Tồn kho lớn
Là một DN chuyên về sản xuất, buôn bán gạch ốp, bà Bùi Thị Kim Oanh - Giám đốc Công ty TNHH Gốm trang trí nội thất Sơn Oanh cho biết, mặc dù đang trong mùa xây dựng (từ tháng 3 - 5), nhưng tình trạng kinh doanh của cửa hàng (tại đường Bưởi, quận Ba Đình) không mấy khả quan bởi ít người mua.
"Mặc dù dịch Covid-19 đã được kiểm soát, nhu cầu sản xuất và tiêu dùng có tăng, nhưng mới đây xăng, dầu đã điều chỉnh giá tăng mạnh lên hơn 30.000 đồng/lít đã khiến cước vận chuyển đội giá theo. Cùng với đó, giá vật liệu nhập vào cũng tăng, tính riêng giá than tăng từ hơn 4 triệu đồng lên hơn 6 triệu đồng/tấn, dù không muốn nhưng chúng tôi phải tăng nhẹ giá bán để bù đắp chi phí sản xuất" - bà Oanh cho hay.
Bên cạnh việc giá xăng, dầu, nguyên vật liệu tăng khiến DN phải "gánh" thêm nhiều chi phí, thì giờ đây còn phải đối mặt với lượng tồn kho lớn từ đầu năm đến nay. Với DN của bà Bùi Thị Kim Oanh, đã phải giảm công suất do lượng hàng hóa chưa thể tiêu thụ, ứ đọng từ tháng 2 tới nay - tương đương với hàng trăm triệu đồng, mà càng để lâu càng tụt giá.
Trong khi đó, đối với các đại lý phân phối, lo lắng là điều dễ hiểu khi nguồn cung về thị trường nhà ở thương mại quý I/2022 vẫn chưa được cải thiện. Chỉ có 39 dự án được cấp mới với 18.660 căn, chỉ bằng 49% so với cùng kỳ năm 2021; số lượng các dự án được cấp phép chỉ bằng 41% so với cùng kỳ năm 2021.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 11//NQ-CP của Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại ưu tiên tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh và thắt chặt tín dụng vào đầu tư, kinh doanh bất động sản, trái phiếu DN... cũng tạo thêm phần khó khăn đối với một ngành gắn liền với thị trường bất động sản. Để tránh tồn kho, hiện nay, các đại lý chỉ có thể nhập hàng cầm chừng.
Anh Dương Duy Mạnh - chủ cửa hàng vật liệu xây dựng (VLXD) trên đường Phạm Văn Đồng cho biết, dù đang là mùa xây dựng nhưng vẫn thưa thớt khách đến mua. Hàng tháng, cửa hàng vẫn phải trả các chi phí như lương nhân viên, tiền thuê mặt bằng, điện, phí vận chuyển..., nên cũng gặp nhiều khó khăn.
Tạo hướng đi mới
Để tránh giảm tải những khó khăn, nhiều DN đã và đang dần áp dụng tối đa công nghệ 4.0 vào quản lý để giảm chi phí cũng như đảm bảo cạnh tranh trong nước và xuất khẩu.
Đơn cử, Viglacera gần đây đã tạo động lực thúc đẩy thị trường ngành gạch khởi sắc trong năm 2022 khi đầu tư tại dây chuyền công nghệ Continua+ của Tập đoàn Sacmi. Đây là nhà sản xuất máy móc thiết bị hàng đầu thế giới phục vụ cho ngành sản xuất gốm sứ xây dựng.
Bên cạnh việc đầu tư công nghệ mới từ Sacmi, Viglacera đã và đang hợp tác với hàng loạt đối tác quốc tế hàng đầu về nhiều mặt để nâng cao chất lượng sản phẩm. Sự hợp tác với các hãng men và màu uy tín trên thế giới giúp sản phẩm của Viglacera đạt được màu sắc ổn định. Sản phẩm đạt độ bền cao, chống mài mòn bề mặt, màu sắc tự nhiên nhờ chất lượng men tốt.
Viglacera cũng cam kết tiếp tục đầu tư nghiên cứu phát triển các mẫu sản phẩm mới. Đầu tư phát triển thị trường nâng tầm thương hiệu cũng như thị phần tiêu thụ các sản phẩm do công ty sản xuất. Năm nay, Viglacera đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.700 tỷ đồng, doanh thu đạt 15.000 tỷ đồng lần lượt tăng 10% và 34% so với thực hiện năm 2021.
Theo nhiều chuyên gia, với việc áp dụng khoa học công nghệ hướng tới Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo chuyển biến rõ rệt trong ngành gạch ốp lát khi sử dụng hiệu quả nhiên liệu ở mức cao nhất, giúp giảm chi phí vận hành. Cùng với đó, dây chuyền sản xuất được đầu tư, vận hành tự động hay sắp xếp lại một cách khoa học, hợp lý sẽ giảm nhân lực, người lao động có thể nhận được mức lương cao hơn.
Bộ Tài chính cho biết, sẽ theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới, tình hình lạm phát chung, diễn biến giá cả các mặt hàng nhiên liệu và vật tư chiến lược để kịp thời ứng phó trong điều hành sản xuất trong nước, cân đối cung cầu và chính sách xuất nhập khẩu phù hợp.