel vừa đề xuất Chính phủ được vay một khoản tín dụng ưu đãi lên tới nhiều tỷ đồng để tiếp tục đầu tư mạnh mạng di động thứ 7 - Beeline. Tổng giám đốc Alexey Blyumin đặt kỳ vọng năm 2009, Beeline sẽ phủ sóng dịch vụ trên toàn quốc và chiếm 20-30% thị phần trong tương lai không xa. Trước đó, hãng cũng công bố đầu tư 267 triệu USD nhằm phát triển mạng lưới cho năm 2009 và 2010. Mục tiêu dài hạn trong vòng 15 năm tới Tập đoàn đối tác Vimpelcom trong liên danh GTel sẽ đầu tư khoảng 1,8 tỷ USD vào Việt Nam. Sau gần 4 tháng nhập cuộc, Beeline đã phát triển được khoảng 2,3 triệu thuê bao.
Nhà khai thác di động lớn thứ tư - S-Fone vốn bị coi là "chậm tiến" cũng vừa công bố kế hoạch "thay máu" sau một thời gian dài nhùng nhằng trong mô hình hợp đồng, hợp tác (BCC). Theo đó, S-Fone sẽ được hoạt động trên cơ sở hợp tác kinh doanh giữa SPT và SK Telecom theo mô hình liên doanh. Mọi thủ tục liên quan đến cuộc chuyển đổi này dự kiến sẽ được hoàn tất trong quý I/2010. Thỏa thuận này cũng chấm dứt mối nghi ngờ về khả năng đối tác SK Telecom có thể rút vốn khỏi S-Fone và những xung đột lợi ích giữa các bên kéo dài gần một năm qua.
Giới chuyên gia nhìn nhận khi những tranh cãi trong nội bộ được giải quyết, S-Fone mới có cơ hội để phát triển. Bởi thị trường viễn thông vốn cạnh tranh khốc liệt nên S-Fone không thể mãi đặt trong tình trạng "thù trong giặc ngoài" - thiếu vốn để mở rộng mạng lưới.
Thời gian qua, S-Fone đã thừa hưởng ưu thế đường truyền tốc độ cao của công nghệ CDMA, tỏ ra khá hữu hiệu cho việc truy cập Internet bằng điện thoại di động. Tuy nhiên do sự nghèo nàn về thiết bị đầu cuối và chậm rót vốn đầu tư nên khách hàng vẫn chưa có nhiều cơ hội để cảm nhận thực sự về đường truyền tốc độ cao và những tiện ích của hãng. Vì thế mà sau 6 năm cố gắng, mạng S-Fone mới đạt được con số 7,3 triệu thuê bao kích hoạt, chưa bằng con số của một mạng di động lớn đạt được trong một năm. Trong đó, số thuê bao trên mạng xấp xỉ 4 triệu, số thuê bao hoạt động thường xuyên hàng tháng khoảng 1,5 triệu...
Chật vật kiếm từng khách hàng cũng là tình cảnh chung của 2 nhà khai thác di động Vietnamobile và EVN Telecom.
Vietnamobile sau khi chuyển đổi công nghệ từ CDMA sang GSM vẫn chưa tạo được tiếng vang trên thị trường. Các chiêu mà hãng tung ra để câu khách cũng chỉ dừng lại ở mức tặng giá trị thẻ nạp, hạ giá thẻ sim, miễn phí những phút gọi nội mạng. Chính vì thế, số lượng thuê bao mà Vietnamobile đạt được cũng chưa vượt qua con số 2 triệu. Còn EVN Telecom cũng mới dừng ở con số vài trăm nghìn thuê bao sau 4 năm khai trương. Và đầu số 096 ngày càng trở nên xa lạ với đại bộ phận người dùng di động.
Thế nhưng, cái mà người tiêu dùng chờ đợi ở EVN Telecom và Vietnamobile chính là những tính năng mà họ có thể đem lại cho người tiêu dùng trong quá trình triển khai 3G. EVN Telecom và Vietnamobile cùng chung giấy phép 3G thứ 4 với cam kết cung cấp dịch vụ sau 9 tháng chuẩn bị.
Trong đó, EVN Telecom tuyên bố đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng cho mạng 3G và tháng 4/2010 sẽ chính thức cung cấp dịch vụ này. Theo đó, EVN Telecom sẽ thiết lập hạ tầng thông tin mạng với gần 2.500 trạm BTS phủ sóng 46% dân số sau 9 tháng kể từ thời điểm được cấp phép.
Cùng với số vốn tuyên bố đầu tư vào mạng lưới là 3.000 tỷ đồng, thế nhưng ngoài cam kết trong hồ sơ thi tuyển 3G, Vietnamobile chưa một lần đề cập đến thời điểm cung cấp dịch vụ một cách chính thức.
Giới chuyên gia nhìn nhận cuộc đua của các doanh nghiệp nhỏ tuy chưa tạo được tiếng vang trên thị trường song cũng đủ kéo giá cước di động ngày càng dễ thở hơn. 3 đại gia Viettel, MobiFone, VinaPhone không nói ra song cũng phải nhìn nhau để tung chiêu nếu muốn giữ chân khách hàng lâu dài.