Thị trường hàng hóa toàn cầu tiếp tục lao dốc

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, cùng với đà lao dốc về giá của vàng và “vàng đen”, sự xuống giá của một loạt nguyên liệu chủ chốt như các kim loại quý như sắt, đồng và nông sản như sữa, lúa mỳ… đã tác động lớn đến nền kinh tế toàn cầu.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến “tình trạng sức khỏe” yếu kém của các thị trường hàng hóa này là sự tăng giá của đồng USD và tăng trưởng của Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới chậm lại khiến nhu cầu sụt giảm mạnh.  
Thị trường hàng hóa toàn cầu tiếp tục lao dốc - Ảnh 1

Thị trường thép xuống dốc khiến các doanh nghiệp Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc lao đao.
Sự lao dốc của chứng khoán Trung Quốc và giá dầu đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 6 năm khiến nhà đầu tư cảm thấy bất an hơn bao giờ hơn và buộc phải tìm đến vàng – mặt hàng trú ẩn an toàn trong các giai đoạn khủng hoảng. Tuy nhiên, sau xăng dầu, vàng tiếp tục trở thành “ông lớn” tiếp theo bị “đánh gục” bởi đồng USD mạnh và mối quan ngại về tình hình kinh tế Trung Quốc giảm tốc. Các nhà đầu tư vàng có xu hướng thanh lý, bán tài sản vàng đã tạo áp lực lớn lên giá vàng thế giới. Giá vàng giảm mạnh quay trở lại đã ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Nga và Trung Quốc - những nước mua vàng nhiều nhất trong gần 1 thập kỷ qua.

Từ đầu năm 2015, sữa cũng là loại hàng hóa mất giá trầm trọng. Nguyên nhân là do mở rộng sản xuất nhanh khiến cung lớn hơn cầu. Ở nhiều nơi trên thế giới người nông dân đã phải đổ bỏ hàng ngàn thùng sữa do không bán được. Newzealand là nước có nền kinh tế lao đao nhất do giá sữa xuống thấp. Theo các chuyên gia thị trường, nền kinh tế Newzealand có thể sẽ tổn thất hàng tỷ USD do giá các sản phẩm sữa nước này chạm mức đáy trong thời gian qua. Giá 1 số nguyên liệu ngành nông lâm thủy sản cũng giảm mạnh khiến người nông dân từ châu Âu đến châu Á lao đao và lâm vào tình trạng khó khăn.

Mặc dù giá các nguyên liệu thô đồng loạt giảm đã tác động khá lớn đến nền kinh tế của nhiều nước trên thế giới như gây ra sức ép lên chi phí đầu vào của các công ty khai thác, thu mua và sản xuất nguyên liệu do độ trễ của giá. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, về dài hạn khi giá nguyên liệu được điều chỉnh về mức ổn định và hợp lý, các doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn giữa các sản phẩm trong cùng phân khúc.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần