Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường đồng hồ: Vàng thau lẫn lộn

Minh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với quy mô lên đến 700 triệu USD, thị trường đồng hồ Việt Nam được đánh giá là tiềm năng, bắt đầu được nhiều DN lớn khai thác. Thế nhưng, đây cũng là thị trường có nhiều hàng giả, nhái mang thương hiệu của các hãng có tên tuổi trên thế giới.

Quản lý thị trường kiểm tra hàng thật, hàng giả tại một cửa hàng ở Hà Nội. Ảnh: Thu Hương
Doanh nghiệp lớn nhập cuộc
Năm 2018, Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) công bố nghiên cứu thị trường đồng hồ đeo tay Việt Nam. Theo đó, thị trường này giá trị gần 750 triệu USD, tương đương khoảng 17.000 tỷ đồng nhưng chưa có nhà phân phối nào chiếm từ 20% thị phần trở lên. Nắm bắt cơ hội đó, PNJ và Doji, bắt đầu lấn sân khai thác. PNJ sau khi nhập cuộc thị trường này đến nay đã có khoảng 20 cửa hàng bán đồng hồ.
Ngay cả những đại lý phân phối đồng hồ chính hãng tại Việt Nam cũng thừa nhận, các loại đồng hồ nhái đang làm rất tinh vi, nếu không có chuyên môn rất khó phát hiện.

Phó Chánh Văn phòng thường trực BCĐ 389 Quốc gia Hồ Quang Thái

Sau khi 2 DN kinh doanh vàng bạc đá quý tham gia khai thác thị trường đồng hồ đeo tay, đến lượt DN bán lẻ hàng đầu về công nghệ là Thế giới di động cũng đầu tư khai thác thị trường này. Ở phân khúc giá trung bình và cao có các chuỗi bán lẻ của Đăng Quang Watch và Galle Watch hợp tác với hãng sản xuất đồng hồ thương hiệu Atlantic (Thụy Sĩ) trong việc phân phối một số thương hiệu đồng hồ Thụy Sĩ, Nhật Bản… có mức giá từ 10 triệu đồng trở lên.

Phân tích lý do một số DN ngành vàng bạc, đá quý, công nghệ bắt đầu khai thác thị trường đồng hồ đeo tay, chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú cho biết: Hiện tỷ suất lợi nhuận của ngành bán lẻ đồng hồ vượt qua lợi nhuận của ngành hàng kinh doanh vàng bạc đá quý, điện thoại, điện máy… thậm chí đạt ở mức lợi nhuận lên đến 60-70%. Trong khi dư địa thị trường còn rất lớn vì chưa có chuỗi nào chiếm thị phần hơn 20%. Có thể nói đây chính là thỏi nam châm hút các “ông lớn” bán lẻ nhập cuộc.

80 - 90% đồng hồ tại Việt Nam là hàng giả

Thị trường rộng lớn nhưng chưa có nhà phân phối nào chiếm lĩnh nên hàng thật, hàng giả lẫn lộn. Tại Hà Nội, ở những khu chợ như: Đồng Xuân, Phùng Khoang, chợ đêm sinh viên Cầu Giấy… rất nhiều đồng hồ gắn nhãn các thương hiệu nổi tiếng thế giới được bày bán với mức giá chỉ khoảng 1 triệu đồng/chiếc.

Đồng hồ fake (nhái) không chỉ xuất hiện ở phân khúc giá rẻ mà phân khúc cao cấp cũng trong tình trạng tương tự. Thực tế những năm qua, hàng loạt công ty mang danh nghĩa phân phối đồng hồ chính hãng với đủ thương hiệu từ bình dân đến cao cấp đua nhau nở rộ. Thế nhưng dù mua hàng ở cửa hàng mang danh chính hãng hay trung tâm thương mại lớn, khách hàng cũng không thể thoát khỏi rủi ro. Bởi ngoài hàng fake dễ nhận ra bằng mắt thường, còn có nhiều loại đồng hồ “super fake”, nhái tinh vi đến 99% hàng thật không thể phân biệt bằng mắt thường mà phải mang đến những trung tâm thẩm định đồng hồ mới phát hiện được.

Trước vấn nạn đồng hồ nhái tràn lan trên thị trường, tại Hội nghị chống hàng giả do Bộ Công Thương vừa tổ chức, Phó Chánh Văn phòng thường trực BCĐ 389 quốc gia Hồ Quang Thái cho biết, mới đây chuyên trang thẩm định đồng hồ thật giả có uy tín công bố trong số 20.000 chiếc đồng hồ được thẩm định thì có đến 8.600 chiếc được phát hiện là giả, tương đương tới 43%. Kết quả kiểm tra thị trường đồng hồ cho cũng cho thấy, 80 - 90% đồng hồ tại Việt Nam là hàng giả và xuất hiện ở mọi tỉnh, thành trong cả nước.

Nói về thị trường buôn bán đồng hồ nhái nhãn mác, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường Hà Nội Nguyễn Đắc Lộc cho biết, những năm gần đây, trên địa bàn Hà Nội xuất hiện rất nhiều cửa hàng, công ty phân phối đồng hồ. Việc xuất hiện nhiều cửa hàng, đơn vị phân phối đồng hồ là xuất phát từ nhu cầu của người tiêu dùng, hoạt động kiểm tra nguồn gốc sản phẩm của lực lượng chức năng chủ yếu căn cứ vào hóa đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ, chứng nhận của chính hãng.

Các chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng cần cẩn trọng khi mua hàng vì một số đối tượng lợi dụng thói quen của người tiêu dùng chỉ nhìn vào giá cả và giấy tờ tem mác để đánh giá chất lượng sản phẩm, đã làm nhái đồng hồ hiệu để bán ra thị trường. Mặt khác, hiện có không ít người muốn sở hữu đồng hồ hiệu nhưng tài chính không đủ nên đã chủ động tìm mua hàng fake, chừng nào cầu còn tăng thì thì chừng đó hàng giả, hàng nhái còn đất sống.